Theo Ifeng ngày 30/11, trong chiến dịch quân sự tấn công lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó, không thể không kể đến máy bay không người lái (UAV) tấn công Bayraktar TB2.
Loại UAV này được coi là niềm "kiêu hãnh" của người Thổ, Bayraktar TB2 đã giúp Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ "chen chân" vào nhóm các cường quốc UAV tấn công.
Trên cương vị là đồng minh trong NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, Anh đã cung cấp những kỹ thuật cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ để nghiên cứu chế tạo linh kiện tên lửa cho UAV tấn công.
Nhờ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua được lệnh cấm của Mỹ để trở thành một "thế lực mới nổi trong công nghệ chết chóc này".
Reference News ngày 29/11 cho biết, Anh là quốc gia đã cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cho Thổ Nhĩ Kỳ để có thể phát triển thành công Bayraktar TB2.
Trong những ngày đầu chế tạo UAV tấn công, Ankara đã gặp phải lệnh cấm xuất khẩu linh kiện UAV tấn công sang Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ năm 2012 và không có biện pháp chế tạo linh kiện máy bay và vũ khí cho máy bay này. Điều này, buộc Thổ Nhĩ Kỳ "cầu cứu" Anh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã được công ty kỹ thuật EDO MBM ở vùng ngoại ô Brighton của Anh hỗ trợ linh kiện và kỹ thuật, trong đó chủ yếu là kỹ thuật giá treo tên lửa "Hornet".
UAV Bayraktar TB2 được coi là niềm "kiêu hãnh" của người Thổ. Nguồn: Ifeng.
Không chỉ hỗ trợ, công ty này còn chuyển giao thành quả giai đoạn nghiên cứu chế tạo quan trọng nhất của giá treo tên lửa"Hornet" trên UAV Bayraktar TB2 cho nhà sản xuất Baykar Makina của Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó làm nền tảng để này tiếp tục công tác nghiên cứu chế tạo.
UAV Bayraktar TB2 có thể mang theo hai tên lửa chống tăng UMTAS cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Mỗi quả tên lửa UMTAS chỉ có trọng lượng hơn 37 kg và được gắn hai bên cánh của Bayraktar TB2.
UMTAS có đường kính khoảng 160 mm với tầm bắn tối thiểu là 500 m và tối đa là 8.000 m, nó có thể được triển khai từ độ cao 5.000 m nhằm tránh Bayraktar TB2 bị tấn công bởi hệ thống phòng không vác vai của đối phương.
Có thể nói, UAV UAV Bayraktar TB2 được coi là niềm kiêu hãnh của ngành chế tạo công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được trang bị một "đội quân" 86 UAV Bayraktar TB2. Cũng nhờ có UAV này mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập nhóm các "cường quốc UAV tấn công" trên thế giới.
Tuy nhiên, "niềm kiêu hãnh" của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã bị Quân đội Syria (SAA) sử dụng tên lửa vác vai bắn hạ hôm 28/11 tại khu vực đông bắc Syria khi đang âm thầm trinh sát nhiều mục tiêu ở Al-Qamishli của Al-Hasakah.
Anh có vai trò quan trọng trong việc Thổ Nhĩ Kỳ phát triển thành công Bayraktar TB2. Nguồn: Ifeng
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng 2 dòng UAV ở chiến trường Syria là Anka-I và Bayraktar TB2. Mặc dù chưa có thông tin chính xác về loại UAV bị bắn hạ nhưng nhiều khả năng chính là Bayraktar TB2 do UAV Anka-I có khả năng bay tầm xa lên đến 4.600 km, tốc độ tối đa gần 300 km/h, rất khó để có thể bị hạ bởi các loại "vũ khí thô sơ" của SAA.
Được biết Bayraktar TB2 là UAV tấn công chiến thuật sản xuất dành riêng cho lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2007, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu kế hoạch phát triển UAV tầm trung và tầm xa, Baykar Makina đã đưa ra nguyên mẫu Bayraktar Block A, tuy nhiên, nguyên mẫu này không đáp ứng được yêu cầu tác chiến của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, cuối năm 2011, công ty Kale-Baykar JV hợp tác cùng Baykar Makina tiếp tục phát triển dòng UAV này, đây được coi là giai đoạn 2. Tháng 4/2014, UAV Bayraktar TB2 tiến hành chuyến bay đầu tiên, đến tháng 6/2015, Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ nhận được lô đầu tiên với 6 UAV loại này.
Bayraktar TB2 có thể được coi là một hệ thống UAV tấn công, mỗi hệ thống gồm 6 UAV, 2 trạm điều khiển mặt đất (GCS), 3 thiết bị đầu cuối dữ liệu mặt đất (GDT), 2 thiết bị đầu cuối video từ xa (RVT) và thiết bị hỗ trợ mặt đất. UAV có chiều dài 6,5 m, sải cánh 12 m và trọng lượng cất cánh tối đa 630 kg.
Bayraktar TB2 có thể mang trọng tải tối đa hơn 55 kg. Cấu hình tiêu chuẩn bao gồm mô-đun camera quang điện tử (EO), mô-đun camera hồng ngoại (IR), thiết kế laser, công cụ tìm kiếm laser (LRF) và hệ thống điều khiển laser.