Trang Politico đưa tin, Nhà Trắng đang cân nhắc một loạt hành động mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng Mỹ trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga.
Tổng thống Donald Trump luôn đề cao tầm quan trọng của năng lượng trong kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Trong những tuần gần đây, ông thường xuyên nhắc tới trọng tâm năng lượng của chính quyền, coi việc giá dầu – khí gas thấp là một thành công trong chính sách của mình, đồng thời là một dấu hiệu chứng tỏ ông không bị "lép vế" so với người đồng cấp nước Nga Vladimir Putin.
"Đây không chỉ về tăng trưởng kinh tế và quyền lực. Phần nhiều là về chính sách an ninh quốc tế, nhằm vào người Nga. Chúng ta có thể đánh bại họ," một quan chức cấp cao Mỹ nói với trang Politico.
Tuy nhiên, các chỉ thị mới của Tổng thống Trump được đánh giá là sẽ khó có thể làm đảo lộn những cáo buộc liên quan tới quan hệ của ông với Nga. Bất kỳ chính sách mới nào – có thể nằm trong một kế hoạch hạ tầng cơ sở lớn, vốn đang bị trì hoãn từ rất lâu – gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ Đảng Dân chủ và cả các lãnh đạo bang thuộc Đảng Cộng hòa, những người muốn bảo vệ tài nguyên của bang mình trước chính phủ liên bang. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cảnh báo, xuất khẩu của Mỹ hầu như không có cơ hội nào trước vị thế của Nga trên các thị trường lớn toàn cầu.
Đây không chỉ về tăng trưởng kinh tế và quyền lực. Phần nhiều là về chính sách an ninh quốc tế, nhằm vào người Nga.
Kể từ khi lệnh hạn chế xuất khẩu được dỡ bỏ vào năm 2015, Mỹ đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Nhưng trong khi đó, sản lượng dầu của Nga cũng đạt mức kỷ lục và xuất khẩu dầu thô của nước này chỉ đứng sau Arab Saudi. Nga cũng là nhà xuất khẩu khí gas hàng đầu thế giới, đặc biệt có ảnh hưởng tại châu Âu. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu của Nga sang châu Âu đạt kỷ lục và dự đoán sẽ tăng 50% trong thập kỷ tới.
"Chúng tôi muốn đánh bại vị thế của Nga trong lĩnh vực năng lượng châu Âu", quan chức Mỹ tiết lộ.
Tuy nhiên, bất chấp những áp lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn kế hoạch đường ống Nord Stream 2 từ Nga tới Đức, cũng như các chuyến đi ngoại giao của Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry tới Đông Âu với hy vọng mở rộng sản lượng xuất khẩu khí gas hóa lỏng của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, ngành công nghiệp năng lượng Mỹ sẽ chỉ có thể chiếm một thị phần khiêm tốn tại châu Âu. Và hầu hết các công ty Mỹ đều đang tập trung vào những thị trường có lợi nhuận lớn hơn tại châu Á.
Mức thuế 25% lên thép nhập khẩu khiến chi phí các dự án tại Mỹ tăng cao
"Điều này không tới lượt Nhà Trắng quyết định", Tim Boersma, từ Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu, thuộc Đại học Columbia đánh giá. "Đó là cuộc cạnh tranh giữa các công ty tư nhân với nhau".
Mặc dù vậy, theo ông Boersma, Nhà Trắng vẫn có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là khi nguồn cung toàn cầu và buôn bán khí gas tự nhiên đang gia tăng – đã làm thay đổi thị trường thế giới và ảnh hưởng tới kinh doanh của tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga là Gazprom.
Kể từ khi nhậm chức, những chính sách của Tổng thống Trump trong lĩnh vực năng lượng tỏ ra khá thiếu đồng nhất. Một trong những sắc lệnh đầu tiên của ông là đảo ngược lại quyết định phản đối của chính quyền Barack Obama đối với đường ống Dakora; đồng thời cấp giấy phép cho đường ống xuyên biên giới Keystone XL bất chấp những tranh cãi về mặt pháp lý… Tháng 8/2017, ông cũng thông qua việc rút gọn các quy trình đánh giá tác động môi trường và cấp phép cho dự án hạ tầng cơ sở, bao gồm cả xây dựng đường ống năng lượng. Tuy nhiên, một số dự án như Mountain Valley và Atlantic Coast đã phải đối mặt với rắc rối pháp lý vì bị cho là không có đủ các phân tích về môi trường.
Điều này không tới lượt Nhà Trắng quyết định. Đó là cuộc cạnh tranh giữa các công ty tư nhân với nhau.
Tim Boersma
Tuần trước, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nhóm họp về chiến lược khởi động một sáng kiến hạ tầng cơ sở lớn, và các đề xuất về năng lượng cũng nằm trong các chủ đề được nhắc tới.
Ngoài việc tăng tốc quá trình xây dựng các đường ống, Nhà Trắng cũng đang xem xét việc thay đổi một dự thảo hướng dẫn dưới thời Obama liên quan tới Đạo luật Nước sạch. Theo một nguồn tin giấu tên, động thái này nhằm kiểm soát các lãnh đạo bang theo phe Dân chủ, như Thống đốc bang New York Andrew Cuomo – người từng ngăn cản một số dự án năng lượng.
Tuy nhiên việc thay đổi trên gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với loạt thách thức pháp lý. "Giống như mọi chính phủ khác, họ [chính quyền Trump] rất lo ngại rằng, bất kỳ hành động nào họ làm sẽ trải qua xem xét pháp lý ngặt nghèo", Christopher Guith, Phó Chủ tịch về chính sách tại Viện Năng lượng toàn cầu thuộc Phòng thương mại Mỹ, nói.
Theo Politico, kết nối các tham vọng kinh tế và an ninh của Nhà Trắng với chính sách năng lượng mang tính rủi ro. Mỹ hiện đang khá hài lòng với giá gas, dầu thấp; do đó bất kỳ sự thay đổi nào – ngay cả khi không thuộc tầm kiểm soát của Tổng thống, ví dụ như tình hình tại Trung Đông chẳng hạn – có thể sẽ được các đối thủ sử dụng để chống lại chiến dịch tranh cử Tổng thống tiếp theo của ông Trump.
Ngoài ra, ngành công nghiệp năng lượng cũng đã phàn nàn rằng, mức thuế 25% của chính quyền Trump áp dụng lên thép nhập khẩu đã khiến chi phí một số dự án mới bị đội giá quá cao; trong khi việc đóng cửa chính phủ lại đang trì hoãn quy trình xin miễn thuế cho một số công ty như Exxon Mobil, Shell và BP…