Không chấp hành hiệu lệnh, chống người thi hành công vụ, xử phạt thế nào?

Lê Huy |

Khi đi trên đường, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải tuân thủ theo hiệu lệnh của Cảnh sát Giao thông.

Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 171/2013/NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Có nhiều trường hợp người điều khiển xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị thổi phạt nhưng không dừng xe theo hiệu lệnh của CSGT, cố tình bỏ chạy.

Đây là những hành vi vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người khác.

Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định về việc tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ, thì hiệu lệnh dừng phương tiện của CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm bằng tay, gậy chỉ huy giao thông; còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra; đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn.

Khi có một trong các tín hiệu nói trên, người điều khiển xe phải dừng xe theo hiệu lệnh, dù mình có hành vi vi phạm hay không.

Trong trường hợp không chấp hành thì theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đây bị coi là hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”.

Tùy theo từng loại phương tiện khác nhau mà mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT có thể khác nhau.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, thì bị phạt tiền từ 800.000 - 1,2 triệu đồng.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy, mức phạt tiền sẽ là từ 200.000 - 400.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Trên thực tế, nhiều đối tượng hết sức manh động, khi bị CSGT dừng xe, đã tăng tốc, cố tình đâm vào CSGT, gây hậu quả nghiêm trọng.

Một số khác trở thành những “tay đua” tốc độ, lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường và gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, thậm chí có người bị tử vong. Với tính chất đặc biệt nguy hiểm này, những hành vi trên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, những người cố tình đâm xe vào CSGT có thể bị truy cứu tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt tù có thể lên đến 7 năm.

Nếu người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh mà bỏ trốn, để xảy ra tai nạn giao thông, làm thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị coi là một tình tiết định khung tăng nặng của tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm (điểm d khoản 2 Điều 202 BLHS).

Chạy trốn, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát Giao thông không chỉ bị xử phạt hành chính mà việc làm này còn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho chính bản thân và người đi đường xung quanh.

Vì vậy, khi có hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát Giao thông, người tham gia giao thông nên tuyệt đối chấp hành.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại