Việc chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Iran và sự trì trệ trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đang nổi lên như là một ưu tiên trong khu vực.
Theo AP, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhiều năm "nói quá" về sự ấm lên với các quốc gia Ả Rập chủ chốt - mà chưa có quan hệ ngoại giao với Israel. Và những sự ấm lên này - phần lớn vẫn không được ưa chuộng trong cộng đồng Ả Rập - hiếm khi được nhìn thấy rõ ràng.
Vòng vây ngoại giao của Israel
Điều đó đã thay đổi vào cuối tháng 10, khi ông Netanyahu thực hiện một chuyến thăm không có nhiều sự chuẩn bị trước tới Oman, nơi ông gặp nhà lãnh đạo lâu năm Sultan Qaboos bin Said. Nó đã đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Israel trong hơn 20 năm tới một quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé, một đồng minh của Hoa Kỳ trong quá khứ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran.
"Đây là những cuộc đối thoại quan trọng, cả về vị thế của Israel và đối với an ninh của Israel", ông Netanyahu nói với Nội các của mình ngày 28/10. "Sẽ còn nhiều hoạt động như vậy nữa."
Theo lời ông, bà Miri Regev –Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao trong nội các Israel đã tới UAE cùng một phái đoàn Israel tại một giải judo, trong khi Bộ trưởng truyền thông của ông Netanyahu cũng góp mặt tại một hội nghị an ninh ở UAE.
Bà Miri Regev đến thăm một nhà thờ ở UAE. (Nguồn: AP)
Bộ trưởng giao thông Israel Yisrael Katz có chuyến thăm tới Oman trong tuần này để tham dự một hội nghị vận tải, nơi ông dự định trình bày kế hoạch của mình về một tuyến đường sắt nối các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập và Israel.
Động lực trong những chuyến thăm này dường như là một mối quan tâm chung đối với Iran. Israel và nhiều quốc gia vùng Vịnh Ả-rập coi Iran là một thế lực bất ổn, can thiệp vào các cuộc xung đột và hỗ trợ các đối thủ của họ trong khu vực. Oman, giáp với Saudi Arabia và nằm ở cửa Vịnh Ba Tư, thường đóng vai trò trung gian hòa giải khu vực.
Oman cũng là bên thu thập sự ủng hộ của các nước Ả rập với Washington. Tổng thống Trump đã cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch về "Thỏa thuận thế kỷ" cho hòa bình Trung Đông. Trong khi đó, vai trò của Saudi Arabia như một thế lực có ảnh hưởng trong tiến trình này đã rơi vào khủng hoảng trong bối cảnh vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul chưa tan bão.
Sự xuất hiện của bà Regev tại lễ trao huy chương vàng trong sự kiện thể thao ở Abu Dhabi vừa qua là chưa từng có và đặc biệt đáng chú ý với những khuynh hướng chính trị của bà. Ở trong nước, bà là một người theo chủ nghĩa dân tộc thẳng thắn và nổi tiếng trong nhóm những chính trị gia cứng rắn.
Trong khi các chuyến thăm của ông Netanyahu và các bộ trưởng nội các thuộc đảng Likud của ông là những động thái lớn nâng cao hình ảnh trong nước của ông thì chúng không ngay lập tức báo hiệu một sự ấm lên mạnh mẽ giữa thế giới Ả Rập và Israel.
Câu hỏi về xung đột Palestine - Israel?
Xung đột Palestine-Israel vẫn là một vấn đề lớn với công chúng Ả Rập, và các mối quan hệ với Israel có thể vẫn còn bị hạn chế khi chưa có một thỏa thuận hòa bình.
Các lực lượng Israel đã giết chết hơn 160 người Palestine trong những cuộc biểu tình được Hamas dẫn đầu nhiều tháng qua tại Dải Gaza - nhằm chống lại lệnh phong tỏa khu vực của Israel – điều dấy lên nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc hơn.
Tiến trình đối thoại hòa bình đã bị đóng băng trong nhiều năm, và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cắt đứt quan hệ với Washington sau khi Nhà Trắng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi năm ngoái và chuyển đại sứ quán Mỹ đến thành phố này.
Người Palestine lo ngại rằng ông Trump đang cố gắng vận động Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác gây áp lực cho người Palestine để chấp nhận một kế hoạch hòa bình không đáp ứng được nhu cầu gốc rễ của họ.
Tại Muscat, chuyến thăm của ông Netanyahu dường như là nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel và mối quan hệ chặt chẽ của ông với chính quyền Trump. Với sự thúc đẩy của ông Netanyahu, Mỹ năm nay đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran- động thái mà Oman đã là một bên hỗ trợ.
Sau chuyến thăm, Ngoại trưởng Oman Yousef bin Alawi cho rằng cuộc họp giữa họ chỉ đơn thuần là một nỗ lực chiến lược nhằm đối phó với một số vấn đề bức xúc nhất của Trung Đông. Trong một cuộc phỏng vấn với Al-Jazeera, ông Yousef bin Alawi cho biết, Thủ tướng Netanyahu đã khởi xướng cuộc họp để trình bày quan điểm của mình về các vấn đề Trung Đông cho Sultan Qaboos.
Oman cũng là quốc gia Ả Rập duy nhất trong vùng Vịnh có thể đón ông Netanyahu mà không sợ gây ra phản ứng bất ổn dữ dội, ông Neubauer nói.
Đó là vì Sultan Qaboos, nắm quyền từ năm 1970, có nhiều kênh liên hệ trực tiếp với các thế lực trong khu vực, nhờ chính sách lâu dài về việc không can thiệp. Oman đã là bên trung gian thuyết phục thả các con tin phương Tây ở Yemen và mở một cánh cửa cho việc thông tin giữa Washington và Tehran dưới chính quyền Obama. Nước này là một thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh GCC do Saudi dẫn đầu, nhưng họ không tham gia vào cuộc tẩy chay Qatar hoặc cuộc chiến ở Yemen do Saudi lãnh đạo.
Ngay cả các tuyên bố của Đảng Fatah Palestine và Iran đều ít trực tiếp lên án Oman sau chuyến thăm của ông Netanyahu, mà thay vào đó, chỉ trích nỗ lực của Israel nhằm bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Ả Rập trước khi đạt được thỏa thuận hòa bình Trung Đông.
Và đối với Oman, việc đón ông Netanyahu cũng đã gửi một thông điệp tới chính quyền Trump rằng Muscat là một thế lực khu vực có giá trị. Sigurd Neubauer, một chuyên gia về Oman từ Washington nói, "Oman đang thể hiện bản thân họ trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine vì một lý do rõ ràng, lúc này [vì] các quốc gia Ả Rập đang bị chia rẽ."