TT Trump tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép: Chấp nhận rủi ro cao để cân bằng cán cân kinh tế

Trịnh Ngọc Tiến |

Hôm 8/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm, bất chấp sự phản đối từ nhiều nước như Đức, Anh, Canada và Trung Quốc.

Washington không muốn ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm của mình bị phá sản bởi thép và nhôm nhập khẩu. Do đó, biện pháp bảo hộ họ đưa ra là tăng mức thuế đánh vào những mặt hàng nhập khẩu này; và sẽ không có ngoại trừ đối với bất kỳ quốc gia nào; dù hàng hóa đó có nguồn gốc từ Liên minh Châu Âu hay Trung Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào khác.

Sắc lệnh tăng mức thuế thép và nhôm nhập khẩu của ông Trump được xem như đổ thêm dầu vào lửa; và động thái này được dự báo sẽ làm gia tăng sự giận dữ của các nền kinh tế trên khắp thế giới

Đối tác nào sẽ chịu thiệt hại lớn nhất?

Đối tượng chịu thiệt lớn nhất khi Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu thép, nhôm chính là các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong khối quân sự NATO, bao gồm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Canada. Những quốc gia và vùng lãnh thổ này luôn chiếm ưu thế trong thị trường nhôm và thép nhập khẩu tại Mỹ.

Việc nhập khẩu thép và nhôm ở nước ngoài cho phép các doanh nghiệp lớn của Mỹ giảm chi phí sản xuất các sản phẩm chứa kim loại: từ vỏ đồ uống đến ống thép. Nhưng cũng chính vì lý do này, ngành sản xuất thép của Mỹ hiện nay đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng: nhiều công ty sản xuất thép và nhôm lớn của Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Chủ Nhà Trắng đổ lỗi cho các hiệp định thương mại tự do của nước này, rằng chúng không phải lúc nào cũng phục vụ lợi ích của Mỹ. Ông Trump cho biết: "Hiện tại cán cân thương mại với nước ngoài của chúng tôi đang âm 800 tỉ USD một năm; tất cả đều do các hiệp định thương mại bất lợi đối với Mỹ.

Kể từ khi đắc cử vào vị trí lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump đã tìm cách khắc phục sự mất cân bằng cán cân thương mai bằng hai cách: Một là gây áp lực lên Trung Quốc, hoặc với các đồng minh châu Âu. Hai là chọn phương án tăng thuế nhập khẩu. Lần này ông Trump đã chọn phương án thứ hai.

Hành động của Mỹ đã bị EU phản ứng ngay lập tức. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabiel phát biểu: "Điều này là không thể chấp nhận được, việc đơn phương tăng thuế nhập khẩu thép lên 25% sẽ đe dọa hàng chục nghìn việc làm của nước Đức. Chúng ta phải quyết tâm bảo vệ hàng hóa xuất khẩu".

Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định: "Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có biện pháp hữu hiệu thể bảo vệ nền công nghiệp thép của Canada".

Trong khi đó, ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, thậm chí còn đề xuất nhiều biện pháp trả đũa mạnh tay hơn như hạn chế đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào EU như quần jeans, xe máy và rượu. Tổng thống Trump đã ngay lập tức có tuyên bố đáp trả mạnh mẽ khi quyết định tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô Đức.

TT Trump tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép: Chấp nhận rủi ro cao để cân bằng cán cân kinh tế - Ảnh 1.

TổngTrump kí sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm hôm thứ Năm (8/3) vừa qua. Ảnh: Reuters.

Những ý kiến hoan nghênh Trump

Trong 6 tháng qua, đây là lần thứ hai Mỹ đe doạ lợi ích kinh tế của EU. Hồi tháng 8/2017, ông Trump đã ký một sắc lệnh trừng phạt đối với tất cả những đối tượng hợp tác với các công ty Nga (trừ một số ngành công nghiệp).

Rủi ro của các hạn chế thương mại, nhất là quyết định mới nhất của ông Trump, đang đe dọa các công ty của Áo, Đức và Pháp, hiện đang tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Ngoại trưởng Đức Gabriel, Thủ tướng Áo Kern và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker đã bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, họ vẫn chưa hành động, bởi họ chủ trương giảng hòa với Mỹ.

Liên minh Châu Âu đang phụ thuộc vào những nhượng bộ từ Mỹ, ít nhất là đối với các chính sách bảo hộ. Trước đây từng có một tiền lệ: năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bush đã tăng thuế thép nhập khẩu; nhưng trong năm 2003, ông này đã hủy bỏ quy định tăng thuế để đổi lấy sự ủng hộ của châu Âu trong nhiều vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không có ý định từ bỏ những tuyên bố của mình. Vốn xuất thân từ một nhà kinh doanh, nên ông Trump coi trọng sự cân bằng thương mại với các đối tác châu Âu, bởi đó là việc thực hiện các lời hứa của ông trong vận động bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo quan điểm của ông Trump, châu Âu phải chịu trách nhiệm cho những hệ lụy của việc nhập khẩu nhôm thép, cụ thể là tình trạng người dân Mỹ mất việc làm.

Nhà phân tích chính trị Nga Alexei Makarkin tin rằng, ông Trump có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của phần lớn đảng viên Cộng hòa, và thậm chí một số đảng viên Dân chủ trong vấn đề này. "Tại nhiều địa phương của Mỹ, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và các cử tri địa phương muốn được bảo vệ thông qua các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Các nghị sĩ từ các bang có thế mạnh về sản xuất thép và nhôm sẽ hoan hô Tổng thống Trump. Họ không muốn có một cuộc chiến tranh thương mại lớn, nhưng họ có khuynh hướng ủng hộ áp dụng các biện pháp hạn chế bảo hộ".

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập Joe Munchin thuộc bang West Virginia nhấn mạnh: "Tự do thương mại chưa bao giờ có hiệu quả, đặc biệt trong tiểu bang của tôi. Hàng ngàn người dân bị mất việc làm; do đó tôi ủng hộ những quyết định hiện tại của Tổng thống Trump. Đây là hành động cần thiết để giữ lại việc làm ở đất nước chúng ta".

TT Trump tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép: Chấp nhận rủi ro cao để cân bằng cán cân kinh tế - Ảnh 2.

Ảnh: Savannah, GA.

Quyết định châm ngòi cho cuộc chiến thuế quan

Các chuyên gia đều nhất trí với quan điểm rằng Tổng thống Trump đã đi ngược xu thế phát triển của thế giới khi ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ. Điều này đã gây ra những hệ lụy ngay với chính nước Mỹ, cũng như toàn thế giới.

Học hỏi từ nhà lãnh đạo Mỹ, người đứng đầu "Mặt trận Quốc gia" Pháp Marin Le Pen đề nghị Paris cần đưa ra những hạn chế thương mại riêng đối với hàng nhập khẩu nước ngoài để giúp khôi phục ngành sản xuất đồng hồ, đồ chơi trẻ em và giày dép. Đó là những ngành sản xuất từng nổi tiếng một thời của Pháp, nhưng đã bị phá sản vì không cạnh tranh được với mặt hàng nhập khẩu giá rẻ.

Phó Giáo sư Yevgeny Itzakov, giáo sư dự khuyết Khoa Kinh tế và Khoa học xã hội (FESN) của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RANHIGS) đánh giá: Hành động của Tổng thống Mỹ cũng có thể mang lại lợi ích cho nước Mỹ, bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ của các quốc gia khác.

"Chính sách bảo hộ của ông Trump tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển; mặc dù nó khiến đồng USD suy yếu so với đồng nhân dân tệ hay đồng euro, làm cho hàng hóa Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường.

Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã cố gắng hướng người dân nghĩ đến những thành tựu của nước Mỹ giữa thế kỷ XX. Kết quả là, nền kinh tế Mỹ trong thời gian qua cho thấy sự tăng trưởng ổn định; tuy nhiên nền kinh tế châu Âu lại không được như vậy vì những vấn đề nội khối, khủng hoảng người di cư, khủng bố. Trong khi đó Trung Quốc cố gắng tìm kiếm việc tăng dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD, thông qua việc tiếp tục mua trái phiếu của Chính phủ Mỹ", Phó Giáo sư này cho biết.

Chuyên gia Sergei Hestanov, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc phụ trách kinh tế vĩ mô của công ty môi giới Otkryt Broker cũng nói về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra; bởi trong khi nỗ lực sửa chữa sự mất cân bằng kinh tế, nước Mỹ đang sử dụng con dao hai lưỡi khi dùng con bài thuế quan.

"Việc tăng thuế nhập khẩu rất dễ dẫn đến cuộc chiến về thuế quan và điều này sẽ dẫn đến việc trả đũa lẫn nhau khi các bên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo hộ nền sản xuất của nước mình. Điều này giống như hiệu ứng ‘quả cầu tuyết’. Điều tương tự đã xảy ra năm 1929 và góp phần hình thành những điều kiện tiên quyết cho cuộc Đại khủng hoảng và suy thoái ", nhà kinh tế này cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại