Ukraine đã hành động để sở hữu hạt nhân?

Mỹ Đức |

Ukraine đã có nhiều hành động trước khi có đại biểu đề xuất đưa nước này trở lại thành cường quốc hạt nhân.

Thử tên lửa đủ sức mang đầu đạn hạt nhân

Hãng thông tấn Sputniknews cho biết, Dự thảo luật tương ứng được đăng trên trang web chính thức của Verkhovnaya Rada, văn bản tài liệu đầy đủ hiện thời chưa có. Theo đó, các nghị sĩ đề nghị bãi bỏ luật năm 1994 "Về việc Ukraine tham gia vào hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1968" và trả lại cho đất nước quy chế vũ khí này.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, trên lãnh thổ Ukraine vẫn còn một kho vũ khí hạt nhân. Vào năm 1994, nước này đã ký Hiệp ước Budapest, theo đó Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân, và đổi lại, Ukraine nhận được cam kết an ninh từ phía Nga, Mỹ và Anh.

Trước khi có đề xuất này, văn phòng báo chí của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (RNBO) tuyên bố, nước này vừa thử thành công loại tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Phó giám đốc RNBO Oleg Gladkovsky, vụ thử nghiệm được thực hiện hôm 22/4, loại tên lửa này có thể lắp đặt nhiều loại đầu đạn khác nhau, trong đó có đầu đạn hạt nhân, và có tầm xa khoảng 300 km.

 Ukraine đã hành động để sở hữu hạt nhân?  - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo Tochka-U của Ukraine

Trong khi đó, báo Svobodnaya Pressa của Nga cho biết, loại tên lửa này "nhiều khả năng sẽ được trang bị thiết bị định hướng bằng GPS và một bộ điều khiển mới được sản xuất trong nước. Hoạt động thử nghiệm được tiến hành với một tên lửa Smerch".

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Nga Viktor Murakhovsky, tên lửa này thực chất là một phiên bản cải tiến của tên lửa Smerch do Liên Xô cũ sản xuất. "Giờ đây độ chính xác của tên lửa do Ukraine sản xuất đã được cải thiện đáng kể nhờ kết hợp những dữ liệu từ vệ tinh", ông Murakhovsky nói.

"Đương nhiên Ukraine không có vệ tinh của riêng mình, do đó họ phải dùng những dữ liệu do Mỹ hoặc Nga cung cấp. Vấn đề là hệ thống định vị dân sự của Mỹ và Nga lại không thể xác định chính xác tọa độ để tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu, còn dữ liệu quân sự thì bị mã hóa”, ông Murakhovsky nói thêm.

"Nga chắc chắn sẽ không cho phép Ukraine dùng vệ tinh quân sự của mình, trong khi đó chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đồng ý để Ukraine tiếp cận dữ liệu vệ tinh của họ. Như vậy, độ chính xác của tên lửa có thể sẽ không cao”.

Chuyên gia quân sự Nga nhận định, với tầm xa 300 km của tên lửa Ukraine “là khá khiêm tốn so với tiêu chuẩn hiện đại. Mặc dù tên lửa Smerch của Liên Xô chỉ có tầm xa 90 km, sau này nhiều loại tên lửa khác của Liên Xô sử dụng nhiên liệu rắn, giúp giảm bớt sức nặng và tăng tầm xa đáng kể.

Tuy nhiên, loại nhiên liệu rắn này vẫn chưa thể sản xuất được tại Ukraine, do đó họ sẽ chưa thể nâng tầm bắn của tên lửa trong tương lai”. Khi được hỏi về việc tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân, ông Murakhovsky cho biết: “Kiev sẽ phá vỡ những điều khoản trong Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân mà nước này đã ký kết trước đây.

Thêm vào đó, Tuyên bố Chủ quyền Quốc gia Ukraine được công bố ngày 16/07/1990 nói rằng Ukraine không được sở hữu, sản xuất hoặc chuyển giao vũ khí hạt nhân. Nếu vi phạm những điều kiện trên, họ sẽ chịu những hình phạt tương tự như những gì đang được áp dụng với Triều Tiên”.

Tham vọng tái sở hữu vũ khí hạt nhân của Ukraine được nhắc đến nhiều hồi tháng 3/2016, khi đó Thủ lĩnh đảng Cấp tiến, nghị sĩ Verkhovnaya Rada Oleh Lyashko tuyên bố rằng Ukraine cần chế tạo vũ khí hạt nhân riêng của nước mình.

"Tôi từng nhiều lần nói với Tổng thống, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Thủ tướng rằng Ukraine phải xúc tiến công việc về khôi phục tiềm năng hạt nhân của đất nước để phục vụ yêu cầu an ninh.

Chúng ta có đủ mọi khả năng. Chúng ta có cơ sở khoa học, có uranium, có các sáng chế, có Pivdenmash (doanh nghiệp về sản xuất kỹ thuật tên lửa-vũ trụ, nằm ở Dnepropetrovsk). Chúng ta thừa sức chế tạo tên lửa hạt nhân", nghị sĩ Lyashko khẳng định.

Trong bản tài liệu gửi Tướng Mỹ Philip Mark Breedlove, Tổng tư lệnh tối cao Lực lượng vũ trang hợp nhất NATO ở châu Âu đã bị rò rỉ lên mạng hồi đầu năm 2015, Văn phòng Thủ tướng Đức cảnh báo về ý đồ thực sự của Kiev vi phạm quy chế quốc gia phi hạt nhân và vì thế, yêu cầu Mỹ gây áp lực với chính phủ Ukraine. 

Người ký tên dưới tài liệu này là Chánh Văn phòng Thủ tướng Liên bang, ông Peter Altmaier.

Văn phòng Thủ tướng Đức cho rằng, Ukraine đang ở trong cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội và kinh tế sâu sắc không có khả năng tự lực bảo đảm mức độ kiểm soát cần thiết đối với việc lưu hành những thông tin đó lẫn các vật liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, tạo ra nguy cơ chúng bị lọt đến các khu vực nguy hiểm hơn trên thế giới.

Thừa nhận đắng

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News đầu tháng 4/2016, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định việc nước này quyết định ký kết hiệp định loại bỏ kho vũ khí hạt nhân vào năm 1994 là một sai lầm.

Sau khi Ukraine tách khỏi Liên xô và độc lập năm 1991 đã được thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Ba năm sau đó nước này đã đồng ý từ bỏ sở hữu vũ khí hạt nhân khi ký thỏa thuận Budapest với Hoa Kỳ, Nga và Anh.

Theo thỏa thuận này mỗi quốc gia phải tôn trọng ranh giới chủ quyền của nhau và bảo vệ Ukraine nếu bị nước khác tấn công. Phát biểu trong bản tin đặc biệt với biên tập viên Bret Baier của Fox News, ông Poroshenko thừa nhận rằng các quốc gia khác nên nhìn vào Ukraine để làm bài học kinh nghiệm.

Nga và Ukraine đang lâm vào cuộc chiến tranh không chính thức sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimean đầu năm 2014. Đồng thời các nhà hoạt động nói rằng Moscow đã chứng minh một sự hỗ trợ lâu dài cho một cuộc nổi dậy đòi ly khai ở miền Đông Ukraine.

"Nếu bạn không phát triển cơ chế hiệu quả mới để ngăn chặn (sự xâm lược của Nga), thì chúng ta nên quên đi những quá trình hạn chế vũ khí," Poroshenko nói. Theo các nhà phân tích cho biết kho vũ khí của Ukraine trong những năm đầu thập niên 1990 có tất khoảng gần 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại