Theo các nhà sử học, một đại dịch thường kết thúc theo hai nghĩa: Một là kết thúc về mặt y tế, tức là khi tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong giảm đáng kể; hai là kết thúc về mặt xã hội, xảy ra khi nỗi sợ đại dịch của mọi người dần dần lắng xuống.
"Khi mọi người hỏi "Bao giờ [dịch bệnh] sẽ kết thúc"", Tiến sĩ Jeremy Greene, nhà sử học y khoa tại Đại học Johns Hopkins nói, "Họ đang hỏi đến sự kết thúc về mặt xã hội".
Theo The New York Times (NYT - Mỹ), nói cách khác, đại dịch kết thúc không phải do con người đã chinh phục được căn bệnh, mà do họ đã mệt mỏi và học cách cùng tồn tại với nó.
Allan Brandt, nhà sử học tại Đại học Harvard, cho biết một tình huống tương tự đã xảy ra với Covid-19: "Như chúng ta đã thấy trong cuộc tranh luận về mở cửa kinh tế, nhiều câu hỏi về cái gọi là kết thúc không phải do điều trị y tế và dữ liệu y tế công cộng quyết định mà do tiến trình chính trị - xã hội quyết định".
Ngay cả khi không có dịch bệnh, nỗi sợ vẫn sẽ lan rộng. Tiến sĩ Susan Murray của Đại học Ngoại khoa Hoàng gia (Dublin, Ireland) đã chứng kiến điều này vào năm 2014, khi đang làm việc trong một bệnh viện nông thôn ở Ireland.
Trong vài tháng trước đó, hơn 11.000 người ở Tây Phi đã tử vong do virrus Ebola, một dịch bệnh nguy hiểm, cực kỳ dễ lây lan và thường gây tử vong. Sự bùng phát vào thời điểm đó dường như đang suy yếu, và không có trường hợp nhiễm bệnh nào được ghi nhận ở Ireland, nhưng người dân rất sợ hãi.
"Trên đường phố hay trong phòng bệnh, mọi người đều rất lo lắng", Tiến sĩ Murray kể lại trong một bài đăng gần đây trên Tạp chí Y học New England. "Trên xe buýt hoặc tàu hỏa, sắc mặt kém là đủ để người khác nhìn bạn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Một tiếng ho, bạn sẽ thấy họ từ từ lánh xa bạn".
Edward Jenner, một trong những nhà phát triển vắc-xin đậu mùa đầu tiên, đã tiêm vắc-xin cho trẻ em vào năm 1796. Ảnh: Getty
Dịch hạch và ký ức đen tối
Trong 2.000 năm qua, bệnh dịch hạch đã bùng phát nhiều lần, giết chết hàng triệu người và làm thay đổi tiến trình lịch sử. Mỗi đợt bùng phát đã làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi của con người về đợt bùng phát tiếp theo.
Bệnh này gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Yersinia, ký sinh trên bọ chét ở chuột. Nhưng loại bệnh dịch hạch này, sau này được gọi là Cái chết Đen, cũng có thể lây từ người sang người qua các giọt bắn, vì vậy nó không thể bị xóa sổ chỉ bằng cách giết chuột.
Mary Fissell, nhà sử học tại Đại học Johns Hopkins, cho biết có ba làn sóng dịch hạch lớn trong lịch sử vào thế kỷ thứ 6, thế kỷ 14 và cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Đại dịch thời Trung cổ bắt đầu vào năm 1331, được cho có nguồn gốc tại Trung Quốc. Căn bệnh này cùng với một cuộc nội chiến đang hoành hành vào thời điểm đó đã khiến một nửa dân số Trung Quốc tử vong. Sau đó, dịch bệnh đã di chuyển dọc theo các tuyến thương mại đến châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Trong những năm từ 1347 đến 1351, nó đã giết chết ít nhất 1/3 dân số châu Âu.
Đại dịch thời kỳ đó đã kết thúc nhưng dịch hạch vẫn tái diễn. Một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất bắt đầu ở Trung Quốc vào năm 1855 và lan rộng trên toàn thế giới, giết chết hơn 12 triệu người chỉ riêng ở Ấn Độ.
Không rõ điều gì đã làm cho dịch hạch biến mất. Một số học giả đã lập luận rằng thời tiết lạnh đã giết chết bọ chét mang mầm bệnh hoặc có lẽ đó là một sự thay đổi trong loài chuột. Một giả thuyết khác là nhờ vi khuẩn tiến hóa nên ít gây chết người hơn hoặc con người phòng ngừa bệnh tốt hơn.
Tuy nhiên, theo NYT, dịch hạch này không bao giờ thực sự biến mất. Ở Mỹ, căn bệnh này có tính chất khu vực. Loài cầy thảo nguyên ở khu vực Tây Nam vẫn mang mầm bệnh này và có thể truyền sang người. Tiến sĩ Frank Snowden tại Đại học Yale nói rằng một trong những người bạn của ông bị nhiễm bệnh sau khi ở khách sạn tại New Mexico. Bởi người thuê phòng trước đó có mang theo một chú chó mang bọ chét có vi khuẩn gây bệnh.
Những trường hợp như vậy rất hiếm và hiện có thể được điều trị thành công bằng kháng sinh, nhưng các báo cáo về những ca nhiễm luôn khơi dậy nỗi sợ hãi.
Các dịch bệnh nguy hiểm khác
Các tình nguyện viên tại California tham gia sản xuất khẩu trang trong đại dịch 1918. Ảnh: Getty
Bệnh đậu mùa là một trong những căn bệnh đã kết thúc về mặt y học: Tuy nhiên có vài lý do sau: Có một loại vắc-xin hiệu quả có thể bảo vệ suốt đời; virus gây bệnh đậu mùa không có vật chủ, vì vậy loại bỏ bệnh đậu mùa ở người có nghĩa là loại bỏ mầm bệnh hoàn toàn; các triệu chứng nhiễm bệnh rất dễ phát hiện, giúp cách ly và truy tìm dấu vết hiệu quả.
Người cuối cùng mắc bệnh đậu mùa một cách tự nhiên là Ali Maow Maalin, một đầu bếp bệnh viện ở Somalia. Ông bị nhiễm bệnh năm 1977 và đã hồi phục sau đó. Ông qua đời vì bệnh sốt rét năm 2013.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 hiện được xem là một ví dụ về đại dịch hoành hành và nó cũng cho thấy giá trị của biện pháp cách ly và giãn cách xã hội. Trước khi kết thúc, nó đã giết chết 50 đến 100 triệu người trên toàn thế giới. Nó tấn công người trưởng thành, từ thanh niên đến trung niên, khiến trẻ em mất cha mẹ, tước đoạt trụ cột trong gia đình, giết chết những người lính trong Thế chiến thứ I.
Sau khi càn quét khắp thế giới, bệnh cúm này dần biến mất và phát triển thành một biến thể nhẹ hơn và xuất hiện hàng năm.
Snowden nói: "Có thể giống như một ngọn lửa, thiêu rụi thân gỗ dễ thiêu rụi và dễ tiếp xúc thì lửa tàn".
Nó cũng kết thúc về mặt độ xã hội. Thế chiến thứ I đã kết thúc, mọi người đã sẵn sàng cho một cuộc sống mới, một kỷ nguyên mới và sẵn sàng để lại đằng sau cơn ác mộng của bệnh tật và chiến tranh. Cho đến gần đây, đại dịch cúm 1918 đã bị lãng quên.
Sau đó, các đại dịch cúm khác đã xảy ra. Mặc dù không quá tồi tệ nhưng chúng vẫn rất đáng sợ. Trong trận dịch cúm Hồng Kông năm 1968, 1 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Virus vẫn lây lan dưới dạng cúm mùa và thiệt hại mà nó gây ra ban đầu - và nỗi sợ nó gây ra - hiếm khi được ghi nhớ.
Đại dịch Covid-19 kết thúc như thế nào?
Các nhà sử học dự đoán, một khả năng là đại dịch Covid-19 có thể kết thúc về mặt xã hội trước khi kết thúc về mặt y học, dù virus tiếp tục "ẩn nấp" trong đám đông, ngay cả trước khi vắc-xin hoặc thuốc đặc trị được tìm ra.
Điều này được cho xuất phát từ tâm lý xã hội "đủ rồi, tôi muốn trở lại cuộc sống bình thường" của người dân. Theo nhà sử học Naomi Rogers tại Đại học Yale, điều này xảy ra khi con người mệt mỏi trước ảnh hưởng từ dịch bệnh và tuyên bố nó đã chấm dứt.
NYT cho biết, điều này đã xảy ra, ở một số bang, Thống đốc đã dỡ bỏ các hạn chế, cho phép các tiệm làm tóc, tiệm nail và phòng tập thể dục mở lại, bỏ qua các cảnh báo từ các quan chức y tế công cộng rằng thực thi các biện pháp đó là quá sớm trong thời điểm này tại Mỹ. Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng chịu cảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp hạn chế thì ngày càng nhiều người muốn nói "đủ rồi".
Theo bà Rogers, hiện một xung đột đang diễn ra: Giới chức y tế muốn một kết thúc y học nhưng nhiều công chúng muốn một kết thúc xã hội.
Tiến sĩ Brandt cho rằng, sẽ không có chiến thắng bất ngờ, đồng thời, cố gắng xác định sự kết thúc của dịch bệnh sẽ là một quá trình dài và khó khăn.