Trang Trần: Nỗi ám ảnh tham tiền và sự ra đi vĩnh viễn của bố

Gia Linh |

(Soha.vn) - Sự nghiêm khắc của bố từng làm cô bị tổn thương nhưng cũng nhờ nó, Trang Trần mới thành công như ngày hôm nay.

Trang Trần sở hữu vẻ ngoài mạnh mẽ đến nỗi đàn ông phải dè chừng còn phụ nữ lại cảm thấy an toàn khi đi bên cạnh. Nhìn cái dáng đi phăm phăm của cô trong mỗi chuyến từ thiện, chẳng ai biết được chân dài đến từ Hà Nội cũng có những khoảnh khắc rất yếu đuối, nhất là khi có ai đó nhắc đến người bố đã mất.

Trang Trần rơi nước mắt khi nhớ về bố
 

Với giọng điệu buồn bã xen lẫn sự tự hào, Trang Trần nhớ lại những kỷ niệm về bố. Cô nhớ, bố luôn là người rất khó tính. Tất cả mọi việc trong nhà ông đều bắt cô tự làm dù gia đình khá giả và còn có người giúp việc. Bố cô cũng không phải là người đàn ông thích thể hiện tình cảm qua lời nói.

 Ông chẳng bao giờ nói yêu con gái, cũng chẳng đối xử với cô quá ngọt ngào. Những câu ông thường nói chỉ là “Hãy làm cái này đi”, “Hãy làm cái kia đi”… Sự nghiêm khắc ấy khiến cô gái nhỏ bị tổn thương. Tuổi còn nhỏ nên những gì cô cảm nhận được chỉ là sự gay gắt, khó tính của ông.

Mối quan hệ của cô và bố càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Trang Trần nuôi hy vọng thi vào trường Sân khấu điện ảnh. Khi biết cô con gái mình yêu quý chỉ tập trung học những môn phục vụ cho ước mơ, ông đã vô cùng tức giận. Ở thời điểm đó, bố của Trang Trần thậm chí còn đánh cô và tuyên bố: “Nếu quyết chí theo nghề, hãy tự nuôi lấy thân”.

Với tính tự lập được rèn luyện từ bé cùng với sự cứng đầu hay có ở thanh niên trẻ, Trang Trần đã bỏ về nhà bà ngoại ở. Trong vòng ba năm, cô chấp nhận đi làm thuê, làm mướn để sống và theo đuổi ước mơ chứ không chịu nhận sai trước mặt bố.

Cũng có lúc mệt mỏi vì quá vất vả, cô tự hỏi: “Tại sao nhà mình khá giả mà mình phải chịu cảnh này?” nhưng rồi câu hỏi đó cũng dần biến mất, để chỗ cho sự giận dỗi, oán trách. Tình trạng đó kéo dài cho đến khi bà ngoại của cô qua đời. Lúc đó, Trang Trần phải nhập viện để điều trị bệnh sốt phát ban vào năm 2006.

Khi cơ thể và tâm hồn ở thời điểm yếu đuối nhất, cô nhìn thấy cảnh bố mình đi xe máy vào bệnh viện thăm con. Lúc ấy, sức khỏe ông cũng không tốt và việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Chính khoảnh khắc ấy, bao nhiều hờn giận trong lòng tan biến hết, Trang Trần chợt nhận ra bố yêu cô nhiều như thế nào.

Những quãng thời gian ngọt ngào ấy kéo dài chẳng bao lâu. Rồi bố cô mất. Năm năm là quãng thời gian không dài nhưng đủ để Trang Trần trải nghiệm sự mất mát.

 Cô viết: “Năm năm trước, giờ này tôi mới đáp về đến Hà Nội, mắt mờ đi, họng đắng lại. Nước mắt của sự hụt hẫng mất mát. Bố ra đi đột ngột và đó là lần đầu tiên tôi hối hận về việc tham tiền. Bố đã ốm gần 10 năm nhưng vẫn sinh hoạt bình thường . Năm đó tôi có hứa đưa bố đi Đà Lạt chơi. Nhưng lúc đó tôi chẳng đủ tiền để đưa bố đi bằng máy bay nên cứ cố dành dụm. Gần đến ngày đi, tôi lại trúng một hợp đồng chụp quảng cáo vài trăm đô và tôi nói với bố 4 ngày nữa con về rồi mua vé máy bay đi nhé”.

	Những dòng xúc động Trang Trần viết về bố trên facebook.

Những dòng xúc động Trang Trần viết về bố trên facebook.

Bây giờ, khi nghĩ về bố, nữ diễn viên Biết chết liền vẫn không giấu được giọt nước mắt: “Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi khóc thật sự trước mặt bố đó là năm 2006 khi tôi măc bệnh sốt phát ban nằm bệnh viện một mình. Tôi chẳng nói với ai, âm thầm chịu đựng và nằm viện điều trị. Hàng ngày các bạn ở lớp vô thăm và vô tình chị y tá ở cùng làng làm ở đó về báo với bố.

Vào buổi sáng của ngày xuất viện bố xuất hiện tại cửa phòng rồi bố khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc và tôi cũng khóc. Bố chỉ nói: ‘Về nhà đi con đừng lang thang nữa’, rồi bó dúi cho cho tôi 1 triệu nói cầm lấy tẩm bổ. Lúc đó, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc.

Suốt 3 năm rời khỏi nhà tự lập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành diễn viên của mình tôi luôn bị ám ảnh cái đêm bố dựng tôi dậy và nói: ‘Nếu không thi đại học mỏ địa chất thì bước ra khỏi nhà tự thân mà thi cái nghề xướng ca vô loài đó’. Nỗi căm hận và quyết trí thi đậu thành tài nó nung nấu bao năm với bao khổ cực giờ đây tôi mới hiểu mình đã trách nhầm bố mẹ.

Ngày hôm đó tôi đã khóc nhiều và cũng là ngày tôi thấy mình hạnh phúc nhất. Và rồi hôm nay đã 5 năm kể từ ngày tôi mất bố vĩnh viễn thì tôi đã trưởng thành hơn và lặng lẽ hơn. Giá như 5 năm trước tôi đừng tham vài trăm đô quảng cáo mà về theo đúng lịch hẹn với bố thì có lẽ tôi không bị dằn vặt như bây giờ.

Càng nghĩ về bố tôi càng thấy mình tệ. Chưa có một bờ vai để tôi dựa vào vững chắc mãi mãi và có lẽ đấy là điều bố tôi mong muốn nhất. Nhưng đó là duyên phận con đành chịu. Con chỉ biết hứa với bố là sống có ích , yêu thương chảm sóc mẹ và các em đủ đầy. Ở nơi xa kia con mong bố bình an siêu thoát phù hộ cho mẹ con và các em được khoẻ mạnh an vui”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại