Những bất ngờ chưa ai kể trong lũ lụt miền Trung

Sông Hàn |

Khi mà chúng ta băn khoăn về mô hình nhà chống lụt cho người dân vùng rốn lũ thì chính tại những nơi này, thực tiễn cuộc sống đã mở lối từ rất lâu. Trong mưa lũ, hạnh phúc vẫn được ươm mầm.

Năm 2010, Bắc miền Trung lụt dữ dội. Phía Nghi Xuân, ngay dưới chân cầu Bến Thủy nước ngập trắng một bên. Bên còn lại là vách núi. Chính ở chỗ đấy 20 hành khách trên chiếc xe 48K-5868 đã tử nạn. Nước lên dữ dội, nhiều người bảo còn lên nhanh hơn hồi trận lụt đỉnh điểm ở Nghệ An – Hà Tĩnh năm 1978.

Mấy anh em phóng viên chúng tôi cùng Ban Phòng chống lụt bão Nghệ An, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên đi thuyền thẳng tới vùng rốn lũ Hưng Long (còn gọi là xã Bồi). Ông lái đò thấy bọn tôi áo phao tinh tươm mới coóng, bực mình hỏi gằn: Áo phao đâu nhiều thế? Sao lúc tôi xin mấy cái để chở học sinh đi học thì nói hết rồi?

Chẳng ai biết trả lời ông ra sao.

Đứng trên thuyền nhìn xa xa nước ngập lưng nhà, ngọn cây lúp xúp giữa biển nước. Ai nấy lo lắng, chỉ mong sao thuyền chóng vào trong xóm đưa tận tay bà con đồ cứu trợ là nước suối đóng chai và mì tôm.

Những bất ngờ chưa ai kể trong lũ lụt miền Trung - Ảnh 1.

Mùa nước lên, nhiều xóm ở xã Hưng Long (Hưng Nguyên, Nghệ An) trở thành biển nước. Ảnh chụp trong trận lụt ở Nghệ An năm 2010. (Ảnh tác giả cung cấp)

Vào đến trong xóm mới hay mọi thứ không như mình nghĩ, mình lo. Bà con đã quen với lũ, rất giỏi cách thích nghi và chính họ đã tự ổn định cuộc sống của mình trước khi có bất kỳ một sự hỗ trợ, hay cứu giúp nào. Đường làng ngõ xóm đều đã thành hồ, thành sông, thuyền dân, thuyền cứu trợ đi ngang đi dọc gọi nhau í ới.

Chẳng cần đến các nhà khoa học phải nhọc công suy nghĩ, chưa cần đến chính quyền phải lao tâm khổ tứ tính kế an sinh cho người dân vùng rốn lũ, tự cuộc sống, tự nhu cầu sinh tồn bà con đã có những phương pháp thích nghi.

Trẻ con ở đó chống sào đẩy thuyền đi rất thành thạo. Có một cậu bé còn bơi thuyền nhỏ ra giúp chúng tôi cập vào thềm nhà cậu ta. Cánh phóng viên ai nấy mắt ngơ, mày ngác, phục lăn.

Những bất ngờ chưa ai kể trong lũ lụt miền Trung - Ảnh 2.

Một cậu bé chống sào đẩy thuyền ngay trong sân nhà mình. Hình chụp tại trận lụt ở Nghệ An năm 2010. (Ảnh tác giả cung cấp)

Ngoài sân thì chống sào đẩy thuyền, vào đến trong nhà thì nước chỉ còn đến đầu gối, có nhà nền nhà vẫn… khô nguyên. Đặc biệt nhất là nhà bếp, tại đây củi khô đã được bà con tích trữ sẵn, sắp gọn gàng trên một cái bục cao (được xây cho nhiệm vụ chứa củi mùa lũ lụt).

Tôi lội bì bõm một lúc thì vô đến nhà bếp của một gia đình, bà chủ khoe thùng gạo còn cả yến và trên bếp một nồi cơm đang bốc hơi, một nồi cá kho thơm lừng. Tôi ăn cơm với chút cá kho và thấy rất ngon!

Ở ngoài hiên nhà chính, một thùng nước đục nhờ nhờ, chủ nhà bảo nước mới đánh phèn, để lắng là dùng được. Tôi hỏi bà chủ nhà có cần mì tôm không? Đáp: Không. Tôi hỏi: ở đây thiếu cái gì? Bà đáp chẳng thiếu gì cả, thóc lúa chạy hết rồi, à mà thiếu cỏ cho me (con bê) ăn.

Lạ thật! Mùa lũ, từ trên xuống dưới hối hả đem mì tôm, nước suối đóng chai vô cứu trợ bà con, hỏi thì người dân lại bảo là thiếu cỏ cho me ăn. Chúng tôi thực sự là hơi quê.

Những bất ngờ chưa ai kể trong lũ lụt miền Trung - Ảnh 3.

Bếp được tôn cao, tích trữ rất nhiều thực phẩm cho ngày lũ. Hình chụp tại trận lụt ở Nghệ An năm 2010. (Ảnh tác giả cung cấp)

Năm sáu năm đi qua cũng vẫn vậy, đa phần chúng ta đi cứu trợ đồng bào bão lụt đều là đưa cái chúng ta có sẵn, nhanh nhất đến cho bà con mà chưa biết đến bà con thật sự cần gì.

Cũng trong chuyến đi mùa lụt ấy, tôi thấy tại các gia đình, đồ gỗ đã được kê cao, đồ điện thì được kê cao nhất. Tại một nhà, oái oăm thay vẫn còn một cái bàn nổi lềnh phềnh. Hỏi gia chủ thì bà bảo: Cái bàn này ngâm ở đây để chống mọt.

Những bất ngờ chưa ai kể trong lũ lụt miền Trung - Ảnh 4.

Tác giả Sông Hàn, nguyên Phụ trách văn phòng đại diện Bắc miền Trung Tạp chí Vietnam Business Forum. Hiện là Giám đốc nội dung Công ty Cổ phần truyền thông IPT. Đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Thế là mấy ông quan trên thuyền nhảy xuống, hè nhau khênh cái bàn, khênh đi khênh lại, chả đâu vào đâu. 

Cánh phóng viên thì ra sức quay phim chụp ảnh, nhiều anh hào hứng cũng lội bì bõm tìm góc chụp, căn sáng cho tấm hình thêm đẹp.

Chủ nhà cười như nắc nẻ. Phóng viên nạt: Làm sao phải cười? Đang lụt lại cười, phải thê lương vào thế lên ti vi mới xúc động, mới xin được đồ cứu trợ.

Tôi thật chả hiểu ra làm sao.

Nhưng chuyến đi tác nghiệp tại vùng rốn cho tôi hiểu rất nhiều điều. 

Ngay cả nước lũ cũng không làm mất đi nụ cười, cái hồn nhiên trong trẻo của trẻ nhỏ và ngay trong nước lũ người dân luôn biết cách sinh tồn tốt nhất có thể.

Trở lại câu chuyện mùa lũ lụt năm nay. 

Nhiều thông tin cảm động về người dân vùng rốn lũ Hương Khê - Hà Tĩnh được báo giới cung cấp đến độc giả, những hình ảnh bà con sống trên gác mái gây xúc động mạnh. Nhưng xin chớ lo quá, nhiều hộ gia đình ở đây chưa đủ giàu để xây được nhà tầng, họ làm gác mái (gác xép) như một cách tự thích nghi.

Những bất ngờ chưa ai kể trong lũ lụt miền Trung - Ảnh 5.

Người dân xóm Ấp Tiến, xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh) dọn đồ đạc lên nóc nhà để làm nơi sinh hoạt tạm thời trong mưa lũ. Ảnh do PV Ngọc Tú chụp hôm 15/10/2016

Trên đó hẳn đã chứa sẵn, thóc gạo, nước, đồ ăn nấu ăn cho những ngày nước lớn.

Câu chuyện con bò tuyệt vọng mà phóng viên báo Tuổi Trẻ dày công tìm tới cũng cho thấy, người dân không chỉ dành sẵn chỗ trú lụt cho mình mà còn cả cho trâu bò (tài sản hữu hình lớn nhất của bà con).

Mô hình nhà chống lũ lụt là đây chứ là đâu xa? Thực tiễn vẫn mãi là cây đời mãi xanh tươi ngay tại nơi người dân vẫn sống chung với lũ lụt. Thủy điện thì đã "lỡ" xây rồi, chỉ còn mong sao xả nước thực sự "đúng quy trình" để bà con còn có thời gian chạy đồ, chạy người… lên gác mái cho kịp.

Còn nữa, cứu trợ bà con vùng rốn lũ không nhất thiết cứ là mì tôm. Cái mà bà con cần là thuốc men, đặc biệt là các thuốc khử trùng nước, dụng cụ lọc nước tức thời để có thể dùng trong sinh hoạt gia đình, hay áo phao cho trẻ nhỏ và cả người lớn… Chừng mà phóng viên đến hỏi, người dân trả lời nhà chỉ thiếu cỏ cho me ăn, thế là hạnh phúc rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại