Nghhiên cứu này cũng bày tỏ hoài nghi về chiến lược ứng phó với dịch bệnh của một số quốc gia như Thụy Điển, nơi được biết đến với chủ trương "thả rông" và dựa trên niềm tin đối với người dân.
Cụ thể, theo nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italia (ISPI) công bố gần đây, châu Âu còn rất lâu mới có thể đạt mức phơi nhiễm cần thiết để có được miễn dịch cộng đồng.
Trong số các quốc gia châu Âu, Bỉ là quốc gia có tỉ lệ người đã phơi nhiễm và có tiềm năng miễn dịch với COVID-19 tính trên bình quân dân số cao nhất (6,2%).
Tại Thụy Điển, một chuyên gia dịch tễ học hàng đầu từng dự đoán tỉ lệ này sẽ tăng lên 50% vào cuối tháng 5, nhưng đến nay quốc gia này mới chỉ có 2,5% người đã phơi nhiễm và có tiềm năng trở nên miễn nhiễm với COVID-19, dù nước này không áp dụng các biện pháp phong tỏa.
"Ngay cả khi những con số này tăng lên gần 50%, thì nhiều người sẽ tiếp tục bị nhiễm bệnh; do đó có thể nói rằng miễn dịch cộng đồng chỉ là chuyện hoang đường. Không ai biết được tiếp theo sẽ có chuyện gì xảy ra; chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là khi virus cúm mùa quay trở lại vào mùa thu năm nay", bà Carlo Rosa, Giám đốc Điều hành của công ty công nghệ sinh học DiaSorin, bình luận.
Theo nghiên cứu của ISPI, điều kiện cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng là cộng đồng đó phải có hơn 70% số người đã phơi nhiễm với virus - gấp 28 lần so với con số đã được ghi nhận tại Thụy Điển. Sau khi đại dịch COVID-19 lây lan trên quy mô toàn cầu, Thụy Điển đã trở thành một trường hợp ngoại lệ khi quyết định không ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc như nhiều nước khác đã thực hiện.
Thực tế, số ca tử vong do COVID-19 tại Thụy Điển cao hơn đáng kể so với một số quốc gia láng giềng: Thụy Điển đã ghi nhận 3.313 trường hợp tử vong, trong khi Na Uy và Phần Lan lần lượt ghi nhận 224 và 271 ca tử vong do dịch bệnh này. Những con số này đã dấy lên những nghi ngại về những điều cần phải đánh đổi, mà cụ thể là số người phải bỏ mạng, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Cuối tháng 4 vừa qua, 22 bác sĩ đã phản đối cách xử lý dịch bệnh của Thụy Điển, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/5 cũng đã cảnh báo rằng miễn dịch cộng đồng là một "tính toán nguy hiểm".
RT kết luận, nếu những số liệu trong nghiên cứu của ISPI là chính xác, thì "ván cược" của Thụy Điển đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. ISPI cũng đã khuyến nghị trong nghiên cứu của mình rằng các quốc gia trên thế giới cần dựa vào các biện pháp "xét nghiệm diện rộng, truy dấu và chữa trị bệnh nhân" để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: