Ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã trở thành nạn nhân của một "hoạt động tấn công mạng quy mô và có tổ chức", nhóm vận động tranh cử của ông tuyên bố ngày 5/5 và cho rằng đây là nỗ lực phút chót nhằm cản trở ông trong cuộc đua tới cương vị Tổng thống.
Gần 8h tối 5/5 (theo giờ địa phương) - chỉ 4 tiếng trước khi quy chế bầu cử có hiệu lực và chưa đầy 48 tiếng trước khi vòng bỏ phiếu cuối cùng diễn ra - khoảng 14.5GB dữ liệu gồm emails, tài liệu kinh doanh và cá nhân đã được đưa lên trang lưu trữ và chia sẻ dữ liệu Pastebin thông qua đường dẫn tới hơn 70.000 tập tin, CNN cho hay.
Theo thông cáo từ En Marche!, đảng của ông Macron, các hacker đã trộn lẫn văn bản giả mạo với các tài liệu thật "nhằm gây nhầm lẫn và sai lệch thông tin".
"Vụ rò rỉ xảy ra trong những giờ phút cuối cùng của chiến dịch tranh cử. Hoạt động này rõ ràng nhằm làm suy yếu nền dân chủ, cũng như những gì đã xảy ra tại Mỹ trong cuộc tranh cử vừa qua", CNN trích thông cáo của En Marche!
Theo báo cáo do các chuyên gia an ninh mạng công bố hồi tháng 4 vừa qua, các tin tặc nhằm vào chiến dịch tranh cử của ông Macron sử dụng những phương thức tương tự như vụ tấn công nhằm vào Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Đối thủ của bà Hillary Clinton, ông Donald Trump đã giành thắng lợi sau khi những thông tin từ chiến dịch của bà Clinton bị rò rỉ trước cuộc bỏ phiếu.
Macron đang chiếm ưu thế
Ứng viên độc lập 39 tuổi theo chủ trương ôn hòa này đã có một cuộc tranh cử đầy ấn tượng, thách thức những đảng phái chính trị truyền thống tại Pháp. Tuy nhiên, với nhiều người, chiến dịch của ông nghiêng về phía bỏ phiếu để chống lại đối thủ Le Pen hơn là ủng hộ lập trường của Macron.
Ứng viên cực hữu Marine Le Pen và ứng viên ôn hòa Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, ứng cử viên đảng Cộng hòa Francois Fillon và ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon đã lên tiếng ủng hộ Macron. Họ cho rằng Le Pen lên làm Tổng thống sẽ là thảm họa đối với nước Pháp.
Bên cạnh đó, Macron cũng vấp phải nhiều luồng chỉ trích với quan điểm cho rằng: Ông là một thành phần ưu tú xa rời quần chúng. Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp bị cả cánh hữu và cánh tả tấn công vì vẻ ngoài được cho là ngạo mạn.
Tuy nhiên, kết quả từ hai cuộc thăm dò công bố hôm 5/5 cho thấy Macron vẫn đang dẫn trước 20 điểm.
Nếu giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu 7/5, ông Macron sẽ trở thành Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pháp.
Nga có liên quan?
Khi được hỏi liệu Nga có liên quan tới vụ tấn công mạng nhằm vào Macron hay không, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời: "Những cáo buộc này, tương tự như những cáo buộc trước đó, không hề có cơ sở và đơn thuần là vu khống".
Giới chức Nga cũng khẳng định họ không nghiêng về phía bất cứ ứng viên nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Tuy nhiên, CNN cho rằng, Nga có lý do để ủng hộ Marine Le Pen.
Lập trường chính trị không thân EU và không thân NATO của bà Le Pen có lợi cho Nga. Bản thân bà cũng luôn kêu gọi thắt chặt quan hệ với chính quyền Moskva và chỉ trích những biện pháp trừng phạt của liên minh châu Âu đối với Nga sau sự kiện sáp nhập Crime là "không công bằng và ngớ ngẩn".
Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với Emmanuel Macron.