Ứng xử ở các cuộc thi hoa hậu: Hỏi “nghèo”, đáp “sáo”

Thành Nam |

Mới đây, Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 đã bị dư luận chê trách với phần trả lời ứng xử ấp úng trong nội dung nêu tên các huyện đảo của Tổ quốc. Đây không phải lần đầu tiên thí sinh thi hoa hậu gặp sự cố ứng xử. Điểm lại lịch sử cuộc thi sắc đẹp trong nước, những hoa hậu ứng xử thông minh, chuẩn mực chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Vậy giải pháp nào để những phần thi này thoát khỏi “thảm họa”?

Những câu hỏi thiếu tính sáng tạo

Chia sẻ cùng PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Nguyễn Thúy Nga - Giám đốc Công ty Elite, đơn vị chuyên đào tạo, nắm bản quyền đưa thí sinh trong nước tham dự các cuộc thi sắc đẹp thế giới như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất… nhận định, nhìn chung, ở các cuộc thi nhan sắc trong nước, câu hỏi ứng xử khá “nghèo nàn”. 

Bà Thúy Nga đưa ra ví dụ: “Dạng câu hỏi như giải thích “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “cái nết đánh chết cái đẹp”, “đức tính hy sinh, chung thủy là đức tính cao cả của phụ nữ Việt Nam” luôn được sử dụng để hỏi các thí sinh trong phần thi ứng xử đêm chung kết suốt thời gian dài. 

Cá nhân tôi thấy những câu hỏi này rất sáo rỗng, nghèo nàn về mặt nội dung và thiếu tính sáng tạo”.

“Tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà người ta cứ đưa ra thông điệp “đức tính cao cả, đặc trưng của phụ nữ Việt Nam là hy sinh, chung thủy…”. 

Nói như vậy không lẽ phụ nữ các nước khác không có những đức tính này? Tôi từng sống và học tập ở nước ngoài lâu, tôi nhận thấy rằng phụ nữ các nước khác cũng đầy đủ những đức tính như: đảm đang, yêu chồng, thương con, chung thủy… có điều sự thể hiện khác với ở Việt Nam.

Ví dụ, họ rất yêu con nhưng khuyến khích con cái tự lập ngay từ bé, vì thế đến 18 tuổi là thanh niên sẽ tách gia đình để tự lập chứ không bám vào cha mẹ. 

Hay vợ chồng họ yêu thương, chung thủy với nhau cho đến khi có thể tình yêu không còn để tiếp tục sống với nhau nữa, họ sẽ chọn gải pháp chia tay nhau để vẫn còn sự tôn trọng nhau và cả hai vẫn có trách nhiệm với con cái chứ không chọn lối sống với nhau cho con cái có cha mẹ trên danh nghĩa, nhưng gần như bị bỏ mặc vì bố đang mải nhậu với bạn bè sau giờ làm”, bà Thúy Nga phân tích thêm.

Giám đốc Công ty Elite bày tỏ quan điểm: Ban tổ chức các cuộc thi ắc đẹp khi đưa ra câu hỏi ứng xử nên chọn những câu hỏi mang tính thực tế, giản dị, đừng cao siêu, đánh đố. Cũng đừng nên cho rằng hỏi hóc búa mới đánh giá thí sinh thông minh bản lĩnh hay không. 

Năm 2007, thí sinh Nhật Bản đã xuất sắc dành ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ với câu hỏi: “Bạn tự hào gì nhất về đất nước bạn?” và trả lời: “Tôi tự hào nhất về hệ thống toilet công cộng của Nhật Bản, là hệ thống toilet sạch sẽ và tiện nghi nhất thế giới”. 

Đó là lần sau 50 năm Nhật Bản liên tục đưa thí sinh đi thi có đại diện giành ngôi vị hoa hậu. Bà Thúy Nga cho hay, đó là một trong những nội dung bà luôn đưa ra như một bài học để hướng đến khi soạn các câu hỏi cho thí sinh.

Ứng xử ở các cuộc thi hoa hậu: Hỏi “nghèo”, đáp “sáo” - Ảnh 2.

Minh Ngọc - Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018.

Cần nền tảng tri thức

Trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam, một trong những phần trả lời được đánh giá xuất sắc nhất thuộc về Hoa hậu Hà Kiều Anh tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1992. Khi đó, cô mới 16 tuổi. 

Với câu hỏi: “Người đoạt vương miện hoa hậu lần theo bạn đã là người đẹp nhất nước ta chưa?”, Hà Kiều Anh trả lời: “Theo em, người đoạt vương miện hoa hậu lần này chỉ là người đẹp nhất trong tất cả những thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu năm nay. 

Bởi vì trong cả nước ta và ngay cả những bạn gái đang ở hàng ghế dưới kia, còn có rất nhiều người đẹp nhưng có lẽ vì một lý do nào đó, các bạn đã không thể tham dự cuộc thi ngày hôm nay”.

Năng lực, nhan sắc của Hà Kiều Anh là điều không cần bàn cãi trong đó có sự ảnh hưởng về nền tảng giáo dục. Tuy nhiên, phía sau những thí sinh xuất sắc ở một cuộc thi cũng có bóng dáng của một ban giám khảo tài năng, tinh tế. 

Cầm cân nảy mực trong cuộc thi hoa hậu mà Hà Kiều Anh đăng quang là những nghệ sĩ, trí thức lớn như: Giáo sư Hoàng Thiệu Khang, NSND Trà Giang, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Khi công chúng phản đối kết quả chung cuộc vì cho rằng Á hậu Vi Thị Đông đẹp hơn Hoa hậu Hà Kiều Anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã có phần ứng xử sâu sắc với các thành viên còn lại trong ban giám khảo. Ông nói: “Người ta đang chửi, nhưng tôi tin chúng ta đúng!”.

Một hoa hậu khác được công chúng khen về khả năng ứng xử chính là Hoa hậu Thế giới Người Việt 2007 - Ngô Phương Lan. 

Nhờ vào nền tảng tri thức vững chắc cùng bản lĩnh tự tin, cô đã có phần thi ứng xử trọn vẹn, thuyết phục tất cả thành viên Ban giám khảo và khán giả dù trước đó ai cũng đoán vương miện thuộc về “bông hồng lai” Teressa Sam. 

Với câu hỏi: “Vì sao hoạt động hoa hậu luôn gắn liền với mục đích từ thiện?”, Ngô Phương Lan đã trả lời rất ngắn gọn: “Cái thiện là cái đẹp. Chân thiện mỹ là phẩm chất cao cả nhất của người con gái Việt Nam. Đó cũng là đỉnh cao của sự khát vọng mà mỗi con người cần phải vươn tới. 

Theo em, khi cái đẹp gắn với sự hảo tâm, trái tim nhân hậu và sự chân thành, cái đẹp ấy sẽ được tôn lên nhiều lần. Do vậy, vẻ đẹp của người hoa hậu cũng sẽ được tôn lên khi gắn liền với các hoạt động từ thiện”. 

Trong khi đó, đối thủ nặng kí của cô là Teressa Sam vì bối rối, mất bình tĩnh thậm chí đã không thể nói tiếng Việt và bật khóc.

Năm 2015, người đẹp Phạm Hồng Thúy Vân của Việt Nam đã xuất sắc giành ngôi vị Á hậu cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015. Phần ứng xử của Phạm Hồng Thúy Vân được nhắc đến rất nhiều sau khi cuộc thi khép lại. 

Đầu tiên là ưu điểm thành thạo tiếng Anh, thần thái tự tin rạng rỡ sau đó Thúy Vân ghi điểm ở sự tinh tế, thông minh. 

Cô cảm ơn đất nước chủ nhà đã đón tiếp nồng hậu và trả lời câu hỏi có nội dung “Nếu bạn đăng quang hoa hậu”: “Tôi muốn sử dụng tiếng nói, sự tự tin, sức ảnh hưởng và hành động của mình để truyền cảm hứng cho thế giới, giúp mọi người tin vào hy vọng và những giấc mơ. 

Vì đất nước của tôi – Việt Nam, vì một thế giới tươi đẹp hơn, một thế giới không chiến tranh, không có nạn đói, một thế giới chỉ có hòa bình và hạnh phúc”. 

Thành tích của những hoa hậu, á hậu Việt Nam qua màn ứng xử xuất sắc ở các cuộc thi sắc đẹp không đơn giản là một sự may mắn mà đó thể hiện trí tuệ, tinh thần đầy nổi bật.

Bà Phạm Thúy Nga - Giám đốc Công ty Elite nói: “Không phải thí sinh Việt Nam kém thông minh mà một phần vì họ không được khuyến khích gây ấn tượng bằng những câu trả lời cá tính, thay vào đó lại được huấn luyện để “trả bài” hoặc “lên gân”, sáo rỗng bằng những phát ngôn lớn lao”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại