Cuộc gặp mới nhất
Cuộc gặp nhau lần này của họ được dư luận để ý đến nhiều hơn cả bởi cả Nga lẫn Nhật Bản đều công khai nhấn mạnh mục tiêu chính của sự kiện là đàm phán về hiệp ước hoà bình, một văn kiện suốt từ hơn 70 năm nay vẫn ở ngoài tầm với của lãnh đạo hai nước.
Không có hiệp ước hoà bình này, mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trên danh nghĩa chính thức chưa được bình thường. Trên thực tế, văn kiện ấy không có ý nghĩa quyết định đối với cả hai bên bởi không có nó mà trong hơn 7 thập kỷ qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn phát triển, khúc mắc thì vẫn có nhưng không đối địch và đối đầu.
Ở trong cũng như bên ngoài hai nước này quan tâm đến hiệp ước hoà bình kia vì việc ký kết hiệp ước này bị phía Nhật Bản ràng buộc vào giải pháp cho cuộc tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril hiện do Nga quản lý.
Giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này là công đoạn khó khăn nhất trong quá trình đàm phán giữa hai bên về hiệp ước hoà bình. Năm ngoái, khi gặp nhau ở Singapore, ông Putin và ông Abe nhất trí với nhau là xúc tiến đàm phán về hiệp ước hoà bình trên cơ sở tuyên bố chung giữa Liên Xô và Nhật Bản ngày 19.10.1956.
Không có hiệp ước hoà bình, mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trên danh nghĩa chính thức chưa được bình thường. Ảnh: Reuters
Mục 9 trong ấy có nội dung là trong trường hợp hai bên ký kết được hiệp ước hoà bình thì Liên Xô sẽ chuyển giao cho Nhật Bản chủ quyền đối với 2 trong số 4 hòn đảo tranh chấp. Việc đàm phán tiếp theo để thực hiện tuyên bố chung này sau đấy bị ngưng trệ bởi Mỹ cản phá và bởi Nhật Bản ký kết với Mỹ hiệp ước về liên minh quân sự (ngày 7.1.1960).
Ở thời Chiến Tranh Lạnh, sau khi Tokyo để cho Mỹ sử dụng lãnh thổ của Nhật Bản để chống Liên Xô thì không có gì là khó hiểu khi Liên Xô không quan tâm gì nữa đến việc thực hiện tuyên bố chung kia với Nhật Bản.
Lúc này, Nhật Bản đã tự quyết định hoặc cũng có thể bị buộc phải lựa chọn quan hệ đồng minh quân sự chiến lược với Mỹ chứ không phải giải pháp cho cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Liên Xô.
Trong suốt gần 60 năm qua, bản tuyên bố này gần như bị quên lãng. Phía Liên Xô/Nga không còn sẵn sàng đánh đổi 2 hòn đảo lấy hiệp ước hoà bình với Nhật Bản và phía Nhật Bản muốn giành lấy cả 4 chứ không chỉ có hai trong số 4 hòn đảo ấy.
Sự nhất trí giữa ông Putin và ông Abe ở Singapore năm ngoái chỉ bao hàm ý sử dụng lại tuyên bố chung kia làm cơ sở cho đàm phán chứ không khẳng định lại hiệu lực chính trị cũng như pháp lý của tuyên bố ấy và càng không có ý thực hiện văn kiện ấy.
Nhật Bản khó đạt được mục đích
Phía Nhật Bản rất muốn giải quyết nhưng phía Nga lại không thể đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo
Hiện tại không hề thấy bóng dáng của khả năng thực tế là cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này được giải quyết như mong muốn của phía Nhật Bản. Phía Nhật Bản rất muốn giải quyết nhưng phía Nga lại không thể đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của Nhật Bản.
Nước Nga hiện tại khác biệt cơ bản so với Liên Xô vào thời điểm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Lợi ích của Nga ở việc duy trì chủ quyền đối với 4 hòn đảo này lớn hơn nhiều và cơ bản hơn nhiều cũng như thiết thực hơn nhiều so với lợi ích ở việc có được hiệp ước hoà bình với Nhật Bản.
Trong khi đó, nhu cầu giải quyết việc này lại càng ngày càng thêm cấp thiết đối với Nhật Bản bởi càng để lâu thì con bài "hiệp ước hoà bình với Nga" càng dễ bị mất giá và việc giành về 4 hòn đảo càng thêm khó khăn, phức tạp đối với Nhật Bản, tính bất khả thi của việc này càng thêm tăng.
Đi Nga lần này, ông Abe chủ ý vớt vát những gì có thể vớt vát được để trang trải nhu cầu đối nội, chấp nhận bỏ 4 trong kỳ vọng có thể được 2 bời thà chắc con chim sẻ trong tay còn hơn cứ ngóng vọng con bồ câu trên mái nhà.
Chỉ cần ông Putin nhượng bộ chút xíu thôi thì cũng đã đủ để trở thành thành công lớn đối với ông Abe trong chuyện này.
Ông Abe có nhu cầu trong việc xây dựng hình ảnh là người kiên định đòi đảo cho Nhật Bản để gia tăng uy tín ở trong nước.
Ông Putin thả mồi thế thôi để giữ cầu quan hệ song phương và thúc đẩy những ý tưởng giài pháp mới hay cách tiếp cận khác trong chuyện này chứ sẽ không nhượng bộ ông Abe, trước hết cũng vì nhu cầu đối nội như ông Abe.
Cả hai chắc chắn không ảo tưởng là cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết và hiệp ước hoà bình sẽ được ký kết trong thời gian tới nhưng khích lệ cử tri ở hai nước tin như vậy, kỳ vọng như vậy và thậm chí cả ảo tưởng như vậy.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại