Ván cờ mới của Nga ở Syria: Buộc châu Âu chi tiền, xua đuổi người Mỹ về nước?

Quốc Vinh |

Sau hội nghị thượng đỉnh Istanbul, chiến lược mới của Nga trong giai đoạn hậu chiến ở Syria đã phần nào lộ rõ.

Biến đổi "chiến thắng" thành lợi ích chính trị

Sau một vài trì hoãn, hội nghị thượng đỉnh Istanbul cuối cùng đã diễn ra vào ngày 27/10, nơi tập hợp các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức để thảo luận về hòa bình ở Syria.

Cuộc họp bốn bên ban đầu được lên kế hoạch vào đầu tháng 9, nhưng những khác biệt lớn giữa các nước tham gia đã khiến cho sự kiện không được tổ chức sớm hơn.

Hội nghị thượng đỉnh có đại diện thành viên của tiến trình Astana (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) và Nhóm làm việc Syria (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập), nhưng không thể xóa bỏ được khác biệt vẫn còn tồn đọng.

Ngoài một tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt đầu "một quá trình chính trị toàn diện" để chấm dứt xung đột Syria, các bên đã không đạt được thỏa thuận về cách thức nào để đạt được điều đó.

Các vấn đề chia rẽ chính tiếp tục là số phận chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad, sự hiện diện quân sự nước ngoài, câu hỏi về người tị nạn và tái thiết, cũng như tương lai của các khu vực người Kurd ở phía đông bắc.

Sau khi thực hiện các mục tiêu quân sự quan trọng của mình - đánh bại phe đối lập và bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad - Nga đang cố gắng biến đổi "chiến thắng" này thành lợi ích chính trị.

Moscow tìm cách bình thường hóa tình hình ở Syria bằng cách tập trung vào tái thiết và đưa những người tị nạn trở lại Syria.

Hiện tại, mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin là thuyết phục các nhà tài trợ tiềm năng, chủ yếu là EU và các quốc gia vùng Vịnh, đổ tiền vào nền kinh tế Syria đang kiệt quệ để giúp khôi phục lại đất nước.

Với khả năng xoa dịu cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu, lãnh đạo Nga đã dùng "quân bài" người tị nạn để tìm cách thuyết phục Đức – nơi có hơn một triệu người Syria đang nương náu – mang đến một thỏa thuận tái thiết.

Tuy nhiên, nhiều nước EU, bao gồm Đức, dường như sẵn lòng tài trợ cho việc tái thiết ở Syria, nhưng chỉ với điều kiện quốc gia Trung Đông phải đạt được một thỏa thuận chính trị.

Nhóm làm việc Syria tin rằng sau khi quân đội Nga giành chiến thắng, tài trợ cho việc tái thiết là công cụ duy nhất còn lại trong tay họ để trở thành đòn bẩy buộc chính quyền Assad và các đồng minh chấp nhận một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Ván cờ mới của Nga ở Syria: Buộc châu Âu chi tiền, xua đuổi người Mỹ về nước? - Ảnh 2.

Mỹ đang chiếm giữ khu vực "trái tim" của cả Syria.

Ngược lại, Nga muốn quá trình tái thiết phải tách rời khỏi bất kỳ quá trình chính trị nào. Do đó, sự bất đồng về vấn đề này đã làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh Istanbul và được phản ánh rõ ràng trong cuộc họp báo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến các quốc gia khác một lần nữa cảm thấy quan ngại khi nói rằng thỏa thuận Sochi về khu phi quân sự ở tỉnh Idlib chỉ là "một biện pháp tạm thời", ám chỉ rằng một lựa chọn quân sự vẫn còn trên bàn.

Nhiều người giải thích tuyên bố đó là một mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp: Nếu họ không đi theo kế hoạch của Nga, họ nên chuẩn bị cho làn sóng ba triệu thường dân đang sống ở Idlib chạy về biên giới của mình.

Tại sao Nga rất muốn Mỹ rời khỏi Syria?

Những nhận xét của Tổng thống Putin về Idlib cũng là một dấu hiệu cho thấy mục tiêu cuối cùng của ông tại Syria là chấm dứt tất cả sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở đó, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và đặc biệt là Mỹ.

Đầu tháng 10, ông Putin nói: "Chúng ta nên theo đuổi mục tiêu rằng sẽ không có lực lượng nước ngoài hay của một quốc gia thứ ba nào còn lại ở Syria".

Trong thực tế, Nga đã rất băn khoăn bởi Mỹ vẫn có kế hoạch duy trì một sự hiện diện quân sự tại Syria sau khi kết thúc cuộc chiến chống khủng bố.

Các mục tiêu của Mỹ về việc quyết định ở lại vùng đông bắc Syria đã được làm rõ hồi tháng 9, trong đó mục đích của Washington là ngăn chặn sự hồi sinh của IS, chặn đứng sự trỗi dậy của Iran, bao gồm ngăn cản việc thiết lập một hành lang băng qua Iraq, Syria tới Lebanon và sử dụng sự hiện diện quân sự của mình như quân bài thương lượng để ép buộc một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.

Hiện nay, Mỹ kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria thông qua liên minh với Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF); Nga (ủng hộ chính quyền hợp pháp Syria) thống trị hơn một nửa đất nước; và phần còn lại là dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ (thông qua lực lượng đối lập Syria mà nước này hậu thuẫn).

Khu vực kiểm soát của SDF chứa tới 90% trữ lượng dầu và khí đốt của Syria, bao gồm cả al-Omar, mỏ dầu lớn nhất đất nước, cũng như hầu hết nguồn nước, các đập lớn và các nhà máy điện.

Phía đông bắc được coi là "suối nguồn" của cả Syria. Chừng nào khu vực này còn nằm ngoài tầm kiểm soát Chính phủ, không một chính quyền nào có thể tồn tại độc lập mà thiếu đi viện trợ nước ngoài.

Và người Nga - những người mong muốn gặt hái lợi ích kinh tế đến từ sự can thiệp quân sự ở Syria – họ không thể một mình đảm đương nổi toàn bộ nguồn kinh phí tái thiết. Do đó, việc rút quân của Mỹ, trả lại vùng đất giàu có của Syria là điều cần thiết cho sự tồn tại của chính quyền Damascus và cho sự thành công của người Nga tại đây.

Do đó, nếu không có một thỏa thuận Mỹ-Nga, sẽ không có tiến bộ đáng kể nào được thực hiện đối với giải pháp chính trị ở Syria.

Theo nghĩa này, hội nghị thượng đỉnh Istanbul được coi là thất bại vì Mỹ không phải là một thành phần tham dự. Có lẽ vì lý do này mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng vào ngày 11/11, ông sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga về vấn đề Syria ở Thủ đô Paris.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại