Từ chuyện Michelle Phan bị trầm cảm: Góc khuất sau ánh hào quang của những nữ doanh nhân trẻ

Linh Lam |

Đằng sau ánh hào quang của thành công và sự nổi tiếng, nhiều doanh nhân trẻ phải đối mặt với những khó khăn mà ít ai biết được. Cũng có người bị phát hiện đã lừa dối dư luận và khách hàng.

Michelle Phan được biết đến như một ngôi sao trên Youtube với biệt danh "Phù thủy trang điểm". Cô gái gốc Việt bắt đầu đăng tải các video hướng dẫn trang điểm vào năm 2007 và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hiện nay, trang Youtube của Michelle đã có hơn 8,8 triệu người theo dõi.

Bên cạnh sự nổi tiếng trên Youtube, Michelle cũng là nhà sáng lập của một start-up chuyên về làm đẹp mang tên Ipsy. Tháng 9/2015, công ty này huy động thành công 100 triệu USD và được định giá hơn 500 triệu USD vào thời điểm đó.

Cô gái sinh năm 1987 từng được tạp chí Forbes bình chọn vào Top 30 under 30 - danh sách vinh danh những người trẻ tuổi nổi bật nhất thế giới.

Từ chuyện Michelle Phan bị trầm cảm: Góc khuất sau ánh hào quang của những nữ doanh nhân trẻ - Ảnh 1.

"Phù thủy trang điểm" Michelle Phan từng bị trầm cảm vì kinh doanh thất bại

Thế nhưng, đằng sau những lời ngợi khen của truyền thông và sự ngưỡng mộ của mọi người, ít ai biết được những áp lực kinh khủng mà Michelle phải trải qua.

Cách đây vài ngày, chia sẻ trên website chuyên về phong cách sống - Refinery 29, Michelle cho biết cô từng làm việc điên cuồng, ít ra ngoài và gần như không có cuộc sống xã hội.

Mọi chuyện tệ hơn khi dòng sản phẩm trang điểm EM do cô hợp tác cùng đại gia mỹ phẩm L'Oreal không đạt được thành công như mong đợi. EM có doanh số rất ảm đạm và hứng chịu nhiều chỉ trích của khách hàng, chủ yếu vì giá quá cao. Điều đó khiến Michelle bị suy nhược và rơi vào trạng thái trầm cảm.

"Bạn có thể nghĩ rằng à, những gì tôi đạt được thật tuyệt vời và tôi nên hạnh phúc mới phải. Nhưng không, tôi thức dậy mỗi ngày và thấy bản thân như vỡ vụn, hoang mang không biết tại sao", ngôi sao Youtube chia sẻ.

Câu chuyện của Michelle Phan khiến người viết liên tưởng đến trường hợp của Đào Chi Anh - một gương mặt từng rất nổi bật trong cộng đồng start-up Việt.

Giữa tháng 10/2015, KAfe Group là cái tên gây sốt khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông.

Suốt nhiều tháng liền sau đó, người ta nhắc đến Đào Chi Anh - người sáng lập và giám đốc của thương hiệu này như một hình mẫu nữ doanh nhân thành đạt, người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ dám sống với đam mê và dám khởi nghiệp.

Từ chuyện Michelle Phan bị trầm cảm: Góc khuất sau ánh hào quang của những nữ doanh nhân trẻ - Ảnh 2.

Đào Chi Anh là người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp

Tuy nhiên không lâu sau, dư luận xôn xao về việc KAfe Group bị đối tác tố chây ì công nợ và chiếm dụng vốn kinh doanh đến hàng tỷ đồng. Và đến ngày 27/10/2016, Đào Chi Anh bất ngờ tiết lộ trên trang cá nhân rằng, cô đã không còn đảm nhiệm chức vụ CEO của công ty này từ 2 ngày trước. Nguyên nhân được cho là do không tìm được tiếng nói chung với hội đồng quản trị.

Nữ doanh nhân sinh năm 1984 cũng trở thành tiêu điểm của không ít lời công kích và phán xét từ phía dư luận. Chia sẻ trong một chương trình, Đào Chi Anh bộc bạch rằng, để tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê cô phải luôn chọn lọc thông tin nghe và tiếp nhận, bởi "nếu cứ để ý đến tất cả những điều người khác nói về mình, bạn sẽ chẳng dám bước ra khỏi nhà và đi làm nữa".

Không giống Michelle Phan và Đào Chi Anh, câu chuyện khởi nghiệp của Elizabeth Holmes - người được tạp chí danh tiếng Forbes vinh danh là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2016 lại được cho là có dấu hiệu lừa đảo.

Từ chuyện Michelle Phan bị trầm cảm: Góc khuất sau ánh hào quang của những nữ doanh nhân trẻ - Ảnh 3.

Đằng sau sự ngưỡng mộ của mọi người, câu chuyện thành công của Elizabeth Holmes lại mang dấu hiệu lừa đảo

Elizabeth là nhà sáng lập kiêm CEO của hãng công nghệ sinh học Theranos (Mỹ) - start-up từng được định giá 9 tỷ USD ở lần gọi vốn cuối cùng. Sự nghiệp của cô bắt đầu tuột dốc vào tháng 10/2015, khi một bài viết trên Wall Street Journal khẳng định các phòng xét nghiệm của Theranos chỉ thực hiện được rất ít xét nghiệm máu, trái ngược với lời quảng cáo rằng công ty có thể xử lý 70 xét nghiệm chỉ với vài giọt máu.

Công ty này bị cơ quan liên bang Mỹ điều tra sau đó. Giữa năm 2016, Theranos bị thu hồi giấy phép phòng xét nghiệm ở California và Elizabeth Holmes bị cấm sở hữu hoặc điều hành bất kỳ phòng thí nghiệm nào trong 2 năm. Cô gái nổi tiếng thế giới một thời cũng nhanh chóng "biến mất" khỏi bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại