Hiệp hội hóa học Châu Âu (EuChemS), một nhóm đại diện cho hơn 160 ngàn nhà hóa học ở Liên Minh Châu Âu đã công bố một phiên bản mới của bảng tuần hoàn trước ngày kỷ niệm 150 năm bản gốc bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học Mendeleev ra đời vào ngày 29/1/1869.
Không giống như phiên bản cũ với 118 nguyên tố tự nhiên và tổng hợp đã biết, bảng tuần hoàn mới được thiết kế để hiển thị chỉ 90 nguyên tố. Sự khác biệt về kích thước của mỗi ô ngyên tố có tác dụng làm nổi bật sự khan hiếm của chúng do nhu cầu sản xuất các thiết bị điện tử ngày càng tăng.
Theo CGTN, các nguyên tố trong phiên bản mới có đủ mọi kích thước, màu sắc không gian khác nhau. Thông qua bảng tuần hoàn mới, chúng ta cũng có thể mường tượng được sự khan hiếm ngày càng tăng của một số nguyên tố.
Những nguyên tố có màu đỏ cho thấy nguyên tố đó đang gặp mối đe dọa nghiêm trọng và có thể sẽ cạn kiệt dần trong vòng 100 năm tới. Trong khi đó, những nguyên tố màu cam có thể bị đe dọa nếu bị khai thác quá nhiều. Cuối cùng nguyên tố màu xanh lá cây đại diện cho những nguyên tố vẫn còn trữ lượng tương đối an toàn và dồi dào cho đến nay.
Bảng tuần hoàn các nguyên tố sau khi được làm mới
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học Mendeleev ban đầu
Theo chủ tịch của EuChemS, ông David Cole-Hamilton cho biết, bảng tuần hoàn mới là lời nhắc nhở quan trọng cho con người nhằm cân đối và khai thác có chừng mực các nguyên tố trên Trái Đất này. Nếu lạm dụng khai thác không có kế hoạch, con người có thể sẽ phải trả giá khi các chúng cạn kiệt.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, tốc độ nâng cấp và thay mới thiết bị điện tử đang nhanh hơn bao giờ hết. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 10 triệu chiếc smartphone bị vứt đi hoặc thay thế mỗi tháng chỉ riêng ở Liên minh Châu Âu.
Một điều thú vị mà chúng ta có thể nhận thấy trong bảng tuần hoàn, đó là biểu tượng điện thoại trong các ô nguyên tố. Nói một cách dễ hiểu, các nguyên tố có chứa biểu tượng đó là những thành phần linh kiện được sử dụng để sản xuất các thiết bị điện tử, trong đó có smartphone.
Một chiếc smartphone được tạo thành từ khoảng 30 nguyên tố và hơn một nửa trong số các nguyên tố đó đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm trữ lượng và ngày càng khan hiếm hơn trong tương lai. Có thể kể đến một số nguyên tố như Au (vàng), In (Indium), Ga (Gali), As (Asen), Y (Yttri), Ta (tantan),…
Nếu con người vẫn tiếp tục khai thác cạn kiệt các nguyên tố này, nguy cơ không còn các vật liệu để sản xuất smartphone, máy tính bảng, máy tính là rất cao.
Mới đây Liên Hợp Quốc đã chỉ định 2019 là năm quốc tế của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. 2019 cũng là năm trùng với kỷ niệm 150 năm ra đời bảng tuần hoàn Mendeleev và đánh dấu 350 năm tìm ra phốt pho.