Kỷ niệm Tết và sự hối hận muộn màng của Hùng Cửu Long

Cẩm Giang |

(Soha.vn) - Là người kinh doanh nhưng Hùng Cửu Long không kiêng kị điều gì. Theo quan điểm của anh, chỉ cần sống tốt là được.

Xa quê lập nghiệp khi còn là một thanh niên, Hùng Cửu Long đã nếm trải không ít khó khăn và vất vả. Đã có lúc anh nằm trong căn phòng rộng vài mét vuông khóc ròng vì thất bại, vì không được về ăn Tết cùng gia đình.

Điều làm Hùng Cửu Long hối hận nhất - đến thời điểm này là trước khi bố qua đời, anh cũng chẳng kịp về để ăn Tết với bố.

Không muốn chuyện cũ lặp lại lần nữa, kể từ sau khi bố mất, Hùng Cửu Long đều đặn đưa con về Thanh Hóa vào ngày 29 Tết và quay trở lại Sài Gòn vào mồng 3. Và mỗi lần về nhà là một lần anh được chính tay mua tặng cho mẹ mình quần áo mới.

"Mẹ tôi cũng như những người phụ nữ lớn tuổi khác, bà cũng không cho con cái mua quà gì đâu vì sợ phí tiền. Thế nên, tôi cũng chỉ biết tặng bà bộ quần áo và sắm ít đồ cho mẹ ăn Tết. Trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng làm tất cả để mẹ có một cái Tết ấm cúng cùng gia đình với bà con làng xóm.

Trước đêm Giao thừa, tôi dọn dẹp bàn thờ, dẫn các con lên mộ để mời ba về ăn Tết. Sau đó, cả nhà cùng ngồi gói bánh chưng để tạo cho những đứa trẻ một không khí Tết thật ấm áp.

Có thể ở thời điểm hiện tại, vì quá nhỏ nên các cháu chưa thể cảm nhận hết được nhưng chí ít tôi cũng mang lại các con rất nhiều kỷ niệm. Sau này lớn lên, các cháu sẽ nhớ, sẽ hiểu và trân trọng những khoảnh khắc ấy", anh tâm sự.

Nhìn những đứa trẻ vui đùa ở quê, Hùng Cửu Long lại nhớ đến chính anh ngày bé. Anh kể: "Ngày xưa gia đình tôi cũng thuộc diện khó khăn, bố đi bộ đội, mẹ làm ở hợp tác xã. Thanh Hóa lúc đó nghèo lắm nên trẻ con chỉ mong đến Tết để được ăn thịt, có quần áo mới và một ít tiền lì xì.

Ngày còn bé, cách Tết một tháng, tôi đã đếm từng ngày từng giờ rồi. Tết với tôi lúc đó là điều rất lớn lao. Ngày Giao thừa, tôi và lũ bạn đi xem người ta đốt pháo. Sau đó, đám trẻ con lại xông vào đống xác pháo để tìm những viên còn sót lại. Tôi nhớ có lần pháo nổ đã làm tay tôi chảy máu đầm đìa. Vì sợ bố mẹ mắng nên khi về nhà, tôi đã phải nén đau để giấu bàn tay vào trong người. Khi bị phát hiện, đáng lẽ là bị đánh nhưng vì đầu năm nên bố mẹ kiêng cử, tha cho.

Ở thời điểm hiện tại, do cuộc sống ngày càng vội vã, con người bị công việc cuốn đi nên không còn cảm giác Tết như ngày xưa nữa. Thứ nữa là vì mình đã trưởng thành nên cảm xúc bị chai sạn.

Bây giờ, tôi chỉ biết chăm chút cho những đứa trẻ để chúng có được cảm giác háo hức như ngày xưa. Nhưng rõ ràng, cuộc sống đã đầy đủ hơn nên trẻ con đâu có được cảm giác ấy nữa".

Là một người kinh doanh nhưng đầu năm, Hùng Cửu Long không có thói quen kiêng bất cứ điều gì. "Tôi là người tin vào tâm linh chứ không mê tín dị đoan nên đầu năm mới, tôi chẳng kiêng cử gì cả. Chỉ cần mình sống nghiêm túc là được, đó là quan điểm của tôi", anh nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại