TS Đinh Thế Hiển: “Các khu đất quan trọng hoàn toàn có thể rơi vào tay công ty Trung Quốc theo cơ chế mua cổ phần”

Ngô My |

Trong 4 tháng đầu năm nay, số lượt góp vốn, mua cổ phần của DN Trung Quốc đối với DN Việt Nam đã tăng 38%.

Bộ Quốc phòng mới đây đã cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc. Những cá nhân, doanh nghiệp này đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê ở những khu vực đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Cũng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp diễn ra vào sáng 09/05, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảnh báo: "Hiện tượng mua bán, sáp nhập Doanh nghiệp trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các Doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ".

Cảnh báo này được phân tích kỹ hơn khi số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong tháng 4 bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, có đến hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước. Tính từ đầu năm đến nay, lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu đô la Mỹ.

So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (38%) với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu đô la.

Một số chuyên gia cho rằng, khả năng lượt thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nhiều hơn nếu tính cả hình thức đầu tư dạng "núp bóng".

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học & Kinh tế ứng dụng đã chia sẻ một số ý kiến.

Người Trung Quốc mua đất ở Việt Nam: Nỗi lo là có cơ sở

Trước những e ngại liên quan đến việc mua bán bất động sản của người Trung Quốc tại Việt Nam, góc nhìn của ông thế nào?

Hiện nay đang có lo ngại về việc công ty Trung Quốc mua nhiều bất động sản tại Việt Nam. Nỗi lo này là có cơ sở vì có những khu đất không nên cho mua, ví dụ như đất liên quan đến cảng biển hay cảng sông, vì đây là các huyết mạch logistics.

Ở các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Chính phủ vốn rất thoáng trong vấn đề mua bán sáp nhập doanh nghiệp (DN), trải thảm cho đầu tư nước ngoài nhưng họ cũng đã đưa ra cơ chế để ngăn chặn chuyện công ty Trung Quốc thâu tóm những DN quan trọng trong nước, những DN sản xuất sản phẩm thiết yếu.

Ở Việt Nam, người Trung Quốc có thể không mua được đất nhưng họ mua cổ phần của công ty đang quản lý khu đất gần cảng biển hay cảng sông, và trở thành "chủ" khu đất luôn. Đó là vấn đề ta phải lường trước.

Một phương diện khác là các vị trí quan trọng về quân sự. Ví dụ, có tập đoàn bất động sản xin đầu tư tại đảo Lý Sơn, nhưng đó là một công ty cổ phần, hoàn toàn có thể có quỹ của nước ngoài đầu tư vào. Lý Sơn làm du lịch cũng tốt nhưng đó cũng là cửa ngõ ra Hoàng Sa, ta phải cân nhắc, đâu thể vì kinh tế mà trải thảm đỏ.

Do vậy, cần chú ý những cảng quan trọng như Quy Nhơn, cảng sông Bến Lức, cảng biển khu vực Thị Vải, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển diện tích rất lớn như Vân Đồn, Sầm Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... do các công ty cổ phần nắm giữ hoặc cổ phần hóa từ công ty nhà nước, hoàn toàn có thể rơi vào tay công ty Trung Quốc theo cơ chế mua cổ phần.

Chính Phủ nên có những chính sách, quy định để không cho điều này xảy ra trong việc M&A doanh nghiệp như một số nước Âu Mỹ đang làm.

TS Đinh Thế Hiển:

Có thể chia đất mà người Trung Quốc thuê/mua thành 3 nhóm. Một là nhóm dự án công nghiệp như Vũng Áng, Vĩnh Tân, bô xít (Tây Nguyên)… Các dự án này nằm ở các vị trí thiết yếu của quốc gia, có ý nghĩa chiến lược, ví dụ như Tây Nguyên – được xem là "nóc nhà" của miền Nam.

Nhóm thứ hai là đất nông nghiệp. Với nhóm này, người Trung Quốc thường nhờ người Việt Nam đứng tên giúp, ví dụ như 15.000ha đất trồng thanh long ở Bình Thuận. Ở miền Tây Nam Bộ cũng có hiện tượng này. Cũng dễ hiểu khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn, người Trung Quốc sang đây thuê/mua làm trang trại rồi làm ăn. Nhóm này mang tính đầu tư thuần túy.

Nhóm thứ ba là các dự án bất động sản. Đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao, trong khi đó nhà đầu tư Trung Quốc lại có kinh nghiệm và thế mạnh về vốn. Họ sang Việt Nam mua bán dự án cũng là một hoạt động kinh doanh kiếm lời.

"Nhà nước không thể và cũng không có nhiệm vụ phải bảo vệ cho những người buộc phải bán công ty vì kinh doanh thua lỗ"

Cùng với lo ngại về việc nhà đầu tư Trung Quốc có thể nắm các khu đất quan trọng thông qua việc mua cổ phần của doanh nghiệp, còn có cảnh báo về nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm giá rẻ mà nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang là đối tượng mua mạnh . Ông đánh giá ra sao?

Những ảnh hưởng của dịch Covid -19 đã khiến cho nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ. Bên cạnh đó, việc cổ phiếu giảm giá mạnh làm dấy lên những lo ngại về làn sóng mua rẻ, thâu tóm DN sau đại dịch.

Nhưng không chỉ Trung Quốc hay châu Á, các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu cũng gia tăng góp vốn, mua cổ phần của DN Việt trong 4 tháng đầu năm nay.

Trước hết nói về câu chuyện thâu tóm DN thì ở đây có 2 loại hình.

Thứ nhất là DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khi giá cổ phiếu giảm mạnh sẽ xuất hiện những lực lượng mua vào và chiếm tỷ lệ chi phối, làm dấy lên những nghi ngại về kịch bản thâu tóm đang được nói đến hiện nay.

Song cũng phải nhìn nhận tình hình thị trường chứng khoán đi xuống là tình hình chung của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam nên không thể coi là bất thường. Ngoài ra, với các DN có vốn hoá lớn thì khả năng bị đối tác đầu tư thâu tóm cũng thấp, do chi phí rất lớn.

Thực tế, muốn thâu tóm thì phải nhắc đến quan hệ của các cổ đông lớn bởi nếu có các quỹ đầu tư tài chính thì các đối tác khó mà thâu tóm được. Những quỹ này chỉ mua chứ không thâu tóm DN. Tuy nhiên khi những quỹ này rời đi thì khả năng bị thâu tóm rất cao.

Thứ hai, đối với nhóm DN chưa niêm yết, không phải công ty đại chúng, thông thường chỉ là của một ông chủ. Khi ông chủ đó cảm thấy không thể duy trì tốt nhất cho DN của mình thì sẽ phải bán đi. Điều này với cá nhân người mất công ty có thể là chuyện xấu nhưng với nền kinh tế lại là chuyện tốt. Nhà nước không thể và cũng không có nhiệm vụ phải bảo vệ cho những người buộc phải bán công ty vì kinh doanh thua lỗ.

Cũng có ý kiến cho rằng trước làn sóng mua bán DN trỗi dậy trong thời gian tới, nên làm cách nào đó để DN nội mua lại DN nội hơn là để ngoại mua nội. Tôi nghĩ rằng không nên quan niệm như vậy vì trong nền kinh tế hiện nay nếu DN hoạt động tốt thì dù là vốn trong nước hay nước ngoài cũng được.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất Chính phủ chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để hạn chế nguy cơ "bị thâu tóm". Đề xuất này có cơ sở pháp lý hay không? Và theo ông, nó có phải là giải pháp phù hợp không?

Tôi thấy chuyện đó không nên. Nó sẽ tạo ra tiền lệ là khi có vấn đề phải lo lắng, không quản được là cấm. Và cũng thiếu cơ sở pháp lý để có thể tạm dừng các hoạt động M&A hiện nay.

Không còn thời của cá lớn nuốt cá bé mà là con cá nhanh sẽ giành chiến thắng

Khi DN Việt Nam bán cho cổ đông nước ngoài, liệu chúng ta có mất đi những thương hiệu lớn?

Trong bối cảnh hiện nay thì DN sáng tạo mới là quan trọng, nhiều DN có thể phải bán mình nhưng nhiều DN khác cũng được hình thành. Và trong nền kinh tế 4.0 như hiện nay thì sức mạnh của sự sáng tạo rất lớn, nó có thể đưa các DN từ xuất phát điểm thấp nhanh chóng trở thành những thương hiệu lớn trong nước, vươn ra khu vực và thế giới.

Bây giờ không còn thời của cá lớn nuốt cá bé mà là con cá nhanh sẽ giành chiến thắng. Nếu cứ cố chấp giữ lại những DN yếu ớt thì cũng khó để hình thành những thương hiệu mạnh trong tương lai.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là nhà nước thờ ơ với những khó khăn của DN. Chính phủ cũng đã nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ cho DN nhưng vẫn phải khẳng định lại nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ hết cho DN đặc biệt là các DN không thể tự mình quản trị rủi ro.

Nhìn theo hướng ngược lại, có thể có cơ hội để doanh nghiệp Việt thâu tóm doanh nghiệp ngoại không?

Điều này không quan trọng bằng câu hỏi "dùng nguồn vốn nào để thâu tóm".

DN Việt Nam trong những năm gần đây có vẻ thích thú với việc tăng tỷ lệ sở hữu tại DN. Cơ cấu vốn đầu tư từ các đối tác chiến lược càng ngày càng giảm đi, tôi cho rằng đây là điều không tốt.

Chúng ta đang ca ngợi những ông chủ Việt, cũng tốt thôi nhưng nó vô tình lại cổ vũ cho các đại gia là chủ công ty mà không phát triển một cách thực sự kết cấu vốn của 1 công ty cổ phần đại chúng với sự tham gia của đối tác chiến lược trong Hội đồng quản trị. Kết cấu vốn và quản trị như vậy mới có thể đưa công ty trở thành công ty lớn, sử dụng nguồn vốn thực sự từ thị trường để thực hiện chiến lược kinh doanh.

Một công ty cổ phần đại chúng phải thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó có nguồn vốn đầu tư tài chính từ các tổ chức như quỹ đầu tư. Còn nếu DN chỉ dùng vốn của ông chủ để đi thâu tóm thì nó không mang ý nghĩa lớn.

DN Việt hoàn toàn có thể thâu tóm nước ngoài nếu như chúng ta có kết cấu vốn tốt như vậy và một ban quản trị tốt.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại