Người đứng đầu Lầu Năm Góc mới có thể sẽ củng cố thêm tuyến phòng thủ cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó nêu bật ý tưởng lực lượng Mỹ tăng cường khả năng răn đe để đạt được năng lực "đánh chìm tất cả" tàu Trung Quốc "trong vòng 72 giờ".
Kế hoạch không tưởng
Michele Flournoy, một trong những thứ trưởng bộ quốc phòng dưới thời Barack Obama vừa được gọi tên là ứng viên sáng giá cho vị trí bộ trưởng quốc phòng trong nội các dự kiến của ông Joe Biden.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng 6 vừa qua, Flournoy nói rằng khi khả năng và quyết tâm của Washington trong việc chống lại sự sự trỗi dậy quân sự của Bắc Kinh trong khu vực suy giảm, Mỹ cần có một biện pháp răn đe vững chắc để giảm nguy cơ “tính toán sai lầm” đối với Trung Quốc.
Bà Michele Flournoy.
“Ví dụ, nếu quân đội Mỹ có khả năng đe dọa đáng tin cậy để đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở vùng biển khu vực trong vòng 72 giờ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi muốn phát động một cuộc phong tỏa hoặc đe dọa bất kỳ ai.
Họ sẽ phải tự hỏi liệu quyết định đó có đáng để đặt toàn bộ hạm đội vào rủi ro hay không”, bà Flournoy nhận định.
Các nhà quan sát quốc phòng và ngoại giao cho rằng việc hiện thực hóa ý tưởng của Flournoy sẽ là rất tốn kém nhưng việc chỉ định nhân vật này là người đứng đầu Lầu Năm Góc mới báo hiệu rằng Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực quân sự lên Trung Quốc.
Collin Koh, nhà nghiên cứu từ trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết đó là viễn cảnh chắc chắn dù bất kể là ai nhậm chức.
“Bất kể ai ở trong Nhà Trắng, khả năng duy trì sự răn đe đáng tin cậy và nếu cần thiết, hạ gục quân đội Trung Quốc, được coi là điều cần thiết”, Koh nói.
Trong bài báo, Flournoy cũng nhấn mạnh nhu cầu đổi mới, đặc biệt là trên các hệ thống không người lái được tăng cường bởi trí tuệ nhân tạo, không gian mạng và phòng thủ tên lửa, cũng như các mạng lưới chỉ huy và liên lạc linh hoạt.
Bà cho biết Mỹ đã đầu tư quá mức vào “các nền tảng và hệ thống vũ khí kế thừa” trong khi không đầu tư nhiều vào các công nghệ mới nổi sẽ quyết định ai có lợi thế trong tương lai.
“Để thiết lập lại khả năng răn đe đáng tin cậy đối với Trung Quốc, Mỹ phải có khả năng ngăn chặn thành công bất kỳ hành động quân sự nào của Bắc Kinh, bằng cách lấn át khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc đạt được các mục tiêu hoặc bằng cách áp đặt cái giá phải trả lớn đến mức các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải quyết định rằng hành động đó không có lợi cho họ”, ứng viên cho vị trí bộ trưởng quốc phòng trong nội các dự kiến của ông Joe Biden nhấn mạnh.
Quân đội Mỹ nên dựa nhiều hơn vào các lực lượng nhỏ và nhanh nhẹn như các phương tiện không người lái dưới nước và các đơn vị cơ động cao để làm phức tạp kế hoạch của Trung Quốc.
Tốn kém
Nhưng các nhà quan sát cho rằng với việc dịch bệnh Covid-19 phủ bóng lên ngân sách quốc phòng tương lai của Mỹ, càng có thêm sự không chắc chắn về việc liệu đầu tư có thể được phân bổ lại từ các chương trình cạnh tranh khác để thực hiện các kế hoạch như vậy hay không.
Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của đại học Phúc Đán (Trung Quốc), nói rằng ngay cả khi Mỹ có chuyển hướng như vậy và tăng cường sức răn đe, các kế hoạch quân sự của Bắc Kinh trên biển sẽ không thay đổi.
“Một mối đe dọa như vậy khó có thể hoạt động, bởi quân đội Trung Quốc đã và luôn tính toán sự can thiệp trực tiếp của Mỹ khi lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự trên biển”, Wu nói.
Flournoy cũng nêu bật những lợi thế độc đáo của Mỹ so với Trung Quốc đó là mạng lưới các đồng minh và đối tác, đồng thời đề nghị Washington nên tiếp cận với các nước trong khu vực để cùng chống lại “chủ nghĩa xét lại” và “các biện pháp cưỡng chế” của Trung Quốc.
Bà đề xuất nhiều cuộc tập trận quân sự thường xuyên hơn với các đồng minh và đối tác, nhiều quan chức cấp cao và lực lượng quân sự được triển khai trong khu vực theo cách phân tán hơn, và một loạt các biện pháp kinh tế, công nghệ và chính trị ngoài quân sự.
Su Hao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Hòa bình tại đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng so với chủ nghĩa đơn phương của ông Trump, chính quyền Biden rõ ràng sẽ thích các cách tiếp cận tập thể và đa phương để kiềm chế Trung Quốc.
Những điều này có thể dẫn đến việc tăng cường quan hệ quân sự thông qua liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, nhóm Bộ tứ: Mỹ-Nhật-Australia-Ấn và quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á xung quanh khu vực có tranh cãi trên biển.
Ông nói rằng mặc dù chính quyền Biden sẽ tăng cường quan hệ đồng minh, nhưng một "NATO ở châu Á" chống lại Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra, vì các nước châu Á sẽ tránh hoàn toàn sự thù địch hoặc đối đầu với nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.