Nhắc đến Tuấn Hưng, chắc hẳn có rất nhiều người yêu thích chàng ca sĩ "menly" nhất nhì showbiz Việt này. Ngoài tài ca hát, anh còn được biết đến là một khán giả cuồng nhiệt của bóng đá, ông bầu và là cầu thủ của một đội bóng phủi.
Tình yêu bóng đá của anh có lẽ được nhiều người biết đến nhất từ cái lần "xuống tóc" sau thất bại của bóng đá Việt Nam.
Tuấn Hưng xuống tóc
Và với sự kiện kết nối để Nghiêm Xuân Tú sang Đức lần này, có lẽ người hâm mộ bóng đá nước nhà lại một lần nữa phải nhắc đến tên Tuấn Hưng với niềm cảm phục.
Sự kiện này có thành công hay không thì chưa biết, nó còn phụ thuộc vào sự thể hiện của Nghiêm Xuân Tú khi thử việc ở trời Âu.
Nhưng chúng ta có thể vui mừng mà tin rằng, ở đây sẽ không có biểu hiện của một mối quan hệ thương mại, không có những ông bầu, doanh nhân đứng phía sau chỉ đạo, tất cả thuần túy là về chuyên môn.
Nghiêm Xuân Tú sẽ sang Đức thử việc thuần túy về chuyên môn.
Sau khi cảm phục Tuấn Hưng rồi, có lẽ những người hâm mộ bóng đá chúng ta cũng nên nhìn nhận lại bản thân mình. Liệu những người tự xưng là yêu bóng đá, là cổ động viên bóng đá như chúng ta có thể hiện chút trách nhiệm nào với nền bóng đá nước nhà hay chưa?
Chúng ta thường xuyên theo dõi bóng đá, chỉ trích, chê bai mỗi khi đội nhà gặp thất bại. Chúng ta cho rằng V-League chẳng có gì đáng xem, chỉ là Võ League.
Chúng ta mặc định một cầu thủ bán độ, dính tiêu cực, nếu chẳng may anh ta thi đấu tồi hay vô tình phản lưới nhà. ... Liệu đó có phải là hành động của một người yêu bóng đá đích thực?
Ngay như mới vừa đây, khi ông HLV Hữu Thắng ngỏ lời "nhờ vả" mọi người giới thiệu cho ông các gương mặt sinh năm 1995 có phong độ cao để bổ sung lên tuyển, thì đã có rất nhiều bài viết, bình luận chỉ trích ông.
Nhiều người cho rằng đó là lời nhờ vả khó nghe, việc giới thiệu người là trách nhiệm của các phòng ban VFF, VPF, các huấn luyện viên, không thể nhờ vả người khác.
Đúng là trách nhiệm chính nghiễm nhiên phải thuộc về những người làm bóng đá. Nhưng chúng ta cũng không thể đứng ngoài.
Một nền bóng đá chuyên nghiệp là tổng hòa của những người làm bóng đá và những người xem bóng đá. Mỗi cá nhân đều có tác động đến sự vận động của nền bóng đá đó.
Tuấn Hưng cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày và anh cũng có công việc phải lo nghĩ, gia đình để chăm sóc nhưng vẫn luôn hết mình với bóng đá.
Sẽ có người nói rằng, Tuấn Hưng là ca sĩ, quan hệ rộng, lại đi châu Âu như cơm bữa thì có cơ hội quảng giao, giới thiệu nền bóng đá Việt, còn chúng ta phần lớn chỉ là người bình thường, giúp được gì?
Đúng là không phải ai cũng có điều kiện làm những việc như Tuấn Hưng đã làm.
Nhưng làm việc nhỏ còn hơn là không làm, chẳng hạn đi xem một trận đá phủi, thấy cầu thủ này đá quá hay, quay clip lại và gửi cho một HLV bóng đá hoặc một nhà báo thể thao mà chúng ta quen biết, dù có thể chỉ quen qua facebook, đó cũng là một cách.
Hoặc đơn giản nhất, ai cũng có thể làm được, là bớt ném đá, bớt chửi bới và chỉ trích đi, để tâm lý cầu thủ được yên ổn. Dừng phán xét và cổ vũ tinh thần họ nhiều hơn. Hãy cùng nhau xây dựng nền bóng đá, chứ đừng đập phá và vùi tất cả xuống bùn đen.