Ngày 5/5/2020, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này phóng thành công dòng tên lửa đẩy mạnh nhất trong lịch sử của nước này, Long March 5B (Trường Chinh 5B), từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở Hải Nam.
Khoảng 1 tuần sau, ngày 11/5/2020, Forbes thông tin, phần còn lại của tên lửa Trường Chinh 5B (tầng lõi, Long March 5B core stage) đang rơi không kiểm soát xuống Đại Tây Dương.
Dài 30 mét, rộng 5 mét, nặng xấp xỉ 20 tấn - phần còn lại của tên lửa Trường Chinh 5B là vật thể có khối lượng lớn nhất tái nhập vào bầu khí quyển một cách không kiểm soát từ quỹ đạo trong vòng gần 3 thập kỷ.
Theo Phi đội Kiểm soát Không gian số 18 của Lực lượng Vũ trụ Mỹ, tầng lõi của Trường Chinh 5B đang rơi trở lại bầu khí quyển vào lúc 11:33 sáng EDT ngày thứ Hai 11/5. Vào thời điểm đó, tên lửa đang bay phía trên Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi, với vận tốc hàng nghìn km/giờ.
"Đối với một vật thể lớn như thế này, dù ma sát với khí quyển nhưng phần thân dày đặc của động cơ tên lửa có thể còn khá nguyên vẹn khi rơi xuống Trái Đất. Khi rơi xuống tầng khí quyển thấp hơn, vật thể còn lại của tên lửa Trường Chinh 5B sẽ giảm tốc, vì thế, trường hợp xấu nhất là nó có thể "thổi bay" một ngôi nhà", Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), nói với CNN.
Tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B trước khi được phóng đi ngày 5/5. Ảnh: Tân Hoa Xã
Hiện tại, hệ thống radar trên mặt đất của Lực lượng Vũ trụ Mỹ đang theo dõi chặt chẽ để đo quỹ đạo phân rã của tầng lõi của Trường Chinh 5B. Hy vọng, vật thể 20 tấn này có thể bị đốt cháy khi ma sát với không khí và rơi xuống vùng không có người ở.
Thông thường, rác vũ trụ (các phần còn lại của tên lửa, tàu vũ trụ, vệ tinh...) sẽ được gắn thiết bị định hướng để rơi xuống Trái Đất tại địa điểm an toàn định sẵn (là Point Nemo ở Thái Bình Dương). Có vẻ như phần còn lại của tên lửa Trung Quốc đã không rơi như vậy.
Spaceflightnow cho biết, Trường Chinh 5B được thiết kế để khởi động các mô-đun cho trạm vũ trụ tiếp theo Trung Quốc. Nó được phóng với bốn động cơ phụ trợ, tiến vào quỹ đạo Trái Đất sau khi được nhấc lên sau 3 phút. Tầng lõi được làm lạnh bằng nhiên liệu hydro đi vào quỹ đạo cùng với nguyên mẫu tàu vũ trụ dành cho phi hành đoàn.
Trường Chinh 5B là thế hệ tên lửa đẩy đời mới nhất, là phiên bản thứ 4 thuộc Hệ thống tên lửa đẩy hạng nặng Long March-5 do Viện Công nghệ Tên lửa đẩy (CALT) của Trung Quốc phát triển. Tên lửa này dài 54 mét này được phóng lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, mang theo một nguyên mẫu tàu vũ trụ (dành cho 6 người), dự kiến dành cho trạm vũ trụ tiếp theo của Trung Quốc.
Trung Quốc có kế hoạch phóng thêm ít nhất ba tên lửa Trường Chinh 5B vào năm 2021 và 2022 với các mô-đun cho trạm vũ trụ theo kế hoạch của nước này, do đó, việc định hướng vật thể tái nhập khí quyển có kiểm soát sẽ được nước này triển khai trong các năm tới.
Vật thể lớn nhất do con người tạo ra tái nhập bầu khí quyển từ quỹ đạo là Trạm vũ trụ Mir của Nga, nơi thực hiện tái nhập có hướng dẫn trên vùng biển Nam Thái Bình Dương vào năm 2001. Cơ quan vũ trụ của NASA và Nga có kế hoạch cuối cùng thực hiện một cuộc tái nhập có kiểm soát của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) khi nó nghỉ hưu trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng nguồn: CNN, New York Post
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.