“Tử thần đen”: Những chiến dịch nổi danh nhất của lính thủy đánh bộ Nga

Bảo Lam |

Trong hơn 310 năm lịch sử hình thành, lính thủy đánh bộ Nga đã tham gia hàng trăm trận đánh, lập nhiều chiến công lẫy lừng và không ít lần khiến kẻ địch phải kinh hồn bạt vía.

Mũ nồi đen, chiếc mỏ neo in trên tay áo … đó là những dấu hiệu đặc trưng của lính thủy đánh bộ Nga. Đây là đơn vị bảo vệ lãnh hải trực thuộc Hải quân Nga, một phần lực lượng tinh nhuệ của Quân đội Nga và được so sánh ngang với lính dù và lính đặc nhiệm.

Trong hơn 310 năm lịch sử hình thành, các lính thủy đánh bộ đã tham gia hàng trăm trận đánh, lập nhiều chiến công lẫy lừng và không ít lần khiến cho kẻ địch phải tháo chạy bởi sự xuất hiện của họ.

Trong danh sách chiến tích của lực lượng này phải kể đến những cuộc chiến như: Chiến tranh phương Bắc với Thụy Điển, cuộc tấn công Korfu và Ismail, chuyến hải trình của Đô đốc Ushakov, Trận đánh Borodino, Chiến dịch quân sự Crimea và Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, 2 cuộc Thế chiến và những cuộc xung đột vũ trang trong vài chục năm gần đây.

Chiến dịch đổ bộ lên Yevpatoria

Ban đầu, trong thành phần các lực lượng vũ trang của nước Nga Xô Viết, lính thủy đánh bộ không tồn tại như một đơn vị riêng biệt. Ban lãnh đạo đất nước, do quá để tâm tới cuộc nội chiến và quá trình công nghiệp hóa, đã không nhận thấy sự cần thiết của các đơn vị này.

Các lực lượng ưu tiên vào thời điểm đó là tăng thiết giáp và không quân, còn hải quân, về bản chất, chỉ đảm nhận chức năng hỗ trợ. Chỉ tới tháng 7/1930 mới có một lữ đoàn đặc nhiệm được thành lập tại Baltic. Mùa đông năm 1940, đơn vị được đặt tên là Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 1.

Đơn vị này tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh Liên Xô - Phần Lan. Họ tham gia vào các cuộc đổ bộ lên đảo Gogland, Seskar… Khi đó, người ta mới hiểu rằng Liên Xô cần các đơn vị như thế.

Một trong những trang sử hào hùng của lính thủy đánh bộ Liên Xô đó là cuộc đổ bộ nổi tiếng lên Yevpatoria (Crimea) vào tháng 1/1942 sau cuộc đột kích thành công 1 tháng trước đó của các lính hải quân Nga ẩn náu tại Sevastopol.

Khi đó, đơn vị gồm 56 lính thủy đánh bộ dưới sự chỉ huy của đại úy Vasily Topchiev đã đổ bộ lên Yevpatoria bằng hai chiếc xuồng máy, đánh bại lực lượng hiến binh và một đồn cảnh sát, phá hủy chiếc máy bay của Đức ở sân bay và vài chiếc tàu, xuồng của địch ở bến cảng. Ngoài ra, họ còn cứu sống 120 tù binh và trở về Sevastopol một cách an toàn.

Ban lãnh đạo Liên Xô đã đánh giá cao kết quả của cuộc đột kích này và quyết định tổ chức một chiến dịch mới quy mô hơn. Ngày 5/1/1942, nhóm thứ hai, vẫn dưới sự chỉ huy của đại úy Topchiev, đã đổ bộ lên cảng Yevpatoria.

Đáng tiếc, họ đã không thu được thành công như lần đầu. Người Đức nhanh chóng bao vây và sau 2 ngày liên tục, khả năng chiến đấu của nhóm đã bị bẻ gẫy. Sau đó, chiếc tàu ngầm M-33 đã đưa lên bờ 13 lính trinh sát để tìm kiếm nhóm mất tích.

Quân Đức cũng đẩy lui các lính trinh sát này ra phía biển. Một tình huống vô vọng đã xảy ra - người ta không thể sơ tán được đội trinh sát vì bão lớn. Sau đó một tuần, chỉ huy đội trinh sát, thanh tra Ulyan Latyshev, đã chuyển đi bức điện cuối cùng - "Chúng tôi sẽ tự sát bằng lựu đạn của mình. Xin vĩnh biệt!".

Sau đó, quân Đức nhiều lần định bắt các lính thủy đánh bộ Liên Xô làm tù binh nhưng họ sẵn sàng hi sinh mà không rời khỏi vị trí của mình. Không phải tự nhiên mà người Đức lại gọi những chiến binh này một cách rất tôn trọng - "Tử thần đen".

“Tử thần đen”: Những chiến dịch nổi danh nhất của lính thủy đánh bộ Nga - Ảnh 1.

"Tử thần đen" của Hải quân Nga

Chiến trường Mãn Châu

Ngày 9/8/1945, ngay trong ngày đầu tiên của Chiến dịch Mãn Châu, các tàu chiến của Hạm đội Amur đã đổ bộ chiến thuật ở gần thị trấn Phú Viễn (Tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc).

Khu dân cư này là một phần của phòng tuyến được tăng cường của quân đội Quan đông ở Amur, cách thành phố Khabarovsk (Nga) khoảng 60km. Các chiến sĩ của Trung đoàn bộ binh số 630 đã tham gia trực tiếp vào cuộc đổ bộ. Trên đường phố Phú Viễn đã diễn ra những trận đánh ác liệt.

Hành động anh hùng trong trận đánh này do thượng sĩ Nikolai Golubov thực hiện, khi anh đánh đổi mạng sống của mình để tiêu diệt ụ súng máy của quân Nhật và giúp cho các đồng đội thắng trận.

Phú Viễn hoàn toàn thuộc về quyền kiểm soát của Liên Xô ngay trong hôm đó. Đã có 70 lính Nhật bị tiêu diệt, 102 bị thương và 150 bị bắt làm tù binh. Có rất nhiều chiến lợi phẩm thu được, gồm 5 nhà kho và một chiếc xuồng tuần tra. Các đơn vị của quân đoàn 15 bắt đầu vượt sông Amur sang bờ phía Nam. Các sư đoàn của quân đội Liên Xô đã tiến sâu vào Mãn Châu qua nhiều trận đánh.

Bảo vệ cảng Port-Said, Ai Cập

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, lính thủy đánh bộ Liên Xô không khoanh tay ngồi nhìn. Nhiều chiến dịch của họ thuộc diện "tối mật" - cho đến nay không có thông tin chính xác về sự tham gia trực tiếp của lính thủy đánh bộ vào các hành động quân sự.

Tuy nhiên, được biết rằng các lính thủy đánh bộ Liên Xô đã được cử tới một vài quốc gia Ả Rập để giúp họ chống lại Isarel trong cuộc chiến tranh kéo dài 6 ngày. Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ số 309 của Hạm đội Hắc Hải đóng tại Sevastopol hồi đầu tháng 6/1967 đã được đưa tới lãnh hải Syria.

Nhiệm vụ ban đầu của đơn vị này là đổ bộ xuống các bến cảng để hỗ trợ quân đội Chính phủ trong trường hợp quân đội Isarel tiếp tục thọc sâu vào cao nguyên Golan.

Nhưng nhóm các tàu đổ bộ Liên Xô đã phải thẳng tiến tới bến cảng có tầm quan trọng chiến lược, Port-Said của Ai Cập, để giúp Chính phủ phòng thủ do giao tranh tại cao nguyên Golan đã chấm dứt.

Từ tháng 5/1969, do cuộc xung đột Ả Rập - Isarel tiếp tục leo thang, bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô đã thành lập một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ tăng cường để bảo vệ Port-Said. Vào thời điểm đó, thành phố đã trở thành một trong những điểm đóng quân của Hạm đội Địa Trung Hải (Liên Xô).

Những con đường mòn Chechnya

Các lính thủy đánh bộ Nga nhiều lần tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang, cả sau khi Liên Xô tan rã. Trong chiến dịch Chechnya đầu tiên, các chiến sĩ và sĩ quan của Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 61 phối hợp cùng với đặc nhiệm và các đơn vị cơ giới đánh chiếm Grozny.

Bức ảnh Lá cờ Andreevsky (biểu tượng của Hải quân Nga) tung bay trên cung điện của Dudaev (cựu tổng thống Chechnya) khi đó đã xuất hiện trên tất cả các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới. Sau khi chiếm được Grozny, tiểu đoàn tăng cường đã tham gia vào các chiến dịch quân sự tại khu vực Vedensk, Shalinsk và Shatoysk thuộc Chechnya.

Tổng cộng, đơn vị này đã tham gia vào các chiến dịch quân sự trong khoảng nửa năm và rút khỏi Chechnya vào ngày 26/6/1995. Nhưng đến tháng 9/1999, họ lại được đưa tới Bắc Kavkaz.

Thiệt hại chủ yếu của tiểu đoàn tăng cường này xảy ra trong trận đánh ở cao điểm 1406 tại dãy núi Vedensk, cách không xa khu dân cư Kharacha, nơi Trung đội 2 đại đội Tấn công – đổ bộ số 2 thuộc Lữ đoàn 61 và Trung đội trinh sát thuộc Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 810 cắm chốt.

Sáng ngày 31/12/1999, địch bí mật tiến gần tới các vị trí chốt của trung đội, chúng dùng súng đại liên và súng phóng lựu tấn công. Trận chiến chớp nhoáng đã cướp đi sinh mạng của 12 chiến sĩ Lữ đoàn 61 và 2 người bị thường. Địch cũng mất khoảng hơn 40 người.

“Tử thần đen”: Những chiến dịch nổi danh nhất của lính thủy đánh bộ Nga - Ảnh 2.

Lính thủy đánh bộ Nga trong cuộc trình diễn quân sự kỷ niệmngày thành lập Hải quân ở St. Petersburg ngày 29/7/2012. Ảnh: Reuters

Chống cướp biển

Các lính thủy đánh bộ Nga đóng góp vào cả cuộc chiến chống nạn cướp biển khi thường xuyên tiến hành tuần tra tại vịnh Aden. Nhưng những chuyến đi này không phải lúc nào cũng kết thúc trong yên bình. Ngày 5/5/2010, cướp biển đã bắt chiếc tàu chở dầu "Đại học Moscow" của Nga cách bờ biển Somali khoảng 930 km.

Thủy thủ đoàn đã kịp thời chốt chặt khoang máy. Cướp biển cố gắng chui vào bên trong nhưng bất thành. Trong vòng 20 giờ sau đó, chúng đã vét sạch đồ đạc trên chiếc tàu dầu.

Nếu biết điều gì đang đợi ở phía trước thì chúng đã rời "Đại học Moscow" càng sớm càng tốt. Trong lúc bị tấn công, thuyền trưởng chiếc tàu dầu đã kịp liên lạc với chiếc tàu chống hạm "Đô đốc Shaposhnikov".

Ngay lập tức, một chiếc trực thăng trinh sát đã cất cánh từ chiếc tàu chiến này. Sau đó 1 ngày, tàu chiến chống hạm cũng tiếp cận với chiếc tàu dầu. Lính thủy đánh bộ trên các xuồng máy tốc độ cao đã nhanh chóng tiếp cận chiếc tàu bị cướp và sau một cuộc đọ súng ngắn ngủi, họ đã kiểm soát được chiếc tàu.

Một tên cướp biển bị bắn chết, số còn lại bị bắt và sau đó được thả với một lượng thực phẩm và nước uống vừa đủ, nhưng không có các phương tiện định vị. Tất cả các chiến sĩ tham gia vào chiến dịch giải cứu chiếc tàu đã được nhà nước khen thưởng.

Lính thủy đánh bộ Nga phô diễn sức mạnh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại