Mới đây, tài khoản Wechat quốc tế chính thức của báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo dẫn báo cáo của Chánh văn phòng trung ương đảng cộng sản Trung Quốc Lật Chiến Thư khẳng định, học thuyết chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sơ bộ hoàn tất.
Cụ thể, tại một hội nghị các cơ quan chính phủ họp hồi tháng Hai ở Bắc Kinh, Lật Chiến Thư cho biết, những bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh.
Đây là lần đầu tiên Lật Chiến Thư - trợ thủ đắc lực của ông Tập công khai đưa ra phát biểu liên quan đến khái niệm "tư tưởng Tập Cận Bình". Giới quan sát nhận định, phát biểu này của ông Lật đã phát đi tín hiệu chính trị rõ ràng.
Theo đó, những nội dung phát biểu của ông Tập được cấp dưới đề cập đến như giấc mộng Trung Hoa hay hai mục tiêu 100 năm sẽ trở thành nền tảng lý luận của "tư tưởng Tập Cận Bình" trong tương lai.
Trong khi đó, cụm từ "bước đầu hình thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh" ý chỉ định hướng của "tư tưởng Tập Cận Bình" có thể cơ bản đã được xác lập, không còn là những thảo luận đơn lẻ về những lĩnh vực riêng biệt mà nó có nội hàm phong phú, toàn diện giống như "tư tưởng Mao Trạch Đông" và "lý luận Đặng Tiểu Bình".
Hiện nay, chỉ có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình mới được đặt tên trực tiếp cho hệ thống lý luận của mình khi được đưa vào điều lệ đảng. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Ông Tập sánh ngang Mao, Đặng?
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, hiện có nhiều ý kiến nhận định rằng, hệ thống lý luận của ông Tập rất có thể sẽ được đưa vào điều lệ ĐCSTQ như một "tư tưởng chỉ đạo" cốt lõi.
Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc hiện chưa chắc chắn về thuật ngữ chính xác sẽ được đặt cho học thuyết chính trị của ông Tập. Một số ý kiến cho rằng, rất có thể học thuyết này sẽ mang tên của nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm.
Nếu điều đó xảy ra, vị thế của ông Tập sẽ sánh ngang với cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Điều này sẽ giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực mạnh mẽ sau Đại hội ĐCSTQ khóa 19 được diễn ra vào mùa thu năm nay.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại London cho rằng, nếu "tư tưởng Tập Cận Bình" được đưa vào điều lệ đảng, vị thế của ông Tập rõ ràng đang được nâng cao hơn cả các tiền nhiệm Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào để sáng ngang Mao, Đặng.
Bởi Tập Cận Bình đã được xác lập trở thành lãnh đạo hạt nhân sau Hội nghị trung ương 6 hồi tháng 10/2016. Hơn nữa, kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, tốc độ và quy mô tập trung quyền lực của ông Tập diễn ra chưa từng có trong những năm qua.
Do đó, "tư tưởng Tập Cận Bình" nếu được đưa vào điều lệ đảng sẽ là một "tín hiệu mạnh mẽ" đối với Trung Quốc hiện nay.
Chuyên gia bình luận chính trị Bắc Kinh Bạc Trí Diệu nhận định, cùng với hai trụ cột là quyền sắp xếp nhân sự và quyền chỉ huy quân đội, để trở thành một nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc, ông Tập phải có cả sức mạnh về tư tưởng chính trị.
"Nếu là một nhà tư tưởng và có quyền kiểm soát hệ tư tưởng thì anh sẽ có quyền kiểm soát các định hướng chính sách. Điều đó rất quan trọng", ông Bạc nói - "Đó là lý do tại sao Đặng Tiểu Bình lại có quyền lực vượt trội [vào những năm 1990] như vậy. Mặc dù Đặng không phải là Tổng bí thư hay Chủ tịch nước nhưng lại có tiếng nói quyết định cuối cùng về các định hướng chính sách".
"Kể từ khi Trung Quốc mới thành lập năm 1949, chúng tôi đã có 30 năm dưới thời đại của Mao Trạch Đông, 30 năm dưới sự ảnh hưởng của Đặng Tiểu Bình và bây giờ Tập Cận Bình đang có 30 năm của mình", Chen Daoyin - Chuyên gia thuộc Đại học khoa học chính trị Thượng Hải, Trung Quốc nhấn mạnh thêm.
Tập Cận Bình sẽ sánh ngang Mao, Đặng nếu học thuyết chính trị của ông được đưa vào điều lệ đảng và đặt theo tên cá nhân. (Ảnh: Reuters)
Cốt lõi của "tư tưởng Tập Cận Bình" là gì?
Theo giới phân tích, nếu hệ thống chính trị của Tập Cận Bình được đặt theo tên ông khi đưa vào điều lệ đảng thì những lý luận này sẽ trở thành nền tảng cốt lõi cho quá trình quản lý đất nước trong hàng trăm năm sau.
Việc đặt tên trực tiếp này cũng chỉ xảy ra đối với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trong khi hệ thống lý luận của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chỉ được gọi lần lượt là "Thuyết ba đại diện" và "Quan điểm phát triển khoa học" dù hệ thống lý luận của hai ông cũng được đưa vào điều lệ đảng.
Tư tưởng Mao Trạch Đông được đánh giá là là một hệ thống lý luận có phạm vi thực tiễn vượt trội về chính trị và quân sự, xoay quanh chủ thể hạt nhân "cách mạng".
Lý luận Đặng Tiểu Bình được coi là bảng tổng kết và phát triển về hệ thống chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc với phương châm cốt lõi là "phát triển", bàn về trọng tâm xây dựng kinh tế và xã hội.
Đa chiều (Mỹ) cho hay, từ trường hợp Mao, Đặng có thể thấy để được xác lập trở thành "tư tưởng" hay "lý luận" của ĐCSTQ, học thuyết chính trị của bất cứ một lãnh đạo nào cũng cần phải đảm bảo tính hoàn chỉnh cân đối, logic chặt chẽ, toàn diện phong phú.
Giới phân tích nhận định, từ khóa quan trọng của "tư tưởng Tập Cận Bình" chính là hai chữ "đột phá" và trên thực tế, khái niệm này đã xuất hiện khá nhiều trong các phát biểu, chỉ thị, tuyên bố của ông Tập.
Tập Cận Bình sẽ mở ra giai đoạn thứ tư của ĐCSTQ, đó sẽ là giai đoạn phục hưng dân tộc Trung Hoa, Kong Dan - đại biểu quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh.
ĐCSTQ chia lịch sử chín thập kỷ thành ba giai đoạn với hai giai đoạn đầu dưới thời Mao Trạch Đông và giai đoạn thứ ba thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.