Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm, chiều 1/11, TAQS Trung ương đã quyết định không chấp nhận kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi Út "Trọc" – nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) cùng các đồng phạm trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Út "trọc" kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phùng Danh Thắm xin thay đổi mong muốn từ kháng cáo toàn bộ bản án liên quan tới mình sang xin giảm nhẹ hình phạt còn bị cáo Trần Văn Lâm giữ nguyên kháng cáo xin giảm án 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ". Ông trình bày rằng bản thân chỉ làm thuê, thực hiện theo chỉ đạo, vai trò trong vụ án không lớn.
Riêng bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã kháng cáo toàn bộ bản án, kêu oan và khẳng định ông bị vu khống.
Phiên xử kéo dài đến 3 ngày.
Hệ khai trước tòa, việc mua và sử dụng xe biển đỏ, xanh đã xin phép cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh, đi lại và đối ngoại.
Việc cho thuê xe được Luật doanh nghiệp cho phép và các xe đều do các cổ đông bỏ tiền ra mua, không làm ảnh hưởng tới tài sản Nhà nước. Khi cho thuê xe cũng đã hạch toán, đóng thuế đầy đủ.
"Các cơ quan tố tụng cáo buộc giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội, nhưng chúng tôi giao cho các cá nhân, tổ chức có thân nhân tốt, làm ăn chân chính.
Khi giao xe không để vi phạm luật giao thông, không chở hàng gian. Nói chúng tôi cho thuê xe làm mất uy tín quân đội là không đúng, còn đơn thư tố cáo là vu khống", Đinh Ngọc Hệ nói.
Về vấn đề sử dụng bằng giả, Đinh Ngọc Hệ cũng khẳng định ông ta không có lỗi trong việc sử dụng văn bằng và giấy tờ giả để kê khai hồ sơ Đảng viên, đề nghị nâng lương, phong quân hàm. Hệ nói vào năm 2000, do đã tin tưởng anh em xã hội khi họ nói không phải đi học, chỉ nộp tiền là có bằng. Sau khi bị thẩm tra, phát hiện bằng giả, ông đã ngừng sử dụng.
Ngoài ra, Út "trọc" kháng cáo vì án sơ thẩm không chấp nhận huân huy chương của ông là tình tiết giảm nhẹ vì cho rằng được tặng khi dùng bằng giả.
Về vấn đề hợp thức trái phép số xăng dầu kém chất lượng, Đinh Ngọc Hệ cho rằng, mình bị thuộc cấp vu khống. Ông phủ nhận việc cùng với Trần Văn Lâm đến gặp ông Lê Thanh Cung (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) để nhờ giúp đỡ.
Kiểm sát viên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt
Đại diện VKS quân sự Trung ương cho rằng, kháng cáo đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì bản thân có nhiều bằng khen, giấy khen của Đinh Ngọc Hệ là có cơ sở.
Đối với kháng cáo của Phùng Danh Thắm, bị cáo phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế nói chung và kinh tế quốc phòng nói riêng, thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi vi phạm, đại diện VKS đề nghị HĐXX quyết định một hình phạt khác nhẹ hơn với ông Thắm.
Còn đối với kháng cáo của Trần Văn Lâm, VKS cho rằng không có cơ sở bởi trong các hành vi vi phạm, bị cáo đã thực hiện hầu hết các chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ.
Trước đó, Út "trọc" bị TAQS Quân khu 7 tuyên phạt 12 năm tù.
Từ những cơ sở trên, đại diện VKS quân sự Trung ương đề nghị giữ nguyên mức án đối với Trần Văn Lâm, giảm nhẹ hình phạt cho Đinh Ngọc Hệ, áp dụng một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn đối với Phùng Danh Thắm.
HĐXX không chấp nhận kháng cáo
HĐXX xét thấy có đủ cơ sở xác định, bị cáo Hệ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo việc mua và đăng ký xe ô tô sau đó sử dụng sai quy định, chỉ đạo lập hồ sơ để hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng.
Về hành vi sử dụng bằng đại học giả, Hệ phải chịu trách nhiệm về hành vi này là phù hợp.
Tòa cũng cho rằng, ông Hệ có nhiều huân huy chương trong thời gian sử dụng bằng đại học giả để công tác nên không có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ nhờ việc được tặng thưởng huân, huy chương.
Xét kháng cáo của Trần Văn Lâm, HĐXX thấy tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Do đó không có cơ sở để tiếp tục xem xét các tình tiết này và cũng không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt.
Đối với Phùng Danh Thắm, dù bị cáo này thừa nhận bản án sơ thẩm kết tội là đúng và chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt. Đảng ủy, Cán bộ, Nhân viên Tổng Công ty Thái Sơn đã có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Phùng Danh Thắm. HĐXX cho rằng việc cấp sơ thẩm chỉ xử Thắm 24 tháng cải tạo không giam giữ là đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, do đó không có căn cứ để thay đổi hình phạt.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm, TAQS Quân khu 7, tuyên phạt Đinh Ngọc Hệ 12 năm tù cho hai tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" và "Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức".
Bị cáo Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc Công ty phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" và Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, hai bị cáo Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc chi nhánh Bình Dương của Thái Sơn) nhận 18 tháng tù treo và Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367) lĩnh 24 tháng tù treo cùng về tội "Lợi dụng chức vụ", nhưng không làm đơn kháng cáo.