Uzbekistan: "Sàn đấu riêng" của Trung Quốc và Nga

Thủy Thu |

Giới học giả Nga nhận định, Moscow cần phải nhanh chóng "bắt tay" với Tashkent để kịp thời kiềm chế Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại Uzbekistan.

Đa chiều: Cơ hội đã đến tay Nga

Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) đưa tin, ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc hôm 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Uzbekistan để viếng cố Tổng thống Islam Karimov và hội đàm với Thủ tướng Shavkat Mirziyayev.

Theo Đa chiều (Mỹ), về hình thức, Tổng thống Nga không nhất thiết phải làm như vậy bởi trước đó ngày 3/9, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tới tham dự tang lễ ông Karimov.

Tuy nhiên, ông Putin không quan tâm đến điều đó và thậm chí còn quỳ trước mộ nhà lãnh đạo Uzbekistan để tỏ lòng thành kính.

Đa chiều dẫn nguồn hãng thông tấn Interfax (Nga) ngày 7/9 tiết lộ, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Uzbekistan, Putin cho biết Nga sẽ nỗ lực trên mọi phương diện để hỗ trợ sự phát triển mối quan hệ song phương.

Uzbekistan: Sàn đấu riêng của Trung Quốc và Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin (trái) đã từng có những cuộc tiếp xúc với cố Tổng thống Uzbekistan Karimov. (Ảnh: sputniknews)

"Lãnh đạo Uzbekistan có thể coi Nga là người bạn đáng tin cậy nhất", Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Theo giới quan sát, tuyên bố trên phát đi thông điệp Moscow vẫn sẽ nỗ lực giúp đỡ chính quyền Tashkent, dù Uzebkistan không còn là thành viên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).

Một số ý kiến cho rằng, động thái trên của nhà lãnh đạo Nga cho thấy, Moscow muốn tăng cường ảnh hưởng tại Trung Á cũng như Uzbekistan và biến khu vực này thành "người của mình". Bởi ngoài Nga, một thế lực lớn khác đang nổi lên tại đây: Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn coi Trung Á như một hậu phương chiến lược và điểm trung chuyển giao dịch trên bờ với châu Âu.

Vai trò của Bắc Kinh tại Uzbekistan sẽ không ngừng mở rộng bởi hiện Trung Quốc đang có sức ảnh hưởng kinh tế lớn nhất tại khu vực này.

Sàn đấu riêng của hai "ông lớn"

Nằm trên "con đường tơ lụa", Uzbekistan hiện nổi lên là đối tác có vai trò quan trọng trong kế hoạch "Một vành đai, một con đường" và chiến lược năng lượng Trung Á của Trung Quốc.

Trong khi đó, tổng thống vừa qua đời Islam Karimov luôn cố gắng hạn chế sự ảnh hưởng của Nga tại Trung Á. Do đó, đây là cơ hội để Nga kéo gần hơn quan hệ với Uzbekistan.

Giới phân tích nhận định, những năm gần đây, hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại quốc gia Trung Á này ngày càng phát triển, trong khi Moscow duy trì ảnh hưởng lớn tới chính trị và quân sự trong khu vực.

Sau cái chết của Karimov, Uzbekistan sẽ trở thành "sàn đấu riêng" của Trung Quốc và Nga, đồng thời cũng có thể khiến quan hệ Nga - Trung đối mặt với những thách thức mới.

Cũng có ý kiến cho rằng, Trung Quốc, Nga và các quốc gia phương Tây không hề mong muốn Uzbekistan rơi vào khủng hoảng, tạo điều kiện cho tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phát triển. Nói cách khác, Nga - Trung cũng có lợi ích chung tại Trung Á.

Một học giả chính trị tại Kazakhstan cho rằng, Uzbekistan không có mối quan hệ "chặt chẽ" với Nga như Kazakhstan. Cố Tống thống Karimov luôn muốn duy trì mối quan hệ căn bằng giữ Nga, Trung Quốc và Mỹ. Đặc biệt là mối quan hệ Mỹ - Uzbekistan gần đây đang trở nên "nồng ấm".

Uzbekistan: Sàn đấu riêng của Trung Quốc và Nga - Ảnh 2.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến viếng cố Tổng thống Karimov tại Đại sứ quan Uzebekistan ở Bắc Kinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tuy nhiên, sau cái chết của Karimov, những tập đoàn quyền lực tại Tashkent có thể sẽ chuyến hướng "thân" Nga.

Nhưng bởi hiện nay tác động kinh tế của Moscow đang suy giảm và "nhường" sức ảnh hưởng cho Bắc Kinh - nhà đầu tư chính tại Uzbekistan nên đây cũng có thể là nhân tố khiến giới lãnh đạo mới nước này cần chú ý.

Ngoài ra, chuyên gia nghiên cứu Trung Á của Nga - ông Kurt Akhmetov chỉ ra, xã hội Uzbekistan do hiện do giới trẻ lãnh đạo. Khoảng hai mươi năm nay họ chịu sự ảnh hưởng giáo dục từ Karimov nên rất khó để nói nước này sẽ ngay lập tức quay sang "thân" Nga.

"Ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Trung Á đang ngày càng mở rộng, thậm chí còn vượt xa cả Mỹ. Nga sẽ gặp áp lực không nhỏ vì tầm ảnh hưởng này", Kurt Akhmetov nhấn mạnh.

Markov - học giả chính trị có quan hệ thân thiết với điện Kremlin cũng cho rằng, sau cái chết của Karimov, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tại Uzbekistan và Trung Á.

Nga nên sử dụng các phương thức chính trị để hạn chế ảnh hưởng cũng như không để cho Bắc Kinh chi phối địa vị chủ đạo của Moscow ở khu vực.

Nga-Trung có cùng "chống" Mỹ?

Theo truyền thông Nga, ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á đang suy yếu nên nếu Nga - Trung hợp tác, đây sẽ là "lá chắn" vững chắc để bảo vệ sự ổn định của khu vực này.

Hãng RIA Novosti lại cho rằng, trước tình hình hiện tại, Mỹ cũng sẽ tích cực tham gia vào "ván cờ" Trung Á, cũng như Uzbekistan, bằng cách lợi dụng "quyền lực mềm" lôi kéo tầng lới lãnh đạo mới tại khu vực này.

Tuy nhiên, đây không phải việc dễ dàng vì Nga cũng có đủ thời gian để học theo "chiêu trò" này nhằm đạt được lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó,một số ý kiến cho rằng, Mỹ thực chất không có nhiều "hứng thú" với khu vực này bởi sự suy giảm từ nguồn lực tài chính trong nước cũng như hiện tại Washington đang có những dự án khác quan trọng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại