Giao tranh bế tắc
Hơn 21 tháng kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, sự chú ý của thế giới hiện đang dồn vào chiến trường ở Trung Đông. Sau cuộc phản công không như kỳ vọng của Kiev, hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự của phương tây sẽ sớm được cung cấp cho Ukraine. Không chỉ vậy, chính quyền Tổng thống Zelensky còn đối mặt với những chia rẽ nội bộ.
Giữa bối cảnh một mùa đông dài và khó khăn chờ đợi phía trước, Ukraine đang chiến đấu trên nhiều mặt trận.
Binh lính Ukraine khai hỏa súng cối về phía quân đội Nga ở tiền tuyến Avdiivka. Ảnh: Reuters
"Hiện đã xuất hiện sự mệt mỏi vì cuộc xung đột này", Volodymyr Fesenko, một nhà phân tích chính trị tại Kiev cho hay. Theo ông: "Nhiều người Ukraine thất vọng khi một chiến thắng nhanh chóng không đạt được. Nhưng phần lớn người dân Ukraine đều đoàn kết trước nhiệm vụ cần tiếp tục chống lại hành vi gây hấn của Nga".
Sau các chiến dịch thành công giành lại lãnh thổ ở phía Đông và phía Nam cách đây hơn 1 năm, Kiev và phương Tây đã dành nửa đầu năm 2023 để chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn. Các nhà quan sát thậm chí cho rằng chiến dịch mang tính quyết định này có thể đe dọa quyền kiểm soát của điện Kremlin với Bán đảo Crimea. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc phản công được tiến hành vào tháng 6, Ukraine chỉ đạt được những thành quả khiêm tốn trước phòng tuyến kiên cố của Nga, khiến cho xung đột rơi vào bế tắc.
Theo ông Frank Ledwidge, cựu sĩ quan tình báo quân sự Anh, đồng thời là giảng viên cấp cao nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Portsmouth, giao tranh hiện nay về cơ bản giống như tình thế trong Thế chiến I khi không bên nào có khả năng phá vỡ phòng tuyến đối phương.
Giao tranh có thể sẽ ngày càng chững lại khi thời tiết khắc nghiệt cận kề. Lưới điện của Ukraine vẫn dễ tổn thương và Moscow đã cho thấy nước này có thể nhắm vào các cơ sở hạ tầng trên sau khi thực hiện cuộc tấn công UAV lớn nhất vào Kiev kể từ khi xung đột nổ ra gần đây.
Tình thế của Ukraine trên chiến trường
Có 2 điểm trọng tâm đáng chú ý trong những tuần gần đây.
Ở phía Đông, cuộc giao tranh giành thị trấn Avdiivka đang diễn ra ác liệt với việc điện Kremlin dường như quyết tâm mở rộng quyền kiểm soát khu vực Donbass. Ngày 1/12, Ukraine cho biết Nga đang cố gắng bao vây thị trấn nhưng các binh lính nước này vẫn giữ vững vị trí. Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi xây dựng các công sự nhanh hơn tại các khu vực chủ chốt trước sức ép từ các lực lượng của Nga, đặc biệt tại phía Đông.
Ukraine cũng cố gắng thiết lập vị trí ở tả ngạn sông Dnipro ở Kherson do Nga kiểm soát từ những ngày đầu xung đột. Các lực lượng của Nga đã rút về phía đối diện của dòng sông sau khi Ukraine giành được thành phố Kherson vào năm ngoái.
Thống đốc khu vực do Nga bổ nhiệm cho biết, chiến dịch đổ bộ này của Ukraine đối mặt với "địa ngục rực lửa" nhưng phía Kiev cho biết quân đội nước này vẫn duy trì các vị trí của mình.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc phản công của Ukraine chỉ có thể tạo nên khác biệt nếu Kiev có thể thiết lập một đầu cầu để đưa xe bọc thép và các phương tiện hỗ trợ vượt sông.
"Thành công của Ukraine có thể thay đổi tình thế bế tắc hiện nay", Rajan Menon, nhà phân tích thuộc tổ chức Defense Priorities có trụ sở tại Washington đánh giá.
Theo ông Menon, cuộc xung đột đã rơi vào bế tắc vì một vài lý do, trong đó có việc chậm hỗ trợ từ phương Tây, đồng nghĩa rằng các nguồn cung quan trọng có thể sẽ đến tay Kiev quá trễ để cuộc phản công tiến hành hiệu quả.
Tuy nhiên, việc thiếu sự bảo vệ trên không mới là trở ngại lớn nhất khi lực lượng không quân Ukraine bị Nga áp đảo cả về số lượng và sức mạnh.
"Bạn không thể làm điều gì ở khu vực bằng phẳng nếu không có quân đội hỗ trợ trên không", nhà quan sát Menon nói.
Sviatoslav Yurash, một thành viên trong Quốc hội Ukraine và từng là một quân nhân cho biết, cuộc phản công đang đạt được một mục tiêu quan trọng, đó là làm cạn kiệt sức mạnh của quân đội Nga. Ông chỉ ra thành công của Ukraine khi phá thế phong tỏa của Nga ở Biển Đen với các cuộc tấn công vào hải quân nước này ở phía Nam và trên Bán đảo Crimea.
"Chúng tôi hiểu xung đột sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng. Nhưng chúng tôi đã cho thấy thậm chí một lực lượng mạnh như Nga vẫn có thể bị ngăn chặn và chúng tôi có thể buộc họ phải chịu tổn thất to lớn", ông Yurash nói. Cả Nga và Ukraine đều cho rằng đối phương chịu thương vong đáng kể, song không công bố con số thương vong của mình.
“Căn phòng cạn dần oxy”
Ukraine đang tăng cường kêu gọi phương Tây mở rộng cung cấp hỗ trợ quân sự bởi nếu không, cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể kết thúc. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này đang bị đe dọa khi sự mệt mỏi ở phương Tây gia tăng và một cuộc xung đột khác đang thu hút sự chú ý của thế giới.
“Chiến sự Gaza diễn ra trong thời điểm tồi tệ cho Ukraine. Kiev mắc kẹt trong căn phòng đang cạn dần oxy. Sẽ có một cuộc cạnh tranh nguồn lực dù chúng được phân chia như thế nào", chuyên gia Menon nói.
Mỹ hỗ trợ quân sự cho cả Ukraine và Israel. Sự bùng nổ một cuộc chiến mới đã làm dấy lên mối lo ngại liệu đạn pháo và tên lửa phòng không, lẽ ra được hỗ trợ cho Ukraine và có nguồn cung hạn chế, có được chuyển cho Israel hay không. Sự hỗ trợ cho cả hai quốc gia này đều đối mặt với tình thế bấp bênh khi Quốc hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và châu Âu thừa nhận không thể đáp ứng các cam kết với Ukraine.
Các quan chức Ukraine dường như cũng hiểu rõ tình hình.
"Về mặt chiến thuật, việc dịch chuyển sự chú ý từ Ukraine sang Israel khiến tình hình của chúng tôi trở nên khó khăn hơn bởi vì cuộc xung đột của chúng tôi không phải điểm nóng nhất hành tinh", Yehor Chernev, một thành viên thuộc Nghị viện Ukraine, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo, Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine nhận định với NBC News.
"Mọi người đều nói nhiều về Israel và đó là nơi Mỹ ưu tiên hỗ trợ", ông Yehor Chernev nói.
Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận việc thế giới đang chuyển dần sự chú ý sang Trung Đông và cho rằng việc mất đi vị trí trong các chương trình nghị sự quốc tế có thể là đòn "sát thương" với nước này. Ông khẳng định: "Chúng ta không được để mọi người quên đi cuộc xung đột ở đây".