"Cấm quân" của lãnh tụ Iran đổ về biên giới sau khi thủ tướng Iraq theo Mỹ cấm vận Tehran

Hải Võ |

Lực lượng bán quân sự của Iran, được biết đến với tên gọi "Lữ đoàn Al-Sabreen", đã được triển khai tới khu vực biên giới giữa nước này với Iraq.

Lực lượng đặc biệt của Iran đến gần biên giới Iraq

Al-Sabreen là lực lượng phụ trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei và báo cáo công việc trực tiếp với văn phòng của nhà lãnh đạo.

Nhật báo Al-Jarida của Kuwait đưa tin hôm 12/8, cho biết ông Khamenei đã trực tiếp ra lệnh việc triển khai các thành viên "cấm vệ quân" của ông tới biên giới với Iraq.

Còn theo Gulf News, động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 8/8 tuyên bố nước này sẽ tuân thủ các lệnh cấm vận mới của Mỹ nhằm vào Tehran, dù ông al-Abadi gọi bước đi mới của Washington là "sai lầm chiến lược".

Al-Sabreen hoạt động độc lập với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - tức quân đội Iran, trong khi lực lượng tinh nhuệ Quds của IRGC chịu trách nhiệm chính trong bảo vệ biên giới Iran, cũng như hỗ trợ các nhóm vũ trang thân Tehran ở Iraq và Syria.

Khoảng 1.200 thành viên Al-Sabreen đã được điều động, bên cạnh 10.000 lính IRGC hiện diện ở biên giới hai nước - báo cáo cho hay.

Theo Al-Jarida, các đơn vị bảo vệ lãnh tụ Iran thường được bố trí tới những khu vực mà ông đến thăm hoặc thị sát.

Tuy nhiên, hiện không có thông tin gì về khả năng ông Khamenei muốn tới thăm vùng biên giới với Iraq hay sẽ công du nước láng giềng trước thềm lễ hội Ashura của người Hồi giáo dòng Shiite vào tháng 9.

Nếu nhà lãnh đạo này thăm Iraq thì đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông trở thành lãnh đạo tối cao của Iran năm 1989.

Tờ Al-Arabiya (Saudi Arabia) cho biết, các nguồn tin của họ thân cận với đại sứ quán Iran ở Baghdad không bình luận hay đề cập gì khả năng ông Khamenei thăm Iraq.

Lệnh cấm vận Mỹ: Iraq cũng đau vì đòn đánh Iran

Iran từng hỗ trợ nhanh chóng và vô điều kiện cho chính quyền Baghdad sau khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy ở miền Bắc Iraq vào năm 2014. Điều này khiến hành động mới đây của chính quyền ông Al-Abadi vấp phải chỉ trích gay gắt từ các tầng lớp giới chức cũng như dư luận Iran.

Một quan chức Iran thậm chí đã gợi lại những ký ức về cuộc chiến tranh Iran-Iraq, theo Al-Monitor.

Cấm quân của lãnh tụ Iran đổ về biên giới sau khi thủ tướng Iraq theo Mỹ cấm vận Tehran - Ảnh 2.

Chính quyền thủ tướng Iraq Al-Abadi quyết định phối hợp với Mỹ trong thực thi lệnh cấm vận Iran (Ảnh: Reuters)

Cấm vận của Mỹ sẽ làm sụt giảm thương mại giữa hai nước, bởi toàn bộ giao dịch dòng tiền và vận hành ngân hàng được thực hiện bằng đồng USD. Kim ngạch thương mại Iran-Iraq đã vượt mức bình quân 12 tỉ USD/năm, làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế Iraq cũng chịu tác động xấu.

Khi loạt cấm vận mới có hiệu lực từ tháng 11 tới, Baghdad sẽ phải ngừng xuất khẩu dầu sang Iran để tránh bị rơi vào thế đối đầu với Mỹ. Đồng thời, nước này cũng phải ngưng nhập khẩu khí đốt Iran và đứng trước nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng thiếu điện.

Ngoài ra, ảnh hưởng từ cấm vận Iran cũng sẽ khiến chính quyền Al-Abadi gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đạt được các mục tiêu về tài chính. Nhưng nếu không tuân thủ, lĩnh vực ngân hàng của Iraq sẽ tự động bị liệt vào "danh sách đen" của chính quyền tổng thống Donald Trump và khiến Baghdad lao đao hơn nữa.

Ông Al-Abadi cũng đã hủy bỏ chuyến thăm Iran theo lịch trình ban đầu vào ngày 14/8. Dù vậy, ông phải xoa dịu Tehran bằng việc diễn giải lại phát biểu trước đó, rằng "Iraq sẽ chỉ thực thi lệnh cấm giao dịch bằng đồng USD với Iran, chứ không phải toàn bộ gói cấm vận mới mà Mỹ áp đặt lên Iran".

Thêm vào đó, Tehran có thể trả đũa bằng cách kích hoạt Điều 6 trong Nghị quyết 598 của Liên hợp quốc về việc kết thúc chiến tranh Iran-Iraq, mà theo đó, Iraq bị yêu cầu bồi thường 1.1 nghìn tỉ USD cho Iran.

TT Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại