1. Mới đây, sau chuỗi thành tích "không thể nghèo nàn hơn" của đội tuyển Indonesia, HLV Simon McMenemy đã phải "bay ghế", song theo tiền đạo Beto Goncalves, nhà cầm quân người Scotland không phải là nguyên nhân chính cho sự tụt lùi thảm hại của bóng đá Indonesia trong thời gian vừa qua.
Theo Beto, chính lịch thi đấu dày đặc, bất hợp lý của giải VĐQG Indonesia, cũng như chủ trương "vắt kiệt" sức các tuyển thủ của các đội bóng mới là nguyên nhân chính: "Từ giai đoạn hai của mùa giải, thể trạng cầu thủ giảm sút đáng kể. Họ quá mệt mỏi và kiệt sức. Đấy là lý do khiến HLV McMenemy hết may mắn với đội tuyển Indonesia".
Mới đây, bầu Đức từng đưa ra tuyên bố khá sốc: "Tôi sẽ không đầu tư để HAGL đua vô địch nữa". Tuyên bố ấy khiến rất nhiều người hâm mộ đội bóng phố Núi, cũng như bóng đá Việt Nam ngạc nhiên.
Song đấy chỉ là V.League, còn với bầu Đức, thành tích của đội tuyển quốc gia, cũng như vận mệnh của lứa cầu thủ thành tài từ học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG của ông là điều ông vẫn luôn đau đáu.
Hai năm trước, ông từng đổ tiền túi ra mời HLV Park Hang-seo về, dù vừa phải cay đắng từ chức vì "chọn nhầm" HLV Hữu Thắng, là bởi: "Tôi nghĩ phải tìm thật nhanh một HLV giỏi để dẫn dắt bóng đá Việt Nam, bằng không sẽ nát lứa cầu thủ này. Nếu đội tuyển nát, học viện HAGL cũng nát. Tâm huyết tôi xây dựng học viện bao nhiêu năm để cho ra đời những cầu thủ giỏi mà vứt đi thì rất phí. Vì thế, tôi tự nguyện bỏ tiền của mình, nếu không mọi chuyện sẽ rất lằng nhằng và khó tìm được người phù hợp".
HAGL không đua vô địch V.League, hẳn nhiên các cầu thủ của đội bóng phố Núi không phải gánh trên vai mình gánh nặng tranh đua quá lớn, thay vào đó có được sự thoải mái về mặt tâm lý để chứng tỏ bản thân, để nỗ lực lọt vào mắt xanh của HLV Park Hang-seo, và quan trọng nhất, các tuyển thủ quốc gia trong màu áo HAGL có được sự thoải mái cần thiết để không bị "vắt đến cùng kiệt" như các tuyển thủ Indonesia, theo lời thú nhận của Beto Goncalves.
2. Giữa CLB và ĐTQG luôn có một mối quan hệ song hành, nhưng cũng có không ít sự mâu thuẫn. Lời "thú nhận" của chân sút số 1 của đội tuyển Indonesia là một ví dụ điển hình của việc mâu thuẫn quyền lợi giữa CLB và ĐTQG.
Sau khi U22 Trung Quốc nhận "cái tát" từ thầy trò HLV Park Hang-seo với trận thua 0-2 ngay trên sân nhà, báo nước này đã có những phân tích về sự tụt lùi của bóng đá trẻ Trung Quốc, đồng thời nêu ra nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam thành công trong thời gian qua:
"Bóng đá Việt Nam thành công là do có sự tập trung vào việc xây dựng nền tảng từ 7, 8 năm trước, cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo tài năng bóng đá ngay từ khi còn nhỏ. Cách làm này đã mang lại hiệu quả, và Việt Nam đang bắt đầu đón nhận những thành quả vượt bậc".
Học viện bóng đá Guangzhou Evergrande.
Điều mà báo chí Trung Quốc phân tích, cũng chính là cái nhìn đi trước thời đại của bầu Đức. Nó không chỉ là hướng đi, mà còn là cách thực hiện quyết liệt và đầy tâm huyết. Bảy năm trước, CLB Guangzhou Evergrande đã xây dựng học viện bóng đá với diện tích lên đến 300 héc ta, có giá trị đầu tư lên đến 130 triệu bảng Anh. Thậm chí, họ còn thuê đến 24 HLV người Tây Ban Nha từ Real Madrid để đào tạo các nhân tài trẻ cho bóng đá Trung Quốc.
Ấy vậy mà rốt cuộc, đấy cũng chỉ là nơi bòn rút hầu bao của giới nhà giàu có con trót đam mê nghiệp bóng đá, thay vì cái nôi đúng nghĩa cho những tài năng trẻ phát triển như học viện HAGL Arsenal JMG của bầu Đức.
Trong khi bầu Đức hi sinh thành tích của đội bóng phố Núi để các cầu thủ trẻ của mình được trưởng thành bằng cách đưa lứa U19 với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh... lên chơi V.League, thì ở Trung Quốc, hầu hết cầu thủ trẻ đều chỉ đóng vai trò dự bị ở giải VĐQG, với sự tràn ngập các ngoại binh đắt giá và hào nhoáng. Và ĐTQG Trung Quốc giờ tràn ngập các cầu thủ ngoại nhập tịch để thực hiện mục tiêu World Cup.
Giao hữu: U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam (Nguồn: NEXT Sport)
Mùa giải V.League 2019 vừa kết thúc, HAGL của bầu Đức đã là đội sốt sắng nhất "sắm sửa" đội hình, với hai bản hợp đồng lớn bổ sung cho hàng phòng ngự. Không còn đặt mục tiêu vô địch V.League, nhưng bầu Đức vẫn rất chịu chi, chịu lo để các cầu thủ, mà không ít trong số đó là những tuyển thủ quốc gia của mình có được "chân đế" vững vàng, để hướng tới sự cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
Với bóng đá Việt Nam, bầu Đức đã đổ ra không ít tiền, nhưng vượt qua cả điều đấy là tâm huyết, sự đau đáu của ông với bóng đá nước nhà, với sự đầu tư cho bóng đá trẻ. Những điều ấy vượt qua cả giá trị về tiền bạc, bởi nó là cái nhìn vượt thời đại của một bộ óc vượt thời đại, góp phần quan trọng kiến tạo nên những giá trị vô hình giúp bóng đá Việt Nam thăng hoa, và tiếp tục thăng hoa trong tương lai.