Theo Sputnik, Kiev hy vọng rằng thỏa thuận mở rộng hệ thống tàu điện ngầm với các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ là dự án đầu tiên trong số rất nhiều dự án hạ tầng mà Trung Quốc rót vốn.
Cuối tuần trước, chính quyền thành phố Kiev đã ký thỏa thuận với một hội liên hiệp của Trung Quốc về việc xây dựng đường tàu điện ngầm thứ tư cho hệ thống tàu điện ngầm của thành phố.
Hội liên hiệp gồm cả tập đoàn Đường sắt Quốc tế Trung Quốc và tập đoàn Xây dựng Trung Quốc Thái Bình Dương sẽ giám sát dự án trị giá hơn 30 tỉ hryvnia (tương đương 1,1 tỉ USD). Các công ty cũng cam kết hỗ trợ Kiev thu hút đầu tư từ các tổ chức tài chính Trung Quốc để tiến hành những dự án hạ tầng quy mô lớn.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn mở nhiều nhà máy ở Ukraine vì giá lao động ở đây thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Theo tổ chức Trading Economics, mức lương tháng trung bình ở Ukraine trong hơn 12 tháng qua là 213 USD, trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 750 USD.
Về phần mình, Kiev muốn thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc do thiếu hụt nguồn đầu tư từ châu Âu và Nga, RT cho hay.
Thực ra, Nga là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Ukraine năm 2016, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Ukraine. Qua nhiều năm, các nhà đầu tư Nga đã tăng mức đầu tư của mình lên đến 250%, chiếm 38% tổng đầu tư. Phần lớn là từ các ngân hàng Nga như Sberbank, Prominvestbank và VTB.
Tuy nhiên, việc đầu tư đã gặp trở ngại sau khi Kiev áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga từ tháng 3/2016.
Trong khi đó, các nhà đầu tư châu Âu vẫn rất thận trọng khi đầu tư vào Ukraine vì họ lo ngại tình trạng tham nhũng của nước này, vốn chiếm tới 45% lượng đầu tư nước ngoài năm 2016.
Tuy nhiên, có vẻ như các doanh nhân người Trung Quốc lại sẵn sàng bỏ qua vấn đề đó.
"Các công ty Trung Quốc sẵn sàng đút lót quan chức Ukraine và nhắm mắt làm ngơ khi chi phí ước tính cho công tác xây dựng bị thổi phồng", RT dẫn nguồn tin quan chức Ukraine cho hay.
Andrei Prikhodko, chuyên gia kinh tế của Ukrsotsbank cho rằng, Trung Quốc muốn xây dựng một vị trí chắc chắn ở Ukraine để từ đó tiếp cận thị trường châu Âu và nhiều nơi khác.
"Các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tiếp cận thị trường của các nước EU, những nước đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Ukraine. Họ hiện đang phải trả 5-10% thuế nhập khẩu và các nước EU và thêm 10-15% chi phí cho công tác kho vận. Về mặt lý thuyết, khi chuyển hàng từ châu Âu thì chi phí có thể giảm được 20%, khiến hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn".
Tuần trước, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông qua thỏa thuận miễn thị thực cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng đó là một dấu mốc "lịch sử" nhưng nhiều nhà quan sát lại tỏ ra lo ngại về tác động đối với tình trạng nhân khẩu của Ukraine, bởi nhiều thanh niên trẻ của nước này có thể sẽ sử dụng thỏa thuận này để tìm việc ở EU.
Trong một cuộc phỏng vấn với Radio Sputnik, ông Eduard Popov, chuyên gia thuộc trung tâm phân tích Institute of Russia Abroad, nhận định: Thỏa thuận mới có lợi cho ông Poroshenko hơn là người Ukraine.
"Poroshenko đã lên nắm quyền với lời hứa đưa Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu và phải thực hiện một cách nhanh chóng. Thực tế là, Ukraine khó có thể gia nhập EU, ít nhất là trong thế kỷ này", ông Popov nói.
"Tuy nhiên, ông ta cần thỏa thuận miễn visa để khiến người dân tin rằng Ukraine giờ là một phần của EU".