TT Trump bỏ mặc các đồng minh, tặng quà vô giá cho Israel: "Đòn trời giáng" với thế giới

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Đối với thế giới bên ngoài thì chủ định của ông Trump gây ra hậu quả rất nguy hiểm về chính trị an ninh và hệ luỵ rất tai hại về pháp lý quốc tế.

Mới chỉ là sự thể hiện chủ ý thông qua Twitter chứ chưa phải là quyết định chính thức nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã khuấy động lo ngại sâu sắc trên thế giới về bước đi manh động tiếp bất chấp luật pháp quốc tế của ông sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ông Trump cho rằng "đã đến lúc Mỹ công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel". Chỉ có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồ hởi và phấn khích chứ còn các đồng minh và đối tác của Mỹ ở trong cũng như bên ngoài khu vực Trung Đông đều ngần ngại và không đồng tình.

Đối với Israel, sự công nhận này của Mỹ là món quà vô giá về chính trị cũng như địa chiến lược. Nhưng đối với thế giới bên ngoài thì chủ định kia của ông Trump gây ra hậu quả rất nguy hiểm về chính trị an ninh và hệ luỵ rất tai hại về pháp lý quốc tế.

TT Trump bỏ mặc các đồng minh, tặng quà vô giá cho Israel: Đòn trời giáng với thế giới - Ảnh 1.

Ông Trump từ bên ngoài trong thực chất đã hoạt động vận động tranh cử giúp ông Netanyahu qua tuyên bố về cao nguyên Golan dù chỉ trên twitter. Ảnh: Reuters

Chủ ý với hệ luỵ tai hại

Cao nguyên Golan xưa nay thuộc về Syria. Israel chiếm vùng lãnh thổ này trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sát nhập vào lãnh thổ Israel năm 1981. LHQ xác nhận chủ quyền hoàn toàn của Syria đối với cao nguyên Golan, coi hành động của Israel với Golan là vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ này cho Syria.

Đấy cũng là quan điểm thái độ chính thức của Mỹ xưa nay về cao nguyên Golan. Hai nghị quyết liên quan của HDBA LHQ với nội dung như trên là 242 ngày 22.11.1967 và 497 ngày 17.12.1981 đều được Mỹ ủng hộ.

Chủ ý nói trên của ông Trump về cao nguyên Golan không chỉ bất chấp luật pháp quốc tế mà còn trái ngược hoàn toàn quan điểm liên quan từ trước đến nay của Mỹ.

Bên ngoài có thể bị bất ngờ nhất định bởi việc ông Trump công khai chủ ý này, nhưng nếu soi vào hệ quan điểm mà ông Trump đã bộc lộ cho đến nay về Israel và lợi ích trước mắt của ông Trump trong chuyện này thì sẽ lại không thể không thấy chủ ý đó có phần logic. Thể hiện ở những nét sau đây.

Thứ nhất, triết lý hoạch định chính sách và phương châm hành động lâu nay của ông Trump là không bắt buộc phải tôn trọng và tuân thủ mà chỉ cần lợi dụng luật pháp quốc tế, tức là chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế khi việc ấy có lợi cho Mỹ và sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế khi việc ấy có thể có lợi cho Mỹ.

Chẳng phải mọi quyết sách về đối ngoại và kinh tế đối ngoại cho tới nay của ông Trump đều không phải như thế hay sao? Cho nên cả ở ý định công nhận Israel có chủ quyền đối với cao nguyên Golan, lợi ích đối với ông Trump mới đóng vai trò quyết định chứ không phải chuyện tuân thủ hay bất chấp luật pháp quốc tế.

TT Trump bỏ mặc các đồng minh, tặng quà vô giá cho Israel: Đòn trời giáng với thế giới - Ảnh 2.

Thứ hai, quyết sách này không phải là ngẫu hứng mà là bước đi tiếp theo trong quan điểm chính sách của ông Trump đối với Israel và khu vực Trung Đông.

Chỉ cần nhìn vào những diễn biến sau thì thấy rõ: Trước tiên là điều chỉnh cơ bản chính sách của Mỹ đối với Palestin, rồi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem cùng với sát nhập cơ quan đại diện của Mỹ ở Palestin vào đại sứ quán này, rồi không sử dụng cụm từ "Israel chiếm đóng" mà sử dụng "Israel kiểm soát" những khu vực lãnh thổ mà Israel đã xâm chiếm từ năm 1967 đến nay.

Thứ ba, chủ ý này được ông Trump tung ra vào thời điểm ngay trước cuộc bầu cử quốc hội ở Israel mà không loại trừ khả năng ông Netanyahu bị thất cử. Ông Trump từ bên ngoài trong thực chất đã hoạt động vận động tranh cử giúp ông Netanyahu.

Hơn nữa việc này cũng còn lại ngay trước đại hội thường kỳ của tổ chức vận động hành lang rất uy quyền cho Israel ở Mỹ AIPAC. Tới đây, ông Trump rất cần sự hậu thuẫn của AIPAC nếu muốn thực hiện thành công ước vọng được tái đắc cử Tổng thống Mỹ trong năm tới.

Thứ tư, việc này còn rất có thể liên quan đến quyết sách của ông Trump rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria. Thông điệp của ông Trump từ đấy là Mỹ vẫn có vai trò ở Syria.

Ông Trump nổi danh là người dễ dàng và nhanh chóng thay đổi quan điểm. Ông Trump lật ngược đường lối chính sách của những người tiền nhiệm như thế nào thì người kế nhiệm rồi đây cũng có thể lật ngược mọi quyết sách của ông Trump, kể cả đối với Israel, Jerusalem hay cao nguyên Golan.

Nhưng chừng nào ông này còn cầm quyền ở Mỹ và cứ tiếp tục những chính sách như thế thì hệ luỵ vẫn sẽ rất nguy hại đối với luật pháp quốc tế và an ninh, ổn định ở khu vực này.

Ông Trump tạo ra những sự đã rồi là cứ bất chấp luật pháp quốc tế mà tiến hành chiến tranh để chiếm đóng lãnh thổ của quốc gia khác. Sau cao nguyên Golan rồi rất có thể sẽ là dải Gaza.

Với những quan điểm chính sách như thế, ông Trump làm hài lòng Israel bao nhiêu thì lại khiến các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực nghi ngại và khó xử bấy nhiêu, Mỹ không thể tránh khỏi bị cô lập thêm trên thế giới và như thế về lâu dài lại có lợi cho những đối tác khó khăn hay đối thủ của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran, Israel cũng càng thêm khó hoà giải với các nước trong thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo.

Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại