Nhiều đổi mới quan trọng
Chiều 18/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội, kỳ họp thứ 2 này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 26 ngày (không kể ngày nghỉ) và dự kiến Quốc hội họp phiên bế mạc vào chiều ngày 23/11/2016.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua như Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13...
Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án NDTC, Viện kiểm sát NDTC và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.
Trao đổi thêm tại buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong kỳ họp này, sẽ có nhiều điểm đổi mới, đặc biệt là lĩnh vực lập pháp.
"Vừa qua, chúng ta có rút kinh nghiệm Luật Hình sự nên kỳ này chúng ta sẽ có thêm, trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến sẽ mở các hội nghị đại biểu chuyên trách để bàn thảo, đồng thời, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia.
Đảm bảo việc, trong quá trình xin ý kiến của Quốc hội nếu Luật nào còn ý kiến khác nhau thì sẽ kéo dài để xin ý kiến.
Về dự án Luật Hình sự, nếu đưa ra còn ý kiến khác nhau sẽ kéo dài sang kỳ sau và tăng thảo luận, họp tổ", ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, khi phát biểu sẽ tạo điều kiện tranh luận. Về các báo cáo, Luật sẽ mời các Bộ trưởng, đơn vị trình luật trao đổi, làm sáng tỏ. Ngoài việc đăng ký trên màn hình rồi thì các đại biểu nào muốn xin tranh luận thêm thì có thể sẽ có giơ biển.
Với việc khắc phục hậu quả Formosa, theo ông Phúc Chính phủ đang thực hiện và Quốc hội đã có Ủy ban KH, CN, MT Quốc hội vào giám sát sớm, có kiến nghị, yêu cầu cụ thể như phải thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường mới được đi vào hoạt động.
Việc đền bù, Chính phủ đang thực hiện rà soát, đánh giá, giải ngân.
Văn phòng Quốc hội đã khoán xe công từ rất sớm
Trả lời câu hỏi, vì sao chưa đưa TPP vào thảo luận? Tổng thư ký cho hay, việc trình phải căn cứ vào văn bản pháp luật.
"Hiện các cơ quan đang chuẩn bị, Khi nào các cơ quan chuẩn bị thấu đáo thì Chủ tịch nước sẽ trình sang Quốc hội. Hiện Chủ tịch nước chưa gửi văn bản sang nên khi nào có văn bản chúng tôi sẽ tiến hành", ông Phúc thông tin.
Về câu hỏi việc Bộ Tài chính khoán xe công thì tới đây Quốc hội có gương mẫu thực hiện không?
Ông Phúc trả lời: "Khoán xe công chúng tôi rất hoan nghênh. VP QH đã thực hiện khá sớm. Cách đây hơn chục năm, đồng chí Thuận (ông Trần Quốc Thuận, nguyên PCN văn phòng QH - PV) cũng đã thực hiện khoán xe công.
Hiện nhiều đồng chí cũng đang thực hiện khoán xe công, như đồng chí Hùng (ông Đỗ Mạnh Hùng - PV) cũng đang thực hiện khoán xe công. VP Quốc hội chúng tôi không công bố, tuyên truyền vấn đề này nhưng thực hiện sớm, lâu rồi.
Tất nhiên, theo cách của Bộ Tài chính khoán thì chúng tôi nói là thực ra chưa phải hiệu quả lắm mà phải làm sao bớt được lái xe, đầu xe đi còn khoán như thế kia chỉ là từ nhà đến cơ quan thôi.
Anh quy định là 15.000 đồng/km đi taxi thì theo tôi cũng xêm xêm bằng giá xe công đổ xăng. Cái chính chúng ta phải giải bài toán chuyển mạnh về việc khoán xe công sang hình thức xã hội hóa, sang các cơ quan sự nghiệp thì mới hiệu quả.
Phải gom thành một xe chung, để ai đi đâu thì đăng ký mới hiệu quả còn chỉ khoán từ nhà đến cơ quan không phải. Bởi vì mỗi đồng chí Thứ trưởng vẫn phải xe như thế, lái xe như thế thì làm sao giảm.
Hiện chúng tôi đang khoán rồi nên sẽ nghiên cứu làm sao để hiệu quả, tốt hơn nữa.
Về việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo, ông Phúc là thực hiện Nghị quyết của QH nhưng trong thời gian tới khi Chính phủ trình sẽ bàn còn hiện tại trong nội dung chương trình chưa có.