Ukraine sống lại thời sánh ngang Nga-Mỹ, châu Âu hoảng sợ

Thiên Nam |

Giới chính khách Ukraine lại tiếp tục thể hiện mong muốn trở thành cường quốc hạt nhân như thời mới độc lập, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Ukraine tiếp tục mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân

Các đại biểu của "đảng Cấp tiến" Ukraine đề xuất đưa nước này trở lại quy chế cường quốc hạt nhân. Tuy văn bản tài liệu đầy đủ hiện thời chưa có nhưng dự thảo luật tương ứng đã được đăng trên trang web chính thức của Quốc hội Ukraine (Verkhovnaya Rada).

Các nghị sĩ đề nghị bãi bỏ luật năm 1994 "Về việc Ukraine tham gia vào hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1968" và trả lại cho đất nước quy chế sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các nghị sĩ của đảng này đã không ít lần công khai ý muốn tái nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 2 năm nay, Thủ lĩnh đảng Cấp tiến, nghị sĩ Verkhovnaya Rada Oleh Lyashko tuyên bố rằng, Ukraine cần chế tạo vũ khí hạt nhân riêng của nước mình.

"Tôi từng nhiều lần nói với Tổng thống, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Thủ tướng rằng Ukraine phải xúc tiến công việc về khôi phục tiềm năng hạt nhân của đất nước để phục vụ yêu cầu an ninh.

Ông này cho biết rằng, Ukraine thừa sức chế tạo tên lửa hạt nhân bởi nước này sở hữu các cơ sở khoa học như Pivdenmash (doanh nghiệp về sản xuất kỹ thuật tên lửa-vũ trụ, nằm ở Dnepropetrovsk), có nhiên liệu uranium, có chuyên gia và tài liệu kỹ thuật về công nghệ hạt nhân của Liên Xô.

Hồi năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, Ukraine cũng đã đưa ra xem xét dự luật về việc nước này rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và rút lại chữ ký trong Biên bản Budapest được ký dựa trên hiệp ước này.

 Ukraine sống lại thời sánh ngang Nga-Mỹ, châu Âu hoảng sợ  - Ảnh 1.

Khi Liên Xô tan rã, Ukraine vụt biến thành cường quốc hạt nhân số 3 thế giới

Ngoài ra, chính quyền Kiev còn tìm mọi cách để sở hữu gián tiếp vũ khí hạt nhân như mời Mỹ chuyển kho bom hạt nhân B-61 mà nước này rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào đặt trong lãnh thổ Ukraine và xây dựng căn cứ quân sự vừa để bảo vệ số vũ khí này, đồng thời cũng để răn đe Nga.

Có thể nhận định rằng, chính quyền Kiev hiện nay coi Nga - với tiềm lực quân sự khổng lồ sánh ngang Mỹ - là mối đe dọa lớn nhất nên họ cho rằng, chỉ có sở hữu kho vũ khí hạt nhân như thời kỳ mới tách ra khỏi Liên bang Xô viết thì Ukraine mới có thể tự bảo vệ mình.

Ukraine đã từng là cường quốc hạt nhân số 3 thế giới

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã 25 năm trước, Ukraine được chia phần một số lượng lớn các trang bị khí tài hiện đại từ Liên Xô, trong đó có cả những vũ khí chiến lược. Bên cạnh đó, rất nhiều phòng thiết kế, nhà máy sản xuất vũ khí lớn của Liên Xô nằm trên lãnh thổ nước này.

Thời điểm đó, Ukraine khiến nhiều nước e sợ do họ được “thừa kế” một số lượng lớn đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và đủ loại phương tiện phóng, khiến họ chỉ kém Nga-Mỹ, còn các cường quốc Tây Âu như Anh, Pháp, Đức hay Trung Quốc chỉ là “đàn em”.

Lúc đó, Ukraine nắm giữ 220 ICBM, trong đó có 130 ICBM kiểu cơ động R-36 (NATO gọi là SS-18 Satan, tầm bắn 16.000km), 46 ICBM lắp đặt trên tàu hỏa RT-23 Molodets (NATO gọi là SS-24 Scalpel, tầm bắn 10.000km), với tổng cộng hơn 1.900 đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, Kiev còn được “của hồi môn” khủng là 25 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 19 chiếc Tu-160 Blackjack, 1.080 tên lửa hành trình tầm xa Kh-55 Raduga có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Theo một số liệu thống kê của tình báo Mỹ, tại thời điểm năm 1992, Ukraine thừa hưởng một di sản hạt nhân lớn của Liên Xô. Trên lãnh thổ Ukraine còn lại 1.950 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến lược và 1.883 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong đó có 176 tên lửa đạn đạn liên lục địa.

Dù là số liệu nào thì cũng chỉ trong một đêm, Ukraine vụt biến thành cường quốc hạt nhân số 3 thế giới. Năng lực răn đe hạt nhân của Kiev (trừ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình ra) còn được đánh giá là mạnh hơn cả các nước Tây Âu.

Vào thời điểm đó, ngay cả Mỹ cũng không muốn tự nhiên sinh ra một cường quốc hạt nhân có thể hợp tác với Nga để đối phó với mình, còn Moscow cũng không muốn có mối lo lớn sát nách phía Tây, châu Âu cũng hoảng hồn với mối lo hạt nhân bên sườn phía đông.

Do đó, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước Nga, Mỹ và Anh (lúc đó quan hệ còn khá tốt) đã ép các nước tách ra từ Liên Xô cũ còn sở hữu vũ khí hạt nhân và phương tiện phóng phải hủy bỏ năng lực này và sống dưới cái ô chở che của các ông lớn này.

Nga - Mỹ có để Ukraine tái sở hữu hạt nhân?

Sau khi phê chuẩn Thỏa thuận Lisbon năm 1992 (bổ sung cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược Xô-Mỹ START-1), ba nước Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã chấp thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân để trở thành các nước "không sở hữu vũ khí hạt nhân".

Đến năm 1994-1996, theo Thỏa thuận Lisbon và Biên bản Budapest, chính quyền Kiev đã chuyển giao toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình cho Liên bang Nga. Riêng ở Ukraine, việc thủ tiêu và rút các đầu đạn hạt nhân khỏi nước này đã hoàn thành toàn bộ vào tháng 6-1996.

Bắt đầu từ năm 1996, Ukraine có quy chế quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Còn Nga-Mỹ-Anh cam kết bảo đảm an ninh cho Kiev trong trường hợp bị quân đội nước ngoài xâm lược.

Năm 2001, đã diễn ra đợt thủ tiêu cuối cùng các bệ phóng trong các giếng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ giếng phóng mặt đất. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS một phần được trao đổi cho Nga, một phần bị phá hủy không thương tiếc.

Ngoài việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, tất cả các vũ khí mạnh của Ukraine đều bị phá hủy, quân đội chỉ để làm cảnh, không có khả năng thực chiến. Tuy vẫn còn có trong biên chế một số trang bị hiện đại nhưng trong thực tế, quân đội nước này đã bị xếp xuống hạng bét.

Việc Ukraine nghe lời Nga-Mỹ-Anh, triệt tiêu vũ khí hạt nhân, phá hủy các phương tiện phóng như máy bay ném bom chiến lược như Tu-160, Tu-95 cùng với các hầm phóng, trả lại nhiên liệu cho Moscow đã khiến Kiev tự đánh mất vũ khí răn đe hùng mạnh của mình.

 Ukraine sống lại thời sánh ngang Nga-Mỹ, châu Âu hoảng sợ  - Ảnh 3.

Bản đồ phân bố năng lực hạt nhân Ukraine sau khi Liên Xô tan rã

Nếu Ukraine còn sở hữu khả năng tấn công hạt nhân, tuy họ vẫn chưa thể sánh được với Nga-Mỹ nhưng cũng khiến không một quốc gia nào, kể cả các cường quốc Tây Âu như Đức, Anh, Pháp và các ông lớn châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ… dám khinh nhờn.

Kiev đã tự đánh mất những vũ khí đáng gờm nhất của một cường quốc hàng đầu thế giới. Thanh gươm sắc đã không còn, Ukraine dần dần biến thành một con tốt trong trò chơi địa-chính trị của Nga và Mỹ.

Sau khi độc lập, với chế độ chính trị thay đổi, giai đoạn này theo Nga, thời kỳ kia thân Mỹ đã khiến Ukraine một mặt hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Washington và Moscow về vấn đề giải trừ quân bị, mặt khác cũng khiến họ đánh mất ý chí tự cường.

Hiện nay, nếu bắt tay vào việc phát triển vũ khí hạt nhân, Kiev có thể không phải bắt đầu lại từ đầu, nhưng có thể khẳng định rằng, việc này còn khó hơn lên trời, bởi ngay cả Mỹ cũng không cho phép Ukraine khôi phục quy chế hạt nhân chứ đừng nói là Nga.

Ngoài ra, việc Kiev phá vỡ những điều khoản trong Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân mà nước này đã ký kết trước đây sẽ khiến nước này chịu những hình phạt tương tự như Triều Tiên, Iran. Còn Nga cũng không bao giờ để yên cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại