Theo The New York Times (Mỹ), những bức ảnh kiểu này trông rất bình thường nhưng nó có thể cung cấp cái nhìn phong phú về tình hình quân sự và chính trị của Triều Tiên.
Bằng cách sử dụng công nghệ pháp lý và kỹ thuật điều tra truyền thống, các nhà phân tích và cơ quan tình báo có thể thông những bức ảnh này để theo dõi tình hình nội chính và dự án vũ khí không ngừng mở rộng của Triều Tiên.
Và chính những chi tiết phong phú trong các bức ảnh đã khiến chúng ta phải bất ngờ.
Báo Mỹ dẫn lời các chuyên gia hạt nhân của Học viện nghiên cứu quốc tế, trường Cao đẳng Middlebury (Mỹ) tiết lộ, bức ảnh tuyên truyền trên được chụp từ tháng 3/2016 đã cho thấy nhiều hơn những gì mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un muốn thể hiện.
Đó chính là, cự ly bắn của tên lửa phía sau ông, quan hệ giữa ông và quân đội, thậm chí bao gồm vị trí chính xác của ông.
Đầu đạn hạt nhân
Triều Tiên tuyên bố, đây là đầu đạn hạt nhân thu nhỏ đầu tiên, có thể gắn lên tên lửa. Các chuyên gia phân tích gọi nó là "quả cầu disco" (tức quả cầu sàn nhảy).
Từ bức ảnh, chuyên gia Jeffrey Lewis đã ước tính ra kích thước quả cầu, từ đó tính toán ra trọng lượng đạt khoảng vài trăm kg với đương lượng nổ 20 kiloton tương đương sức hủy diệt của hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản.
Nhưng quan trọng hơn đương lượng nổ chính là thể tích của nó - đường kính khoảng 60cm. Điều này trùng hợp với tuyên bố có thể cài đặt nó lên tên lửa tầm xa.
Về sức mạnh hạt nhân Triều Tiên, đây là bước tiến bộ quan trọng, chuyên gia Mỹ đánh giá.
Tuy nhiên các nhà phân tích không chắc chắn về nút cắm kim loại của nó. Nó có thể là bộ phận kích nổ thông thường, cũng có thể dùng để nạp khí giúp thiết bị đạt hiệu suất hơn.
Điều này sẽ cho phép Bình Nhưỡng dùng nguyên liệu plutonium có hạn để chế tạo nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, mở rộng quy mô kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Có nhiều ý kiến khác nhau khi nhận định về vòi phun. Một số người cho rằng, nó dùng để đưa thiết bị an toàn vào "hố" hạt nhân trước khi kích nổ. Cũng có người cho rằng, nó dùng để cài đặt đầu đạn hạt nhân.
Giới phân tích hy vọng rằng, những bức ảnh mới sẽ giúp họ làm rõ những bí ẩn này.
Trang phục
Từ chân dung của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim IL-sung), các chuyên gia nghiên cứu truyền thông Triều Tiên của Mỹ đã phát hiện ra bí mật về chiếc áo khoác của nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un.
Theo đó, Kim Il-sung luôn được truyền thông Triều Tiên nhiệt tình ca ngợi. Điều này liên quan mật thiết đến chiến tranh Triều Tiên.
Kim Jong-un muốn thông qua chiếc áo của ông nội để truyền tải thông điệp: Triều Tiên lại bước vào tình trạng chiến tranh.
Hình ảnh cố Chủ tịch Kim Il-sung trên tạp chí tuyên truyền của Triều Tiên.
Chi tiết này có thể giúp các học giả giải thích cách nhà lãnh đạo Kim Jong-un xây dựng địa vị của của bản thân. Thông qua việc mô phỏng ông nội, Kim Jong-un đang dần phá vỡ mối liên hệ với người cha - Kim Jong-il.
Kim Jong-il muốn xây dựng chính quyền bằng quân đội và đảng Lao động trong khi Kim Jong-un muốn thiết lập địa vị trung tâm quyền lực.
Cục diện này có thể giúp chuyên gia hiểu rõ hơn về tình hình nội chính cũng như cách vận hành của chính quyền Triều Tiên.
Cấp dưới
Các chuyên gia đã chú ý đến một chi tiết trong bức ảnh: Trong nghi thức công bố vũ khí hạt nhân mới, không ai mặc quân phục.
Theo các chuyên gia, ở Triều Tiên, những bức ảnh tuyên truyền quyết định một sự thật rằng : Cấp bậc chính trị mang ý nghĩa sinh tồn nên một sự quyết định như vậy vô cùng quan trọng.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chuyên gia Michael Madden luôn quan sát bối cảnh xuất hiện của giới quan chức Triều Tiên.
Trong bức ảnh trên, ông phát hiện một số quan chức và hai tướng lĩnh quân đội quan trọng: Người phụ trách dự án hạt nhân này và người phụ trách lực lượng pháo binh đều không mặc quân phục.
Điều này phát đi thông điệp: Kim Jong-un đang đảm bảo rằng, bản thân chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hạt nhân, cắt đứt chuỗi chỉ huy thông thường.
"Điều này cho thấy việc cá nhân [ông Kim] nắm quyền chỉ đạo mà không phải quân đội", ông Joshua Pollack, Tổng biên tập tạp chí Nonproliferation Review nói.
Ngôn ngữ cơ thể cũng có ý nghĩa rất quan trọng: Kim Jong-un khi truyền đạt mệnh lệnh, thậm chí đến các quân nhân cấp cao cũng đều nghiêm túc ghi chép, cho thấy trong vấn đề đầu đạn hạt nhân, họ cần tuân theo mệnh lệnh của lãnh đạo.
Tên lửa
Xem hình ảnh tên lửa liên lục địa trong bức ảnh cũng có thể phát hiện thông tin quan trọng.
Chuyên gia David Schmerler đã để ý đến dòng chữ trắng in lên hệ thống tên lửa này và nhận ra trong tiếng Triều Tiên nó có nghĩa "ủng hộ".
Thân của tên lửa thực ra rất yếu cho nên điểm tựa cần phải là vị trí cứng cáp nhất của cỗ máy, cũng chính là khoảng thân giữa các bộ phận bên trong.
Nguồn: NTI/CNS
Bằng cách trắc lượng kích thước và số lượng, David Schmerler có thể mường tượng ra bố cục bộ phận bên trong tên lửa, suy đoán thông tin về loại nhiên liệu bên trong.
Có thể nói, tên lửa này có thiết kế tầm bắn khoảng hàng nghìn dặm (theo đơn vị đo của Anh) - Nếu kỹ thuật hoàn thiện, nó có thể bắn tới thủ đô Washington.
Nguồn: Trung tâm James Martin về Các nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân
Chuyên gia nghiên cứu Melissa Hanham đưa những phát hiện này so sánh với loạt ảnh thử nghiệm động cơ tên lửa được Triều Tiên công bố, trong đó có cuộc thử nghiệm tên lửa KN-08.
Phân tích ngọn lửa từ động cơ, đặc biệt về màu sắc cho thấy, Triều Tiên thiết kế hệ thống này nhằm mục đích bắn tới bờ Đông nước Mỹ trong tương lai.
Triển khai
Triều Tiên không nêu rõ địa điểm chụp bức ảnh này nhưng giới phân tích thông qua việc thu thập, phân tích hàng nghìn bức ảnh tuyên truyền đã xác định được địa điểm trong ảnh.
Họ thông qua nghiên cứu những bức ảnh mà ông Kim mặc cùng chiếc áo khoác để thu nhỏ phạm vi tìm kiếm.
Các nhà phân tích cho rằng, sở thích mặc cùng một áo khoác trong một khoảng thời gian của lãnh đạo Triều Tiên có thể giúp họ tìm được quy luật.
Ông Joshua Pollack cũng cho biết, các cộng sự của ông còn thông qua cân nặng của Kim Jong-un - cân nặng của ông Kim thường xuyên thay đổi - để xác định ngày chụp của một bức ảnh.
Chính điều này đã giúp họ tìm được một bức ảnh tiết lộ thời gian triển khai hệ thống tên lửa này. Trong đó, những chi tiết xây dựng, bức biểu ngữ và quả cầu disco phù hợp với bức ảnh tuyên truyền trên.
Theo các nhà phân tích, địa điểm đó chính là nhà máy tên lửa Chamjin ở ngoại ô Bình Nhưỡng.
Nguồn: Google
Từ đó, Lewis đã theo dõi chặt chẽ nhà máy này. Ông quan sát nó khi nào và được vận hành như thế nào, sau đó tìm kiếm sự thay đổi gia tăng về lưu lượng chuyển động và hoạt động xây dựng mới.
Bằng cách theo dõi những cơ sở được mở rộng, cơ sở nào không còn được chú ý, ông có thể suy ra dự án thiết kế trong đó.
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, cơ sở này gần đây đã được tiến hành nâng cấp. Lewis cũng tìm được một bức ảnh tương đồng với bức ảnh tuyên truyền trên.
Quá trình quan sát như vậy giúp Lewis có phản xạ đối với một số trung tâm vũ khí quan trọng này. Ông cho biết, bản thân thậm chí còn phát hiện ra xe của Kim Jong-un.
Nguồn: Google và Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
Những chi tiết được tổng hợp cho thấy quan điểm của Tổng biên tập tạp chí Nonproliferation Review Joshua Pollack về chương trình vũ khí Triều Tiên: "Đây là một dự án vô cùng quan trọng".
Chuyên gia Melissa Hanham cho rằng, một số chi tiết có thể do Bình Nhưỡng cố ý tiết lộ để chứng minh sức mạnh ngày càng tăng của Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu chỉ là để đề cao hình tượng Kim Jong-un thì phần lớn các bức ảnh như vậy đều đã được chỉnh sửa.
Nhưng bức ảnh trên hoàn toàn chưa qua chỉnh sửa, nó có thể là một thông điệp gửi đến các cơ quan tình báo nước ngoài - nơi tiến hành những phân tích tương tự.
"Điều này nhằm cung cấp bằng chứng, là một sự chứng minh. Tuy giới phân tích lâu này luôn bày tỏ nghi ngờ về Triều Tiên nhưng bức ảnh 2016 cho thấy Bình Nhưỡng muốn thể hiện tất cả sức mạnh mà trước đó họ đã bị xem nhẹ", bà Melissa Hanham kết luận.