Từ vụ xe container đâm Innova lùi trên cao tốc, thủ tục Giám đốc thẩm thực hiện thế nào?

Luật gia Đồng Xuân Thuận |

Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

Liên quan đến vụ xe container đâm Innova chạy lùi trên cao tốc, trao đổi với Dân trí sáng 5/11, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND Tối cao - khẳng định, cơ quan này sẽ rút hồ sơ, xem xét lại bản án.

"Theo thẩm quyền, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Khi dư luận ồn ào như vậy, chúng tôi đã yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét. Bản thân TAND Tối cao cũng đã giao bộ phận nghiên cứu hồ sơ vụ án này"- ông Tuệ nói.

Ông Tuệ khẳng định, vụ án đã trải qua quá trình tố tụng của 3 cơ quan và được làm rất kỹ. Riêng toà án cũng đã qua 2 cấp xét xử. "Chúng tôi rất hoan nghênh báo chí đã đưa ra vấn đề, nhưng để đưa ra kết luận phải cân nhắc tất cả mọi thứ.

Chúng tôi đã yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên gửi hồ sơ ra để chúng tôi xem rồi. Còn TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng xem theo thẩm quyền của người ta"- ông Tuệ thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, vợ của tài xế xe container Vũ Thị Thúy (SN 1989, thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long, Đông Hưng, Thái Bình) cho biết rất vui khi biết tin TAND tối cao đã yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét theo trình tự giám đốc thẩm vụ án của chồng chị.

"Hiện, tôi và các luật sư đã soạn các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án. Khi có bản án phúc thẩm thì chúng tôi sẽ kháng nghị lên giám đốc thẩm", chị Thúy chia sẻ.

Vậy, theo quy định của pháp luật thì thủ tục Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự như thế nào?

Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra phán quyết sơ thẩm thì các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền "kháng cáo" phán quyết sơ thẩm; phía Viện kiểm sát thì có quyền "kháng nghị".

Nếu hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà các chủ thể có quyền không tiến hành kháng cáo hoặc kháng nghị thì bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực.

Mặt khác, nếu các chủ thể tiến hành kháng cáo, kháng nghị và được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý thì quá trình xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra. Phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm sẽ là phán quyết của cấp xét xử cuối cùng và có hiệu lực ngay.

Tuy nhiên, phán quyết sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật và phán quyết phúc thẩm sau khi tuyên cũng có thể bị xem xét lại bởi các thủ tục đặc biệt (không phải cấp xét xử) là "Tái thẩm" và "Giám đốc thẩm".

Theo đó, Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

Các căn cứ để kháng nghị

Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Chủ thể có quyền kháng nghị

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thẩm quyền giám đốc thẩm

Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền Giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và theo quy định tại Điều 382 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Trình tự, thủ tục kháng nghị

Bước 1: Khi phát hiện vi phạm pháp luật trong thủ tục tố tụng, người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiềp với người có quyền kháng nghị hoặc Tòa án, VKS nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).

Văn bản thông báo phải có đủ các nội dung sau:

- Ngày, tháng, năm.

- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo.

- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật.

- Nội dung vi phạm pháp luật được phát hiện.

- Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị. Văn bản này phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người thông báo, nếu cơ quan, tổ chức thông báo thì người đại diện phải ký tên và đóng dấu.

Bước 2: Khi nhận được thông báo, Tòa án, VKS phải vào sổ. Trường hợp trình báo thì các cơ quan này phải lập biên bản. Nếu có chứng cứ, tài liệu và đồ vật thì phải được lập biên bản thu giữ.

Bước 3: Cơ quan nhận thông báo phải gửi ngay văn bản, chứng cứ, tài liệu, đồ vật hoặc biên bản đến cơ quan có quyền kháng nghị, đồng thời thông báo cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.

Bước 4: Tòa án, VKS xem xét kháng nghị yêu cầu Tòa án đang lưu giữ, quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án.

Thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án đang quản lý phải chuyển hồ sơ cho Tòa án, VKS đã yêu cầu.

Nếu Tòa án và VKS cùng có văn bản yêu cầu thì Tòa án đang quản lý chuyển hồ sơ cho cơ quan nào yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau.

Bước 5: Trường hợp xem xét căn cứ đó là đúng thì người có quyền kháng nghị sẽ ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định.

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.

Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.

Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm

Nếu kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong hạn 1 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án chết mà cần minh oan cho họ.

Thời hạn mở phiên tòa Giám đốc thẩm

Trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiê tòa Giám đốc thẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại