Phát ngôn trên của tân thái tử Saudi Arabia là một động thái bất ngờ, vì trước đó quan hệ giữa hai nước không đến mức xảy ra căng thẳng, thậm chí quốc gia Trung Đông giàu có này còn dự định đặt mua số lượng lớn vũ khí Nga.
Nhưng với diễn biến mới, tình hình khu vực dự báo xuất hiện nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Vậy sức mạnh quân sự của Saudi Arabia lớn đến đâu và họ có đủ khả năng thực hiện lời mà vị tân thái tử vừa tuyên bố?
Một đơn vị pháo tự hành của Lục quân Hoàng gia Saudi Arabia
Theo số liệu của trang Global Firepower, tiềm lực quân sự của Saudi Arabia hiện đứng thứ 24 thế giới, quốc gia Trung Đông chính là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất hành tinh dựa vào ngân sách quốc phòng lên tới 56,725 tỷ USD, họ đang nắm trong tay một lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ.
Tổng quân số các lực lượng vũ trang Saudi Arabia vào khoảng 235.000 người; sở hữu 790 máy bay các loại, trong đó có 177 tiêm kích, 245 cường kích, 21 trực thăng tấn công; 5.472 phương tiện chiến đấu bọc thép, bao gồm 1.142 xe tăng chiến đấu chủ lực, 524 hệ thống pháo tự hành, 322 pháo phản lực phóng loạt; cùng 55 chiến hạm các loại.
Đáng lưu ý là mặc dù quy mô không quá lớn nhưng chất lượng vũ khí của Saudi Arabia lại cực kỳ hiện đại, các chiến đấu cơ F-15SA hay Eurofighter Typhoon tính năng không hề thua kém Su-35S hay Su-30SM, trong khi số lượng áp đảo hoàn toàn.
Lục quân Saudi Arabia được trang bị nhiều loại vũ khí có nguồn gốc khác nhau như xe tăng M1A2 SEP Abrams; pháo tự hành 155 mm PLZ-45, M109, AMX-GTC; pháo phản lực phóng loạt M270, Astros II; yểm trợ hỏa lực từ trên không là trực thăng vũ trang AH-64D Longbow.
Nguy hiểm hơn, Riyadh còn tổ chức cả lực lượng tên lửa chiến lược, vũ trang bằng tên lửa đạn đạo DF-3 và DF-21 do Trung Quốc cung cấp, thậm chí đang có nghi ngờ rằng Saudi Arabia đã nắm trong tay một vài đầu đạn hạt nhân để lắp cho chúng.
Tên lửa đạn đạo DF-3 của Saudi Arabia xuất hiện trong một cuộc duyệt binh
Mặc dù số lượng hùng hậu, chất lượng vô cùng đáng nể, nhưng năng lực thực chiến của Quân đội Saudi Arabia lại chưa bao giờ được đánh giá cao.
Trong suốt 2 năm chiến tranh, họ đã không thể làm bất cứ điều gì chống lại lực lượng vũ trang Houthis ở Yemen, thậm chí còn hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi thỉnh thoảng tên lửa đạn đạo Scud của quân nổi dậy vượt qua được lá chắn Patriot mà vụ nghiêm trọng nhất là gây thiệt mạng Trung tướng Muhammad bin Ahmed Al-Shaalan.
Căn cứ vào tình hình thực tế, nếu tung đòn tổng lực thì có khả năng phía Saudi Arabia sẽ đánh bại được các lực lượng Nga đang đóng quân tại Syria dựa vào lợi thế "quân đông".
Nhưng để hoàn thành mốc thời gian chỉ 3 ngày như vị tân thái tử của họ vừa phát ngôn thì e rằng quá lạc quan và rất thiếu thực tế, vì Quân đội Nga không hề đơn độc tại Syria mà còn có sự hỗ trợ của các đồng minh rất mạnh như Iran, Hezbollah và cả Quân đội Chính phủ Syria.