Theo CNN, ông Trump từng nói rằng nếu ông Obama bị Hạ viện Mỹ luận tội, thì đó sẽ là chuyện "xấu hổ" và "kinh dị" nhất trong những năm tháng ông Obama giữ chức Tổng thống.
Vào thời điểm đó, ông Obama đã ban hành sắc lệnh cải tổ luật nhập cư, ngăn chặn việc trục xuất khoảng 4,7 triệu người nhập cư bất hợp pháp, trong đó có nhiều người đã sinh con ở Mỹ. Ông Trump đã chỉ trích hành động này là vi hiến và kêu gọi Hạ viện Mỹ luận tội vị Tổng thống đương nhiệm.
"Mọi người có nghĩ rằng ông Obama thực sự muốn bị luận tội và trải qua những điều từng xảy ra với ông Bill Clinton không? Tất cả mọi chuyện sẽ rối tung hết cả. Ông ta có thể không nghĩ gì về điều đó - nhưng chuyện đó sẽ thực sự là một bộ phim kinh dị đối với ông ta. Nó sẽ là chuyện vô cùng xấu hổ, và được ghi lại trong sử sách vĩnh viễn", ông Trump nói.
Điều vị tỷ phú này không ngờ tới, đó là 5 năm sau, chính ông lại trở thành nhân vật chính trong cơn bão luận tội ở Nhà Trắng - trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Ủy ban Thẩm tra Dự luật của Hạ viện Mỹ hôm 17/12 (theo giờ Washington) đã chấp thuận việc tổ chức cuộc tranh luận dài 6 tiếng giữa hai đảng trong Hạ viện, trước khi phiên bỏ phiếu luận tội diễn ra.
Sáng 18/12 (theo giờ Washington), Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành phiên bỏ phiếu phê chuẩn các điều khoản luận tội Tổng thống Mỹ. Tuần trước, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã công bố 2 điều khoản luận tội ông Trump là các hành vi lạm quyền và cản trở Quốc hội.
Theo Hiến pháp, nếu phiên bỏ phiếu ngày 18/12 kết thúc với đa số phiếu thuận của Hạ viện (do đảng Dân chủ kiểm soát), ông Trump sẽ chính thức bị luận tội. Sau đó, ông Trump sẽ tiếp tục tham gia phiên xem xét về việc luận tội và phế truất tại Thượng viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát). Nếu có 67 Thượng nghị sĩ - tương đương 2/3 số phiếu - ủng hộ luận tội, ông Trump sẽ chính thức bị bãi nhiệm.