Yếu tố đầu tiên phải kể đến là chiến đấu cơ F-15. Đây được xem là "xương sống" của Không quân Saudi Arabia. F-15 cũng được biên chế trong quân đội Mỹ hàng chục năm qua.
F-15 được trang bị 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-PW-100, giúp máy bay đạt tốc độ tối đa 2.665km/h. Vũ khí chính của F-15 là 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow và 4 tên lửa hồng ngoại AIM-9 Sidewinder.
Theo các tài liệu được công bố, Saudi Arabia hiện sở hữu khoảng 238 chiến đấu cơ F-15, trong đó có 84 chiếc F-15SA, một biến thể mới của F-15, trong một thương vụ với Mỹ hồi năm 2010.
"Tầm hoạt động 2.400 dặm (khoảng gần 3.900km) là vô cùng ấn tượng, cho phép các phi công quân sự của Saudi Arabia đến và rời miền Bắc Iraq cũng như miền Nam Yemen mà không phải phụ thuộc vào máy bay tiếp nhiên liệu trên không để tiếp cận được một mục tiêu.
Chắc chắn rằng các phi công quân sự của Saudi Arabia đánh giá cao năng lực này của F-15 khi săn tìm các mục tiêu phiến quân Houthi tại Yemen và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria", chuyên gia Daniel R.DePetris nhấn mạnh.
Hai là bom thông minh Paveway IV. Đây có lẽ là một trong những loại bom chính xác nhất và có khả năng sát thương cao nhất mà Saudi Arabia sở hữu.
Bom Paveway IV được trang bị công nghệ Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các hệ thống dẫn đường bằng laser, cho phép có thể tiếp cận mục tiêu mà không bị ảnh hưởng bởi mây hay các màn khói.
Loại bom này giúp quân đội Saudi Arabia có khả năng tiến hành những cuộc tấn công trong cả ngày lẫn đêm nhằm vào hàng loạt mục tiêu khác nhau và trong mọi điều kiện thời tiết.
"Máy bay F-15 có thể mang theo nhiều Paveway IV vì chúng không quá nặng (mỗi quả bom Paveway IV nặng khoảng 230kg), nhờ đó giúp phi công tăng khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu mà không cần phải quay trở về căn cứ để nhận thêm vũ khí", chuyên gia Daniel R.DePetris cho biết.
Ba là lực lượng đặc nhiệm. Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Saudi Arabia khá thiện chiến.
Chuyên gia Daniel R. DePetris lấy một dẫn chứng cụ thể rằng việc Saudi Arabia triển khai lực lượng đặc nhiệm chính là "yếu tố quan trọng nhất" giúp chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi đẩy lùi phiến quân Houthi ra khỏi thành phố Aden của Yemen, nơi đặt trụ sở tạm thời của chính phủ sau khi thủ đô Sanaa rơi vào tay phiến quân.
Yếu tố thứ tư là tài chính. Là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn hàng đầu thế giới, Saudi Arabia hiển nhiên có nguồn tài chính dồi dào.
Ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia được dự báo sẽ lớn thứ 5 thế giới vào năm 2020 nhờ có nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, nguồn thu trị giá hàng chục tỷ USD mỗi tháng nhờ dầu mỏ. Saudi Arabia là quốc gia mua nhiều vũ khí nhất ở Trung Đông và ngân sách quốc phòng hàng năm liên tục tăng.
Tạp chí National Interest cho biết ngân sách quốc phòng năm 2014 của Riyadh tăng 17% so với năm 2013. Trong khi năm 2002, ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia chỉ dưới 20 tỷ USD thì con số này hiện đã tăng lên hơn 80 tỷ USD.
Chính vì lẽ đó, chuyên gia Daniel R.DePetris cho rằng dự báo trên hoàn toàn có cơ sở bất chấp giá dầu thô đã giảm gần 50% trong năm qua. "Khi một quốc gia chi nhiều như vậy thì tiền không còn là một nguồn lực mà nó đã trở thành một vũ khí. Để thuyết phục các đồng minh trong khu vực "thuận theo ý mình", Saudi Arabia có vũ khí mạnh nhất là chi phiếu.
Các học giả nghiên cứu Trung Đông gọi đây là "ngoại giao chi phiếu" để Riyadh phục vụ cho các lợi ích an ninh quốc gia hay chính sách đối ngoại của mình.
Ai Cập, Pakistan, Bahrain, Jordan, thậm chí cả Mỹ, ở mức độ nào đó đều mang nợ Hoàng gia Saudi Arabia thông qua những khoản hỗ trợ tài chính, cơ sở huấn luyện chống IS hay việc Riyadh tham gia các chiến dịch nhằm vào các mục tiêu IS", chuyên gia Daniel R.DePetris nhận định.