Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, bà Michele Flournoy, đang được xem là cái tên cạnh tranh hàng đầu cho vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc trong nội các của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc
Bà Flournoy được cho là sẽ củng cố lập trường cứng rắn sẵn có của Washington nhằm vào Trung Quốc.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 6, bà nói rằng năng lực và giải pháp của Mỹ để ứng phó với sự quyết liệt về quân sự của Bắc Kinh trong khu vực đang suy giảm, và Mỹ cần có sự răn đe kiên định để giảm thiểu rủi ro "tính toán sai lầm" từ ban lãnh đạo của Trung Quốc.
"Ví dụ, nếu quân đội Mỹ có đủ khả năng đe dọa một cách đáng tin rằng sẽ đánh chìm toàn bộ tàu quân sự, tàu ngầm, tàu thương mại ở biển Đông trong vòng 72 giờ, thì ban lãnh đạo Trung Quốc có thể phải nghĩ kỹ trước khi phong tỏa hay tấn công Đài Loan," bà Flournoy lập luận. "[Trung Quốc] sẽ phải cân nhắc liệu có xứng đáng phải đặt toàn bộ hạm đội vào thế rủi ro."
Các nhà quan sát ngoại giao và quốc phòng nói rằng việc thực hiện ý tưởng kể trên kéo theo cái giá phải trả to lớn, nhưng việc ông Biden [có thể] bổ nhiệm người ủng hộ quan điểm đó là tín hiệu Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh.
Ông Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, chỉ ra có một điều chắc chắn dù ai là người lãnh đạo Nhà Trắng.
"Bất kể là ai ngồi trong Nhà Trắng thì đều có khả năng duy trì sự răn đe đáng tin cậy, đồng thời trong tình huống cần thiết sẽ đánh bại cuộc tấn công [của quân đội Trung Quốc] nhằm vào đảo Đài Loan, căn cứ theo Đạo luật quan hệ Đài Loan," ông Koh nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Trong bài viết trên Foreign Affairs, cựu Thứ trưởng Flournoy còn nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải đổi mới, đặc biệt là những hệ thống không người điều khiển, hệ thống phòng thủ mạng và tên lửa, cùng với mạng chỉ huy và thông tin đàn hồi được tăng cường bởi trí thông minh nhân tạo.
Bà cho rằng nước Mỹ đã đầu tư quá mức vào "những nền tảng và hệ thống vũ khí di sản", trong khi thiếu đầu tư vào công nghệ mới nổi, mà bà cho là nhân tố quyết định ưu thế trong tương lai.
"Nhằm tái thiết lập sự răn đe khả tín đối với Trung Quốc, Mỹ phải có khả năng ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn quân sự nào của Bắc Kinh, bằng cách phủ nhận năng lực thực hiện mục tiêu của Quân giải phóng nhân dân (PLA), hoặc áp đặt cái giá phải trả lớn đến mức ban lãnh đạo Trung Quốc phải nhận thấy hành động đó không phù hợp với lợi ích của họ," bà nói.
Bà Flournoy tin rằng quân đội Mỹ cần dựa nhiều hơn và những lực lượng nhỏ bé và cơ động, như các phương tiện không người lái dưới nước, cùng các đơn vị cơ động cao có thể di chuyển để gây nhiễu kế hoạch của Trung Quốc.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy trước cuộc họp song phương tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 12/2011 (Ảnh: AP Photo/Andy Wong)
Ý định không đủ để khiến Bắc Kinh e ngại?
Các nhà quan sát nói rằng đại dịch Covid-19 đang phủ bóng lên tương lai ngân sách quốc phòng của Mỹ, bên cạnh những nhân tố không chắc chắn về khả năng tái phân bổ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình cạnh tranh hơn để thực hiện kế hoạch như ý tưởng của Flournoy.
Ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho rằng dù Mỹ điều chỉnh ưu tiên và củng cố năng lực răn đe thì những kế hoạch quân sự của Bắc Kinh liên quan tới Đài Loan là bất di bất dịch.
"Lời đe dọa như thế khó có thể có tác dụng, bởi PLA luôn luôn tính đến sự can thiệp trực tiếp từ Mỹ khi lập kế hoạch các chiến dịch quân sự nhằm vào Đài Loan," ông Wu nói.
Michele Flournoy cũng nhấn mạnh những ưu thế riêng của Mỹ trước Trung Quốc, như mạng lưới các đồng minh và đối tác. Bà đề xuất tổ chức thêm các cuộc huấn luyện quân sự định kỳ với các bên, bố trí thêm lực lượng cùng các quan chức cấp cao tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở phạm vi rộng hơn, cùng danh mục các biện pháp về kinh tế, công nghệ và chính trị, bên cạnh giải pháp quân sự.
Ông Su Hao, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Hòa bình tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc, đánh giá so với chủ nghĩa đơn phương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi, chính quyền của ông Biden sẽ ngả một cách rõ rệt về cách tiếp cận tập thể và đa phương nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Điều này có thể bao gồm củng cố liên hệ quân sự thông qua khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc, hay "bộ tứ kim cương" Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ, cũng như quan hệ đối tác với các nước khu vực Đông Nam Á.
Dù vậy, ông Su Hao cho rằng một "NATO châu Á" nhằm vào Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra, bất chấp chính quyền Biden tăng cường các liên minh, bởi các nước châu Á sẽ tránh thù địch hay đối đầu hoàn toàn với nền kinh tế số 1 khu vực.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus