Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thông qua bản luận tội, nhưng quá trình bãi nhiệm ông còn hết sức phức tạp, Tổng thống D. Trump vẫn tin tưởng vào sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.
Cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài 14 giờ
Ngày 13/12, với 23 thành viên thuộc đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận, 17 thành viên đảng Cộng hoà bỏ phiếu chống, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua hai bản luận tội, theo đó Tổng thống Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở công việc của Quốc hội.
Cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức sau hai tháng điều tra về vụ được gọi là "Ukrainageit" và sau hai ngày Ủy ban này công bố một bản cáo trạng của Quốc hội đối với Tổng thống Donald Trump bao gồm hai điều: lạm dụng quyền lực và cản trở công việc của Quốc hội.
Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực trong việc gắn viện trợ quân sự cho Ukraine và tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Ukraine Volodimir Zelinsky với việc mở một cuộc điều tra về những nghi ngờ tham nhũng liên quan đến con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Cáo buộc cản trở công việc của Quốc hội liên quan đến việc ông Trump gây khó khăn cho việc điều tra, gây áp lực đối với các trợ lý hàng đầu của mình không được xuất hiện trước các ủy ban điều tra của Quốc hội, và Nhà Trắng từ chối mọi hợp tác với các cuộc điều tra.
Điều đáng chú ý là cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành sau một cuộc tranh luận diễn ra hết sức căng thẳng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ kéo dài 14 giờ về những cáo buộc đối với Tổng thống D. Trump. Các biện pháp của Hạ viện nhằm phế truất Trump đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính quyền Mỹ trong năm mươi năm qua.
Sự khác biệt trong kết quả bỏ phiếu của các thành viên hai đảng trong Uỷ ban Tư pháp không có gì ngạc nhiên, vì không có thành viên nào của đảng Cộng hòa bỏ phiếu cùng với đảng Dân chủ ủng hộ việc luận tội Trump.
Sự đồng thuận giữa các thành viên của Quốc hội là điều kiện cần thiết để có thể cách chức Tổng thống. Trước đây, các thành viên của hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đã không đạt được đồng thuận trong việc bãi nhiệm các Tổng thống bị luận tội.
Theo thủ tục, Uỷ ban Tư pháp sẽ báo cáo và nộp hồ sơ lên Hạ viện để tiến hành bỏ phiếu dự kiến vào ngày 18/12 tới. Nếu Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số bỏ phiếu chấp nhận luận tội Tổng thống, Thượng viện sẽ tổ chức một cuộc xét xử vào đầu năm 2020 để quyết định có phế truất Trump hay không. Nếu 2/3 Thượng viện, tức 66 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận thì Trump sẽ bị cách chức và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ đảm nhiệm chức vụ này đến khi tiến hành bầu cử Tổng thống mới vào tháng 11/2020.
Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có Tổng thống nào bị luận tội mất chức.
Kể từ khi thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ 240 năm trước đây, đã có 4 Tổng thống bị luận tội, nhưng tất cả đều không bị hạ bệ.
Năm 1842, Tổng thống John Tyler bị luận tội do ông phủ quyết các dự luật thuế quan của Quốc hội. Tuy nhiên, khi đưa ra bỏ phiếu miễn nhiệm ông tại Thượng viện đã có 127 phiếu phản đối và chỉ có 83 phiếu ủng hộ. Vụ việc đã được khép lại nhanh chóng.
Năm 1868, Tổng thống Andrew Johnson bị luận tội do ông cách chức Bộ trưởng Quốc phòng nổi tiếng lúc bấy giờ là Edmund Santon. Việc bãi nhiệm được Hạ viện thông qua, nhưng tại Thượng viện chỉ nhận được 65 phiếu, ít hơn một phiếu so với đa số cần thiết.
Năm 1973, do vụ bê bối Watergate, Tổng thống Richard Nixon đã quyết định từ chức trước khi đưa ra luận tội tại Thượng viện khi ông biết chắc rằng đa số các thành viên đảng Dân chủ không ủng hộ ông và đảng Cộng hoà khó có thể bảo vệ ông.
Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton bị luận tội tại Hạ viện do ông nói dối về mối quan hệ tình dục với Monica Lewinsky, một trong những thực tập sinh tại Nhà Trắng. Hạ viện đã chấp thuận luận tội, nhưng không giành được đa số 2/3 tại Thượng viện. Sau đó, sự nổi tiếng của Tổng thống Clinton đã tăng lên đáng kể.
Tổng thống D. Trump vẫn tin tưởng thắng cử nhiệm kỳ 2
Mặc dù Hiến pháp Mỹ có cơ chế để bãi nhiệm một tổng thống, nhưng nó không ngăn cản một tổng thống bị miễn nhiệm sau khi luận tội ra tranh cử hoặc được bầu lại vào Nhà Trắng. Như vậy, về lý thuyết, Trump vẫn có thể ra tranh cử và được bầu lại sau khi bị kết án tại Thượng viện.
Mặc dù đảng Dân chủ chiếm đa số và kiểm soát Hạ viện, nhưng thực tế vẫn không có gì đảm bảo rằng Trump sẽ bị buộc tội. Hơn nữa, việc kết án ông tại Thượng viện do đảng Cộng hoà chiếm đa số 53/100 ghế sẽ khó xảy ra.
Hiện nay, Trump đang giành được sự ủng hộ và tín nhiệm cao và việc ông nắm giữ toàn bộ bộ máy của đảng Cộng hoà có nghĩa là rất ít cơ hội cho bất kỳ thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nào có thể cạnh tranh với Trump và ông cũng biết rằng không có đồng nghiệp nào của ông với bất kỳ lý do gì để tranh giành quyền lực với ông
Theo cuộc thăm dò dư luận mới đây ở Mỹ, chỉ có 9,7% các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội của Trump.
Việc D. Trump được bầu lại cũng sẽ phụ thuộc vào Phó Tổng thống Mike Pence, người sẽ trở thành Tổng thống trong trường hợp ông Trump bị bãi nhiệm, không ra tranh cử với tư cách ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, D. Trump vẫn sẽ có nhiều cách tranh thủ lá phiếu của cử tri Mỹ để có thể tuyên thệ nhậm chức Tổng thống một lần nữa vào năm 2021 ngay cả khi Thượng viện sắp tới luận tội và bãi nhiệm ông.
Việc luận tội và bãi nhiệm Tổng thống đòi hỏi đa số 2/3, tức là 66 thành viên Thượng viện ủng hộ. Tại Hạ viện, đảng Dân chủ chiếm đa số với 235 ghế, đảng Cộng hoà 200 ghế. Trong khi đó tại Thượng viện đảng Cộng hoà lại chiếm đa số với 53 so với 47 ghế của đảng Dân chủ. Với thành phần hiện tại của Thượng viện, các nhà quan sát chính trị cho rằng, xác suất bỏ phiếu ủng hộ luận tội Trump hầu như bằng không. Người ta tin rằng Thượng viện với đa số thuộc về đảng Cộng hoà sẽ ngăn cản mọi cố gắng trong quá trình rút phiếu tín nhiệm và phế truất Tổng thống Trump.
Thành tựu của Tổng thống D. Trump
Có thể nói thành tựu chính của D. Trump đạt được là ở trong nước. Ngay từ đầu, ông đã tập trung mọi cố gắng để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của Mỹ và nhìn chung trong hơn hai năm qua, ông đã làm được nhiều việc và gặt hái được không ít thành công.
Với hàng loạt các chính sách mới, Tổng thống D. Trump đã đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng từ 2% lên 3,4%, mức cao nhất từ trước tới nay, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4% xuống mức kỷ lục 3,7%. Điều cơ bản được ghi nhận trong nửa nhiệm kỳ của ông là cải cách thuế. Chính quyền của ông đã quyết định giúp đỡ các doanh nghiệp Mỹ và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của họ. Thuế suất đã được giảm từ 35 xuống còn 21%. Ngoài ra, gánh nặng thuế đối với các công dân Mỹ có thu nhập hơn nửa triệu đô la một năm cũng đã được giảm.
Tốc độ tăng trưởng cao, sự vực dậy của các sàn giao dịch chứng khoán là công trạng của D. Trump. Nền kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng mạnh do dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán. Giới kinh doanh trong nước cũng như thế giới tin tưởng vào D. Trump, bởi vì ông cũng là một doanh nhân, một người trong thế giới kinh doanh. Không một tổng thống Mỹ nào đã làm được việc này thành công trong quá khứ.
Về đối ngoại, công bằng mà nói, mặc dù căng thẳng với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Venezuela.... thậm chí cả với các đồng minh NATO, nhưng đến nay dưới thời của Tổng thống D. Trump đã không xảy ra cuộc chiến tranh nào. Ngược lại, ông còn tìm cách giảm bớt sự có mặt quân sự ở Trung Đông, đàm phán với Triều Tiên, Taliban, sẵn sàng thương lượng với Iran, quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan.
Do những kết quả như trên, Tổng thống D. Trump vẫn được nhiều người dân Mỹ ủng hộ. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, bất chấp sự chống đối của đảng Dân chủ, ông D. Trump vẫn giữ nguyên được tỷ lệ tín nhiệm 40%, các chính sách của ông vẫn không bị bác bỏ.
Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra trên của đảng Dân chủ là "cuộc săn lùng phù thủy". Lãnh đạo đa số Cộng hoà trong Thượng viện Mitch McConnell nói, đảng Dân chủ vẫn đang tìm cách vô hiệu hóa kết quả bầu cử năm 2016 mà họ đã thua. Ông cho biết, ông tin rằng Thượng viện sẽ không thông qua được quyết định bãi miễn D. Trump và không có khả năng Tổng thống sẽ bị sa thải. Theo ông, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ không bỏ phiếu chống D. Trump.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng tỏ lo ngại rằng, một số thành viên đảng Dân chủ có thể sẽ chống lại sự luận tội Trump và các cử tri sẽ quay lưng lại với họ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2020.