Mới đây, xuất hiện thông tin 2 trọng tài Việt Nam từ chối bắt trận lượt về Tứ kết Cúp quốc gia giữa Hà Nội vs HAGL (19h00 hôm nay, 15/5) vì sợ phải hứng chịu áp lực như người đồng nghiệp Ngô Duy Lân.
Dù sau đó, Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền đã lên tiếng cải chính, cho rằng 2 vị trọng tài kia từ chối nhiệm vụ vì lý do cá nhân, thì vẫn có đâu đó những tranh cãi về tâm lý của Vua áo đen Việt Nam.
Thực tế, vấn đề này không hề mới. Trong bóng đá Việt Nam, đã rất nhiều lần giới trọng tài chịu những đợt công kích mạnh mẽ, và người ta cũng đều phải lo ngại liệu các ông Vua sân cỏ có bị ảnh hưởng tâm lý hay không.
Vua sân cỏ là cái tên ưu ái đặt cho trọng tài bóng đá. Thế nhưng, quyền cao luôn đi kèm với thách thức. Thời nào cũng vậy, trọng tài không chỉ chịu áp lực trên sân cỏ mà sau trận đấu còn là chuyện đối mặt với truyền thông và dư luận.
Trọng tài thời mạng xã hội bùng nổ nhiều lúc khốn khổ vì chỉ cần ra quyết định gây tranh cãi nào đó sẽ lập tức bị lực lượng fan cuồng kéo vào tận trang cá nhân để làm loạn. "Khi bạn đúng, chẳng ai nhớ. Nếu bạn sai, không một ai quên" là câu nói mang tính chất khái quát nhất cho phận làm dâu trăm họ của những vị vua áo đen.
Rèn tâm lý cho trọng tài ở châu Âu thế nào?
Ở châu Âu, công tác rèn luyện tâm lý và kỹ năng ra quyết định của trọng tài được chú trọng để hạn chế những sai sót.
Vào năm 2016, Viện khoa học thể thao thuộc Đại học Bern (Thuỵ Sĩ) đã làm một cuộc nghiên cứu với nội dung: "Các vấn đề tâm lý trong công tác điều hành trận đấu: Cuộc phỏng vấn với những trọng tài cấp cao". Mục đích của cuộc nghiên cứu là chỉ ra những vấn đề chính mà trọng tài đang gặp phải.
Từ mục đích này, các cuộc phỏng vấn được tiến hành để thu thập dữ liệu từ 19 trọng tài ưu tú và 4 trọng tài hạng nhất đến từ 17 quốc gia ở châu Âu, trong đó có rất nhiều cái tên nổi tiếng như Mark Clattenburg, Cuneyt Cakir, Victor Kassai, Bjorn Kuipers, Damir Skomina, Michael Oliver, Martin Atkison, Deniz Aytekin, Gianluca Rocchi và Tagliavento.
Danh sách các trọng tài tham gia nghiên cứu
Thông qua phân tích nội dung phỏng vấn, Viện khoa học thể thao Bern rút ra những chủ đề sau: 1. Công tác chuẩn bị trước trận, 2. Những khó khăn trong việc ra quyết định, 3. Giao tiếp thông qua tai nghe, 4. Kỹ năng ra quyết định và 5. Tập luyện kỹ năng ra quyết định.
1. Công tác chuẩn bị trước trận đấu
Trước thềm các trận đấu, tổ trọng tài phải làm công việc tìm hiểu về đặc điểm cụ thể của hai đội bóng và nhóm họp nội bộ tổ công tác.
Theo đó, trọng tài chính và các trợ lý sẽ được cung cấp thông tin về thói quen của cầu thủ hai đội. Đặc biệt hơn, 19 trong 23 trọng tài tham gia nghiên cứu được nhắc nhở đề cao cảnh giác về những hành vi xấu của cầu thủ.
Trọng tài Damir Skomina cho hay: "Nhất định bạn phải biết, ví dụ, cầu thủ số 7 hay làm trò này, hoặc hậu vệ số 2 có thói quen ôm ghì, kéo, đẩy đối thủ khi chống phạt góc".
Bên cạnh tìm hiểu thói quen của cầu thủ, các trọng tài cũng cố gắng hấp thụ chiến thuật của hai đội. "Chúng tôi thường nghiên cứu lối chơi của hai đội, cách họ thực hiện quả phạt góc, quả đá phạt trực tiếp hay quả phát bóng lên. Có rất nhiều công việc mà trọng tài phải làm trước trận đấu", trọng tài Pedro Proenca từng bắt chung kết Champions League và Euro 2012 tiết lộ.
Trọng tài Pedro Proenca chia sẻ các ông Vua áo đen cũng cần nghiên cứu kĩ chiến thuật của đôi bên.
9 trong 23 trọng tài tham gia khảo sát đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thảo luận nội bộ tổ điều hành vào thời điểm vài giờ trước khi trận đấu bắt đầu. "Vua thẻ" Cuneyt Cakir cho hay:
"Chúng tôi ngồi lại với nhau để nói về hai đội và chiến lược của họ. Ví dụ, đội thuộc nhóm cuối bảng và đội thuộc nhóm đầu bảng sẽ có những chiến lược khác biệt. Từ tính chất đặc trưng của mỗi trận đấu, chúng tôi mường tượng ra phương án cầm còi cho phù hợp".
5 trọng tài thường xuyên trao đổi với trợ lý của họ, kể cả trong ngày nghỉ, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trận đấu tiếp theo. Vua áo đen Ivan Bebek (Croatia) cho biết:
"Nhóm chat của tôi với 6 trợ lý luôn rộn ràng khi tất cả cùng xem một trận đấu. Chúng tôi nhận xét về các tình huống và liên tục đặt câu hỏi "Tại sao lại như thế? Tại sao chuyện đó xảy ra? Xử lý thế nào? Thổi như trọng tài kia có hợp lý không?"".
2. Giao tiếp qua tai nghe
Thảo luận liên tục với các trợ lý là cách tốt nhất để điều hành trận đấu trơn tru. Tất cả trọng tài đều khẳng định nếu thiếu tai nghe, họ không thể cầm còi hoặc sẽ ra những quyết định đầy cảm tính và đầy áp đặt.
Tổ trọng tài không bao giờ nói những câu dài vì điều đó sẽ khiến đồng nghiệp bỏ lỡ từ quan trọng. Họ chỉ dùng từ khoá, từ chuyên môn hay câu ngắn, đại loại như "penalty", "thẻ vàng", "đá phạt"…
Tuy nhiên, tần suất lặp lại sẽ tác động đến quyết định của trọng tài. Nếu trợ lý nói "penalty" một lần, nó thể hiện ông ta cũng đang phân vân. Nhưng nếu nhắc lại 3 lần, trọng tài chính phải hiểu trợ lý của mình vừa đưa ra đề xuất rất chắc chắn.
Chỉ có một nửa trong số 23 trọng tài được đào tạo kỹ năng sử dụng tai nghe, nửa còn lại cải thiện kỹ năng thông qua điều khiển trận đấu thực tế. Với những trọng tài được rèn kỹ năng giao tiếp tai nghe, họ sẽ được cung cấp một bộ hướng dẫn với đầy đủ từ khoá thường dùng.
3. Kỹ năng ra quyết định
Tất cả trọng tài tham gia cuộc nghiên cứu đều đồng tình: làm việc nhóm (teamwork) với các trợ lý của họ là biện pháp quan trọng nhất để đưa ra quyết định đúng đắn.
Vua áo đen Craig Thompson người Scotland nói về teamwork: "Bạn nói chuyện với các trợ lý của mình để chia sẻ trách nhiệm, đặc biệt trong những tình huống ở khu cấm địa vì bạn không thể nhìn thấy mọi thứ.
Chúng tôi có niềm tin lớn lao với các đồng nghiệp. Trong trận đấu, chúng ta chỉ phải hoàn toàn tập trung làm những việc mình chịu trách nhiệm và có khả năng nhìn thấy".
Trọng tài Cuneyt Cakir luôn chú ý tới những cầu thủ hay "có vấn đề".
Để thổi những tiếng còi đúng, trọng tài luôn chăm chú theo dõi những cầu thủ đáng nghi ngờ. Việc này được 22 trọng tài làm thường xuyên. Trong những tình huống cố định, họ chủ yếu quan sát "cầu thủ có vấn đề".
Trọng tài Cuneyt Cakir chia sẻ: "Tôi luôn tập trung theo dõi hành vi cầu thủ. Và nếu phát hiện ra người nào có vấn đề, tôi sẽ hướng sự chú ý cao độ vào người đó".
Để đưa ra quyết định đúng đắn, họ cũng phải chọn cho mình những vị trí tốt nhất. Trọng tài Ivan Bebek nói với Viện khoa học thể thao Bern: "Vị trí sai của bạn có thể tạo ra một mớ hỗn độn. Một quả penalty rõ ràng nhưng bạn không nhìn thấy nó bởi vì bạn đứng lệch 2 mét sang bên phải thay vì đứng lệch sang bên trái 2 mét".
Phương pháp di chuyển của trọng tài
4. Rèn luyện kỹ năng ra quyết định
Tập luyện ra quyết định gồm tập luyện trong trận đấu giả lập, tập luyện với video và rèn tâm lý.
Ở phương pháp tập luyện trong trận đấu giả lập, trọng tài sẽ tập cùng cầu thủ. Các cầu thủ thi đấu một trận giả và tạo ra những tình huống khác nhau như phạm lỗi trong khu cấm địa, nhận bóng trong thế việt vị hoặc không việt vị để trọng tài hoặc nhóm trọng tài đánh giá.
Tuy nhiên, các trọng tài tham gia phỏng vấn với Viện khoa học thể thao Bern cho biết họ tập luyện theo phương pháp này không quá 2 lần mỗi năm. Trọng tài Michael Oliver cho biết: "Phương pháp này khá lạ lẫm với tôi, vì mỗi năm ở Anh tôi chỉ tập với cầu thủ khoảng 2 lần".
Thay vào đó, 14 trong tổng số 23 trọng tài tiết lộ rằng họ chủ yếu cải thiện kỹ năng ra quyết định trong các trận đấu thực tế. Vua áo đen Svein Oddvar Moen người Na Uy nói: "Ngoài những trận đấu thực tế, tôi không rèn kỹ năng ra quyết định bằng phương pháp nào hết".
Chỉ có một số rất ít trọng tài trau dỗi kỹ năng thông qua hoạt động với nhóm đồng nghiệp của họ. Trọng tài Clement Turpin người Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp này:
"Tôi chắc chắn nó cần thiết. Chúng tôi cùng nhau kiểm tra kỹ hình ảnh và video clip về tình huống. Nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng ra quyết định, bạn phải thực hành tình huống theo một nhóm".
Phương pháp rèn luyện kỹ năng ra quyết định phổ biến nhất là phân tích video. 20/23 trọng tài thường xuyên phân tích video để cải thiện kỹ năng của mình. Công cụ phổ biến nhất, được 11/23 trọng tài sử dụng là nền tảng web "Nhận thức sự hoàn hảo" của FIFA.
Trang web này cung cấp những đoạn video clip tình huống bàn thắng/không có bàn thắng, việt vị/không việt vị, đá phạt góc, phạt trực tiếp… dưới góc nhìn của trọng tài biên.
Hơn thế nữa, 10 trong tổng số 23 trọng tài thường xuyên phân tích video trận đấu họ cầm còi. Trọng tài Mirolad Mazic người Serbia chia sẻ: "Thành thật mà nói, tôi phân tích rất nhiều thứ sau mỗi trận đấu mình tham gia. Tôi phân tích cùng các đồng nghiệp, chúng tôi cố gắng cải thiện kỹ năng để sẵn sàng cho trận đấu tiếp theo".
Tuy nhiên, 9 người trong số này cho rằng chỉ cần xem các trận đấu trên TV cũng là luyện tập, chứ không cần phải kỳ công phân tích kỹ trận đấu mình cầm còi. Trọng tài Bjorn Kuipers nói lên quan điểm của ông:
"Mỗi ngày tôi đều rèn khả năng ra quyết định, bởi vì tôi xem rất nhiều trận đấu khác nhau. Tôi tự đặt mình vào trận đấu đó, tự cảm nhận và thử xem mình sẽ thổi thế nào trong những tình huống cụ thể".
Ngoài những biện pháp kể trên, 5 trọng tài trong số những người được phỏng vấn còn sử dụng đĩa CD "UEFA RAP", tức chương trình hỗ trợ trọng tài của UEFA được cập nhật 2 lần mỗi mùa. Đĩa này có đầy đủ hướng dẫn thực hành luật, chiếc đĩa được coi là kim chỉ nam cho tiếng còi của trọng tài.
Vua áo đen Ivan Bebek người Croatia tổng kết: "Chúng tôi có hướng dẫn về mọi thứ trong cái đĩa CD này. Thế nên, nó thực sự là ngọn đuốc soi đường. Bạn phải cố áp dụng mức phạt theo hướng dẫn của đĩa CD, vì nó là quyết định của Uỷ ban trọng tài UEFA".
Ngoài ra, có 10 trọng tài sử dụng phương pháp hình ảnh để rèn luyện cho trí óc. "Tôi đặt những cái marker trên sân rồi tưởng tượng những trường hợp có thể xảy ra. Tôi chạy, tôi cố gắng nói to, tôi hình dung và thảo luận quyết định của mình với trợ lý, chẳng hạn "Theo tôi đấy là một quả penalty, còn anh thấy sao?", trọng tài Clement Turpin (Pháp) chia sẻ.
5. Những khó khăn ảnh hưởng đến khâu ra quyết định
23 trọng tài khái quát ra những khó khăn sau ảnh hưởng đến quyết định của họ, đó là: hạn chế của con người, bóng đá phát triển quá nhanh, áp lực, lơ mơ về luật và cầu thủ gian lận.
21 trong 23 trọng tài tham gia nghiên cứu khẳng định họ không nằm ngoài những hạn chế của con người. "Chúng tôi không hoàn hảo vì chúng tôi cũng là con người, vì vậy sẽ có những sai lầm và đôi khi chúng ta phải chấp nhận điều đó", trọng tài William Collum nói.
Có 5 trọng tài quả quyết rằng giới hạn về thể chất ảnh hưởng đến những tiếng còi. "Trong trận đấu, bạn sẽ bị mệt mỏi, mệt mỏi về tinh thần và mệt mỏi về thể chất. Cơ thể của bạn sẽ chỉ làm những gì nó có thể làm được. Bạn không thể đứng ở hai nơi cùng một lúc", Michael Oliver, trọng tài tốt nhất nước Anh hiện nay cho biết.
Trọng tài ngày nay phải chịu nhiều rắc rối xung quanh những quyết định của họ trên sân cỏ.
Sự phát triển với tốc độ vũ bão của bóng đá hiện đại mang đến nhiều khó khăn cho trọng tài. "Bóng đá ngày càng nhanh hơn so với trước kia. Đôi lúc bạn không thể xác định nổi đấy là lỗi thật sự hay cầu thủ chỉ đang làm quá lên. Do đó, các quyết định nằm trên một ranh giới rất mong manh", một trọng tài giấu tên khi tham gia nghiên cứu cho hay.
Sự phát triển của công nghệ truyền hình cũng đặt nhiều áp lực lên trọng tài. Hàng chục ống kính máy ảnh và ống kính truyền hình chĩa vào sân có thể ngay lập tức làm rõ những sai sót của trọng tài khi nó xảy ra. Tất cả vấn đề hay lỗi lầm đều được sáng tỏ khi khán giả xem lại qua nhiều góc quay. Trọng tài Victor Kassai cho rằng đây là thách thức lớn nhất đối với giới cầm cân nảy mực.
Áp lực có thể bóp méo tiếng còi. Áp lực là điều quá đỗi quen thuộc với những vị Vua áo đen. Trọng tài Alberto Undiano Mallenco người Tây Ban Nha nói lên nỗi khổ khi cầm còi ở xứ Đấu bò:
"Làm trọng tài ở đất nước tôi khó khăn và khổ sở vô cùng vì bóng đá là tôn giáo của người dân còn truyền thông thì luôn khắt khe với trọng tài". Một số trọng tài cảm thấy mệt mỏi vì áp lực từ các đội bóng và liên đoàn, bởi họ bị thúc ép phải liên tục cải thiện kỹ năng để cầm còi tốt hơn.
Thực trạng lơ mơ về luật bóng đá xuất phát từ việc phần lớn trọng tài chỉ coi cầm còi là nghề tay trái và họ còn có những công việc khác, như lời thừa nhận của Vua áo đen Alexey Kulbakov (Bulgaria): "Tôi có công việc kinh doanh riêng. Trọng tài không phải nghề chính". Nhiều trọng tài làm cảnh sát hay nhân viên ngân hàng ngoài giờ cầm còi.
Quỹ thời gian eo hẹp khiến trọng tài đôi lúc không hiểu cặn kẽ về luật. Mark Clattenburg, trọng tài hay nhất thế giới năm 2016 than thở: "Chúng tôi không phải trọng tài toàn thời gian. Vì thế có sự mất cân bằng trong thời gian dành cho công việc chính với công việc trọng tài, hay giữa việc trọng tài với cuộc sống gia đình. Tôi có con nhỏ và bạn biết đấy, quỹ thời gian cực kỳ eo hẹp".
Gian lận cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khâu ra quyết định của trọng tài. Gian lận là vấn đề muôn thuở trong bóng đá, trở thành bản sắc của bộ môn này. Trọng tài Alberto Undiano Mallenco người Tây Ban Nha nói:
"Thỉnh thoảng cầu thủ lại cố lừa gạt trọng tài, đặc biệt ở những tình huống trong khu cấm địa. Một cú ngã của họ trong vùng 16,5 mét luôn mang đến bài toán khó cho chúng tôi, vì nhiều khi không thể biết họ ngã thật hay ngã vờ. Nhiều cầu thủ còn rèn luyện kỹ năng đánh lừa trọng tài".
Cảm xúc cá nhân cũng ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài, nhưng chỉ là thiểu số. Vua áo đen là những cỗ máy, luôn phải cố đặt cảm xúc sang một bên để ra những quyết định lạnh lùng nhất.
Thủ thành Gianluigi Buffon từng mắng trọng tài Michael Oliver "đặt thùng rác trong buồng tim" nhưng sự công tâm là yêu cầu hàng đầu với trọng tài.
Trong 23 người tham gia nghiên cứu, chỉ có 4 người lo ngại rằng cảm xúc cá nhân là nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến quyết định của họ. Nổi tiếng với những phán quyết lạnh lùng, "Vua thẻ" Cuneyt Cakir đưa ra lời khuyên:
"Các đồng nghiệp của tôi cần tránh biểu lộ cảm xúc. Ví dụ, một cầu thủ ghi bàn rồi cởi áo ăn mừng. Trên áo có ghi thông điệp đầy ý nghĩa ‘Chấm dứt chiến tranh, chúng tôi muốn hòa bình’. Tuy nhiên, công việc của chúng ta là phạt họ một chiếc thẻ vàng. Dĩ nhiên, tôi không muốn rút thẻ trong tình huống này. Nhưng hành vi đó đã được ghi rõ trong luật".
V.League 2015: HAGL 3-2 Hà Nội T&T