Điện Kremlin đã bất ngờ đình chỉ các đợt chuyển giao tiếp theo trong thỏa thuận S-400 cho Trung Quốc. Theo ông Episkopos, đây có thể là điềm báo cho thấy những dấu hiệu căng thẳng ban đầu trong mối quan hệ chiến lược giữa hai phía.
Là hệ thống phòng thủ tên lửa hàng đầu của Nga, S-400 Triumf đã thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều quốc gia trong thập kỷ qua. Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên đặt mua 6 tiểu đoàn S-400 với tổng giá trị lên tới 3 tỷ USD.
Theo các thông tin trước đó, Trung Quốc đã nhận được lô S-400 đầu tiên vào tháng 5/2018 nhưng một số nguồn tin quốc phòng từ Nga và Trung Quốc cho biết, nhiều thành phần thiết yếu vẫn chưa được chuyển giao cho Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Nga còn phải hỗ trợ một số công tác liên quan tới huấn luyện và cơ sở vật chất thì các hệ thống S-400 của Trung Quốc mới có thể được triển khai toàn diện.
Cuối tuần trước, một số nguồn tin tại Trung Quốc loan báo rằng Kremlin đã đình chỉ vô thời hạn các đợt chuyển giao trong thỏa thuận S-400 cho lực lượng vũ trang Trung Quốc. Lời diễn giải đầy đủ nhất đến từ trang tin của công ty truyền thông Sohu (Trung Quốc).
Hệ thống phòng không S-400 khai hỏa. Ảnh: defencenews.in
"Nga tuyên bố đã hoãn việc chuyển giao tên lửa cho các hệ thống S-400 của Trung Quốc. Xét theo một góc độ nào đó, chúng ta có thể nói rằng điều đó là vì lợi ích của Trung Quốc. Việc chuyển giao tên lửa đâu có dễ dàng như kí tờ hóa đơn xong là xong", Sohu cho biết.
"Việc cung cấp vũ khí diễn ra khá phức tạp. Một mặt, Trung Quốc phải cử nhân viên đi huấn luyện, mặt khác Nga cũng cần phải cử các chuyên gia kỹ thuật sang để hướng dẫn sử dụng vũ khí".
"Những lý do được Nga đưa ra là 'rất ấm lòng'", Sohu viết. "Có lẽ Nga lo ngại rằng việc chuyển giao tên lửa S-400 vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến công tác chống đại dịch của Quân đội Trung Quốc và không muốn gây rắc rối cho Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Episkopos, bài báo của Sohu làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn thay vì cung cấp câu trả lời. Cần nhấn mạnh rằng, vào thời gian bài viết này đăng tải, Moscow hay Bắc Kinh đều chưa có tuyên bố chính thức nào liên quan tới quyết định đình chỉ chuyển giao S-400.
Sohu không nêu tên nguồn tin đứng sau tuyên bố được cho là của Nga, cũng không nói rõ rằng họ dựa trên một nguồn tin giấu tên nào đó. Nếu gác những vấn đề này sang một bên, thì việc Nga đơn phương đình chỉ chuyển giao S-400 cho Trung Quốc để thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ các nỗ lực chống dịch của Bắc Kinh "nghe chừng rất không hợp lý ở một số khía cạnh".
Không có thông tin nào nói rõ việc chuyển giao và lắp đặt các thành phần của S-400 sẽ tác động tới sự lây lan dịch bệnh ở Trung Quốc như thế nào. Ông Episkopos cho rằng nếu phải xét nghiệm tất cả các thành viên tham gia quá trình chuyển giao thì đó cũng không phải là vấn đề lớn đối với quân đội Nga và Trung Quốc.
Một điều phi lý nữa, Nga lại là phía chủ động nêu lên điều được cho là "vấn đề" này, và họ thậm chí lựa chọn đình chỉ vô thời hạn các đợt chuyển giao, thay vì bàn thảo với Bắc Kinh để sắp xếp lịch trình khác.
Trong tuần qua, truyền thông Ấn Độ đã tích cực loan truyền thông tin về việc Nga đình chỉ chuyển giao S-400 cho Trung Quốc, kèm theo đó là một hướng giải thích khác, mà theo ông Episkopos, "có phần thuyết phục hơn":
Vì muốn duy trì mối quan hệ giao dịch vũ khí và mối quan hệ quân sự có lợi với cả Bắc Kinh và New Delhi nên Kremlin không muốn bị kéo vào cuộc xung đột Trung-Ấn ở vùng biên giới Himalaya.
Chẳng hạn, nếu Trung Quốc triển khai các hệ thống S-400 để chống lại Ấn Độ thì điều đó có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Nga-Ấn.
Nhà phân tích Episkopos cho rằng, tình trạng không chắc chắn hiện nay của hợp đồng S-400 với Trung Quốc đã cho thấy sự căng thẳng âm ỉ đang len lỏi giữa một bên là cam kết của Kremlin nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, và một bên là vị thế địa chính trị tầm cỡ hơn của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương.