Mới đây tờ Financial Express đã đăng tải bài viết nhan đề: "Death by Drones: Exposing chinks in the enemy’s armour" (tạm dịch: Cái chết do máy bay không người lái: Khám phá điểm yếu của tăng thiết giáp đối phương) của cựu sĩ quan Quân đội Ấn Độ Thiếu tướng Jagatbir Singh.
Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn khách quan, trong bối cảnh máy bay không người lái (UAV) đã trở thành vũ khí chiến lược trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh và viễn cảnh một kịch bản sử dụng UAV trong xung đột Trung - Ấn có thể xảy ra, chúng tôi xin lược dịch bài viết.
Xung đột Karabakh là "bài học" cho các lực lượng tăng - thiết giáp?
Xung đột có một cách kết nối các vấn đề mâu thuẫn một cách kỳ lạ. Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh đã trở thành nguyên nhân của các cuộc tranh luận gay gắt về tương lai của xe tăng.
Đồng thời, xe tăng của Quân đội Ấn Độ và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là một yếu tố quan trọng trong cuộc đối đầu ở khu vực Ladakh.
Nó diễn ra trong bối cảnh Pakistan đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội bằng cách mua xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) VT-4 của Trung Quốc với ít nhất 24 chiếc đã được bàn giao.
Còn Thủy quân lục chiến Mỹ, họ đang giảm số lượng xe tăng do ảnh hưởng của khả năng bị tấn công chính xác.
Những vấn đề nói trên có thể được liên kết với nhau không? Và bài học nào có thể rút ra từ "thảm cảnh" đối với tăng - thiết giáp vừa diễn ra ở Nagorno- Karabakh?
Binh sĩ Pakistan và xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) VT-4.
Kể từ ngày chiếc xe tăng đầu tiên được giới thiệu vào năm 1916, thì đồng thời những hạn chế của loại vũ khí này cũng khá rõ ràng. Đây là một nền tảng vũ khí hạng nặng, khó thiết kế và sản xuất, đồng thời yêu cầu nhân lực có kinh nghiệm và năng lực để vận hành, bảo trì và sửa chữa.
Xe tăng chỉ có ý nghĩa duy nhất là thúc đẩy những tiến bộ trong việc phát triển các loại vũ khí tiêu diệt nó, bao gồm súng chống tăng, tên lửa chống tăng, mìn chống tăng, trực thăng tấn công và máy bay cường kích.
Công nghệ hiện đại giúp phát triển cách thức chỉ huy và liên lạc đáng tin cậy và mạnh mẽ trên chiến trường, năng lực tác chiến điện tử và các yếu tố khác đã giúp mở ra một kỷ nguyên hủy diệt xe tăng bằng UAV.
Những cải tiến đáng kể về xe tăng gần đây tập trung vào hỏa lực (hầu hết cỡ nòng pháo chính xe tăng hiện nay là 120 mm hoặc 125 mm cùng với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến) nhưng năng lực bảo vệ hoàn toàn không có đột phá - vẫn chỉ tập trung vào vòng cung phía trước xe.
Nhưng bảo vệ 360 độ xung quanh xe tăng đồng nghĩa với những hạn chế. Việc này sẽ làm tăng trọng lượng của xe tăng (ví dụ như MBT Challenger 2 là 74,8 tấn) sẽ có nhiều tác động tiêu cực khác tới năng lực của chiếc xe ngoài việc tăng nhu cầu về bảo trì.
Các video được phía Azerbaijan ghi lại ở Karabakh cho thấy cảnh UAV từ trên cao tàn sát không thương tiếc những chiếc xe tăng Armenia di chuyển ngoài trời.
Hình minh họa (Nguồn: Defenseturk.net).
Sự hủy diệt này đến từ một dạng "không quân không người lái", những UAV có giá thành rẻ đã được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) chứng minh trước đó trong chiến dịch quân sự nhằm vào Quân đội Arab Syria (SAA) và đồng minh ở tây bắc nước này vào tháng 2/2020.
Quay trở lại Karabakh, theo các đoạn phim được phía Azerbaijan công bố, loại UAV được sử dụng thường xuyên dường như là UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Azerbaijan cũng đã vận hành các loại UAV tự sát, còn được gọi là "đạn dược lảng vảng".
Ấn tượng nhất là IAI Harop của Israel. Đây là một UAV dò bức xạ, tức là nó được thiết kế để phá hủy radar như một phần của các hoạt động quân sự nhằm chế áp phòng không đối phương.
Hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 của Nga đã bắn rơi một số lượng đáng kể UAV Bayraktar TB2 và IAI Harop ở Syria và Libya.
Nhưng những chiếc UAV của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là Azerbaijan cũng được cho là đã lần lượt tiêu diệt hệ thống Pantsir-S1 của Syria và cả hệ thống S-300 của Amenia.
Azerbaijan công bố video tiêu diệt hệ thống tên lửa S-300 của Armenia
UAV có thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh?
Không nghi ngờ gì nữa, một số điểm yếu của lực lượng tăng - thiết giáp đã bị lộ rõ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rõ về hoàn cảnh chiến trường để đưa ra kết luận đúng đắn.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng hệ thống phòng không của lực lượng Cộng hòa Artsakh tự xưng và ngay cả Quân đội Armenia ở Nagorno-Karabakh đã lỗi thời và các radar không đủ khả năng phát hiện UAV.
Nhưng trong một cuộc xung đột giữa hai đối thủ ngang nhau về công nghệ, trang thiết bị và huấn luyện, các UAV di chuyển chậm sẽ dễ dàng bị hỏa lực phòng không hạ gục hoặc bị chế áp.
Chúng sẽ chỉ thích hợp trong các hoạt động chống nổi dậy, chống lại các lực lượng thiếu thốn năng lực phòng không và chắc chắn sẽ dẫn đến những thành công đáng kể.
Sự kết thúc của xe tăng cũng đã được dự đoán vào những năm 1950 khi mối đe dọa đến từ Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) và đã có cuộc thảo luận về việc thay thế xe tăng bằng các nền tảng nhẹ hơn được vũ trang bằng tên lửa.
Tuy nhiên bản thân những nền tảng trong giải pháp này lại dễ bị tấn công hơn do lớp giáp bảo vệ của chúng bị giảm sút.
Mặc dù được cho là không thể sánh được với UAV do Mỹ sản xuất nhưng UAV Trung Quốc đã thực chiến tại một số chiến trường như Iraq, Ai Cập và Libya.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, xe tăng di chuyển với tốc độ nhanh trước cả hỏa lực yểm trợ đường không và pháo binh - hành động này đồng thời gây ra sự sụp đổ tinh thần của đối phương.
Tuy nhiên, sau đó năng lực của chúng lại bị đặt dấu hỏi do hạn chế trong các hoạt động chống nổi dậy.
Thực tế là nếu mục tiêu là để có thể liên tục tạo ra khả năng "răn đe" đối phương, xe tăng vẫn là thứ cần thiết như một câu ngạn ngữ: "Áo khoác dạ vẫn cần thiết cho một dịp cụ thể".
Một phương án phòng thủ hoàn hảo trong chiến trường phức hợp hiện đại là một đội hình xe bọc thép xung quanh xe tăng.
Sự thật là xe tăng không thể "đơn đả độc đấu" và cần trở thành một phần của cái gọi là "nhóm hỏa lực tổng hợp" bao gồm bộ binh cơ giới, pháo tự hành, nền tảng phòng không cơ động, trực thăng tấn công, UAV trinh sát và vũ trang, trang thiết bị chiến tranh điện tử (EW) và hậu cần.
"Hỗn hợp" này phải là một thể thống nhất để đối phó với các mối đe dọa và địa hình tác chiến, tức là các thành phần của chúng phải bổ sung cho nhau.
Quân đội Ấn Độ còn phải làm nhiều việc để đạt được sự thống nhất trong trang bị?
UAV Trung Quốc có thể huỷ diệt T-72, T-90 Ấn ở khu vực tranh chấp?
Quân đội Ấn Độ đã sử dụng xe tăng chống lại đối phương ngang hàng (Pakistan) vào năm 1971 và 1987.
Hiện tại, lực lượng tăng - thiết giáp của Ấn Độ có thể hoạt động trên mọi loại địa hình. Tuy nhiên, để đề phòng các vấn đề tương tự như "thảm cảnh" ở Karabakh, loại vũ khí này này bắt buộc phải được bảo vệ đa chiều trước các mối đe dọa trên không và trên mặt đất.
Tại khu vực Ladakh, nơi tăng - thiết giáp Ấn Độ hiện đang hoạt động, cần phải có hệ thống phòng không và "ô bảo vệ" EW thích hợp để có thể làm suy yếu kẻ địch thông qua việc khắc chế radar.
Cũng cần tích hợp ngay lập tức khả năng cơ động của Trực thăng tấn công và UAV để trinh sát và ngắm mục tiêu.
Những chiếc T-90 và T-72 của Ấn Độ được triển khai ở những khu vực này với pháo 125mm vượt xa xe tăng hạng nhẹ ZTQ-15 của Trung Quốc với pháo 105mm.
Xe tăng hạng nhẹ ZTQ-15.
Chúng cũng có lợi thế là được thiết kế để hoạt động ở nhiệt độ cực thấp. Tuy nhiên, các điểm yếu sẽ tăng lên trừ khi chúng hoạt động như một phần của "nhóm hỏa lực tổng hợp".
Tuy nhiên, cao độ của khu vực tạo ra hạn chế nhằm vào năng lực tấn công từ trên không của đối phương trong viễn cảnh sử dụng UAV trong khu vực do các vấn đề khi hoạt động ở tốc độ gió cao, hạn chế về độ cao tối đa và việc bắt buộc phải giảm trọng tải vũ khí.
Cách đối phó với sự uy hiếp từ trên không nhằm vào lực lượng tăng thiết giáp vẫn là "ô bảo vệ" bởi tên lửa phòng không, pháo phòng không và gây nhiễu điện tử.
Nhưng trước tiên, Ấn Độ cần có Hệ thống thiết bị trinh sát đường không (ISR). Bản chất là khả năng "cảm nhận và tấn công". Vấn đề tiếp theo là "đóng gói" các loại vũ khí đã được đề cập ở phần trên của bài viết bao gồm ISR, Phòng không, Không quân và EW.
Quân đội Ấn Độ sắp nhận được những chiếc UAV MQ-9 Reaper đầu tiên từ Mỹ?
Kết luận
Giá trị của bất kỳ loại vũ khí nào trên chiến trường từ những vũ khí bộ binh đơn giản nhất đến hàng không mẫu hạm phức tạp nằm ở việc nó được sử dụng và hỗ trợ ra sao.
Cần phải gắn công nghệ với huấn luyện và chiến thuật. Phải luôn luôn duy trì tư duy sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận trước một cuộc chiến "được cải tiến" hoặc ít nhất là để bắt kịp với nó.
Chìa khóa của vấn đề nằm ở khả năng và tốc độ của các năng lực sẵn có kết hợp với nhau.
Điều này cần diễn ra ở đúng nơi, vào đúng thời điểm, với thông tin phù hợp và động lực cần thiết để có thể gây ra sức hủy diệt đáng kể và thống trị chiến trường bằng các hành động xung kích.
Việc cân bằng các yếu tố cấu thành của cái gọi là "nhóm hỏa lực tổng hợp" này với các kỹ năng của con người sẽ quyết định chiến thắng trong tương lai.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là mặc dù UAV, máy bay cường kích hoặc trực thăng tấn công, có thể tiêu diệt một chiếc xe tăng, ghi đoạn phim và tung nó lên các mạng xã hội, chúng hoàn toàn không thể thay thế xe tăng trên chiến trường.
Sự đơn giản trong các khái niệm về hỏa lực, tính cơ động, khả năng bảo vệ và sự cân bằng phức tạp của những cỗ máy này vẫn tiếp tục đảm bảo sự tồn tại của nó.
Xe tăng sẽ vẫn là loại vũ khí mạnh nhất trên mặt đất và sự hiện diện hay vắng mặt của chúng trên chiến trường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả của trận chiến.
Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72 và T-90 của Quân đội Ấn Độ (IAF) di chuyển về hướng biên giới Trung Quốc hôm 17/6/2020.