Sau 25 năm, Trung Á xuất hiện "kẽ hở" quan trọng cho Mỹ-Nga-Trung

Hải Võ |

Một nhà lãnh đạo cầm quyền suốt 25 năm qua ở Trung Á nhiều khả năng phải rời cương vị, tạo ra "khoảng trống" quyền lực quan trọng ở khu vực.

Khoảng trống quyền lực xuất hiện sau 25 năm ở Trung Á

Ngày 29/8, một ngày sau khi xuất hiện thông tin Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov nhập viện, con gái của ông là bà Lola Karimova-Tillyaeva đã thông báo nguyên nhân là do ông bị xuất huyết não.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Uzbekistan công khai thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng thống nước này.

Theo hãng tin Rosbalt (Nga), dù tin đồn ông Karimov qua đời đã bị bác bỏ, nhưng với tình trạng sức khỏe như hiện tại, nhà lãnh đạo 78 tuổi khó có khả năng hồi phục hoàn toàn sau cơn bệnh.

Đối với Uzbekistan, vấn đề quan trọng lúc này chính là tính tới người kế nhiệm Islam Karimov. Ông là Tổng thống đầu tiên và duy nhất của nước này kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.

Rosbalt cho hay, hiện tại rất khó để xác định nhà lãnh đạo tiếp theo của Uzbekistan.

Phó thủ tướng thứ nhất Rustam Azimov, người đã theo sát ông Karimov kể từ khi Uzbekistan độc lập được đánh giá là ứng viên tiềm năng. Azimov cũng là một chính khách thân phương Tây.

Một cái tên "nặng ký" khác là Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev. Theo Rosbalt, ông này có được sự ủng hộ từ Cục an ninh quốc gia Uzbekistan, một cơ quan quyền lực; đồng thời có quan hệ mật thiết với gia đình Tổng thống Karimov.

Chính bà Lola Karimova-Tillyaeva cũng có cơ hội kế nhiệm cha mình, dù tờ Daily Mail (Anh) tiết lộ bà có quan hệ không tốt với ông Islam Karimov.

Sau 25 năm, Trung Á xuất hiện kẽ hở quan trọng cho Mỹ-Nga-Trung - Ảnh 1.

Ông Islam Karimov (Ảnh: Reuters)

Mỹ-Nga-Trung: Cơ hội chiến lược

Uzbekistan sẽ kỷ niệm 25 năm Ngày độc lập vào ngày mai, 1/9.

Hãng TASS (Nga) đưa tin, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều gửi điện mừng tới Tổng thống Uzbekistan.

Trong điện, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh Mỹ hy vọng tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Uzbekistan. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ cùng Tổng thống Karmimov tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Uzbekistan là một trong số quốc gia đông dân nhất vùng Trung Á, đồng thời có vị trí chiến lược hết sức quan trọng do tiếp giáp Afghanistan.

Nếu Islam Karimov rời cương vị Tổng thống, người kế nhiệm của ông sẽ tiến hành những chính sách như thế nào, ảnh hưởng ra sao đến cục diện địa chính trị Trung Á, là điều mà Moscow và Washington rất quan tâm ngay từ lúc này.

Sau 25 năm, Trung Á xuất hiện kẽ hở quan trọng cho Mỹ-Nga-Trung - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Islam Karimov tại Điện Kremlin hồi tháng 4/2016 (Ảnh: kremlin.ru)

Trong thời kỳ cầm quyền của mình, ông Karimov đã duy trì chính sách đối ngoại "giữ cự ly" cân bằng với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Đối với Nga, các nước Trung Á là những đối tác quan trọng hàng đầu trong không gian "hậu Liên Xô".

Về phía Mỹ, chính sách tại Afghanistan của nước này luôn phụ thuộc nhiều vào hoạt động an ninh hậu cần và hỗ trợ chiến lược từ Trung Á.

Karimov đã không trở thành "bù nhìn" của Washington. Ông thậm chí còn "đẩy" căn cứ quân sự của Mỹ ra khỏi lãnh thổ Uzbekistan.

Ông cũng giữ khoảng cách với Nga bằng việc rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và không gia nhập Cộng đồng kinh tế Á-Âu (EEC) do Nga chủ đạo.

Còn Trung Quốc đang là nhà đầu tư rầm rộ nhất vào các nước Trung Á trong nỗ lực định hình sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Trung Á là bộ phận hết sức quan trọng trên con đường kết nối Á-Âu do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, không loại trừ khả năng Uzbekistan tiếp tục giữ chính sách trung lập giữa Mỹ, Nga, Trung. Dù vậy, vẫn có nhận định những thay đổi ở quốc gia này thời "hậu Karimov" sẽ khiến Trung Á rơi vào một thời kỳ biến động địa chính trị mới và lâu dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại