Truy tìm kẻ hủy hoại Đại thư viện Alexandria

Thy An |

Đại thư viện Alexandria là một trong các kho sách lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới cổ đại.

Tương truyền, nó tập hợp được gần 1 triệu tài liệu văn bản từ khắp Assyria, Hy Lạp, Ấn Độ… lừng danh “thủ đô tri thức toàn cầu”.

Nỗi tiếc nuối muôn đời

Theo Thư của Aristeas (Letter of Aristeas) được viết vào khoảng năm 180 - 145 trước Công nguyên, Đại thư viện Alexandria được thành lập dưới thời Ptolemy I Soter (367 - 282 TCN), vị tướng kiêm nhà sử học và người kế vị của Alexandros Đại đế (356 - 323 TCN) tại Ai Cập.

Người được Ptolemy I giao nhiệm vụ xây dựng thư viện này là nhà hùng biện Demetrius (350 - 280 TCN), một trong các học trò của Aristoteles (384 - 322 TCN), triết gia Hy Lạp nổi tiếng.

Vị trí được Demetrius chọn để xây dựng Đại thư viện Alexandria nằm trong Thành Alexandria. Trước khi bị Alexandros Đại đế xâm lược và chuyển giao tới tay Ptolemy I, Alexandria là Kinh đô Memphis của Ai Cập.

Ngay từ lúc mới đặt chân đến “đất nước sông Nile”, Ptolemy I đã biết rõ phải “nhập gia tùy tục” thì mới mong giữ vững được vị trí đế vương. Ông nỗ lực lấy lòng dân Ai Cập bằng nhiều cách, bao gồm từ đảm nhận vai trò pharaoh đến thành lập giáo phái Serapis sùng bái thần Sarapis (vị thần Hy Lạp - Ai Cập) và quan tâm đời sống học thuật, trao học bổng cũng như hỗ trợ công việc giảng dạy. Đại thư viện Alexandria là hiện thân của sự cố gắng cao nhất, chứng minh Ptolemy I hết lòng vì tương lai và sự phát triển của Alexandria.

Các nguồn tư liệu cổ mô tả, Đại thư viện Alexandria là tòa nhà to lớn, có khuôn viên rộng rãi. Cấu trúc bên trong gồm hội trường, các khu giá sách được phân loại theo chủ đề và phòng đọc, phòng thảo luận, phòng ăn…

Dưới sự bảo trợ của của Ptolemy I, Demetrius chỉ việc đi thu thập các tài liệu bằng văn bản, đem về chất đầy trong Đại thư viện Alexandria. Sau khi Ptolemy I băng hà, người kế nhiệm của ông là Ptolemy II (308 - 246 TCN) càng nhiệt tình với Đại thư viện Alexandria hơn. Ông không tiếc tiền thu mua sách, thậm chí phái các đặc vụ hoàng cung đi khắp nơi thu thập tài liệu văn bản, mua toàn bộ không kể cũ, mới, bản sao hay bản gốc.

Trải qua thời gian, tên tuổi của Đại thư viện Alexandria vang xa, thu hút các học giả khắp nơi đến nghiên cứu, trao đổi và viết, tặng thêm sách. Ở thời kỳ thịnh vượng, ước tính nó có đến khoảng 700 nghìn cuộn sách cổ, được người đời đặt cho biệt danh vinh dự nhất: Thủ đô tri thức của thế giới. Không ngờ, thư viện vĩ đại bậc nhất này lại biến mất, không để lại bất cứ dấu tích nào chứng minh sự tồn tại.

Những kẻ tình nghi

Truy tìm kẻ hủy hoại Đại thư viện Alexandria - Ảnh 1.

Thời thịnh vượng, Đại thư viện Alexandria có tới 700 nghìn cuộn sách. Ảnh: Pinterest.com

Tư liệu cổ không có bất cứ văn bản nào đề cập đến nguyên nhân biến mất của Đại thư viện Alexandria. Tuy nhiên, người đời sau vẫn dựa vào các biến động lịch sử và đưa ra 3 đối tượng tình nghi. Thứ nhất là các tín đồ Cơ đốc giáo cực đoan.

Trong khi Ptolemy I và các hậu duệ của ông cố gắng dung hòa với tín ngưỡng của người Ai Cập thì các hoàng đế La Mã khác lại ngược lại, bằng mọi cách cấm đoán ngoại giáo.

Họ ban hành và thực thi sắc lệnh bài trừ ngoại đạo, cho phép tín đồ Cơ đốc giáo phá hủy các công trình tín ngưỡng của các tôn giáo khác, cưỡng ép cải đạo. Tại Alexandria, có 2 đền thờ lớn bị đập vỡ là Đền Serapeum và Đền Serapis. Có khả năng, Đại thư viện Alexandria cũng bị phá hủy và đốt sạch trong cuộc bài trừ này.

Đối tượng tình nghi số 2 là tín đồ Hồi giáo. Giống như Cơ đốc giáo, Hồi giáo thời gian này cũng không chấp nhận ngoại đạo. Họ có khả năng đã phá hủy Đại thư viện Alexandria vì các cuốn sách của nó “không cần thiết và không phù hợp với Kinh Qur'an”.

Đối tượng tình nghi số 3 và cũng là người bị nghi ngờ nhiều nhất là Julius Caesar (100 - 44 TCN), đại tướng quân kiêm nhà độc tài La Mã. Vào năm 48 TCN, Caesar bao vây Alexandria và hạ lệnh đốt thành. Đại thư viện Alexandria nhiều khả năng bị cuốn vào đám cháy, toàn bộ sách cổ bị đốt thành tro.

Tự sụp đổ?

Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng, Đại thư viện Alexandria không hề bị đốt cháy mà là tự sụp đổ. Thời cổ đại, các nhà cai trị thường sử dụng chính sách “ngu dân”, không có mấy người muốn phát triển lĩnh vực giáo dục.

Nhà Ptolemy đến đời Ptolemy VIII (182 - 116 TCN) cũng thay đổi điều lệ, chuyển sang thanh trừng giới trí thức. Ngay cả thủ thư trưởng của Đại thư viện Alexandria đương thời là Aristarchus (220 - 143 TCN) cũng phải buông bỏ chức vụ và chạy trốn đến đảo Síp để giữ lấy tính mạng.

Giống như Aristarchus, các học giả khác, trong đó có nhà ngữ pháp học Dionysius Thrax (170 - 90 TCN) và sử gia Apollodorus (180 - 120 TCN), cũng phải chạy trốn và lưu vong tứ phương. Bị bỏ trống, Đại thư viện Alexandria với hầu hết sách là các cuộn cói dần bị mục nát.

Bước sang thời đại sau Công nguyên, bản thân tòa nhà Đại thư viện Alexandria cũng xuống cấp trầm trọng. Vào khoảng năm 270 - 275 SCN, Thành Alexandria bị Đế quốc Palmyrene (260 - 273 SCN) xâm lược.

Đại thư viện Alexandria vốn đã hoang tàn không chịu nổi sự tàn phá của đội quân xâm lăng, bị nghiền vụn thành đất đá. Ngay cả thư viện con của nó là Tiểu thư viện Serapeum cũng bị phá hoại vào năm 391 SCN, theo sách lệnh cấm sách của đại tư tế Theophilus (385 - 412 SCN).

Ngoài ra, còn 2 giả thuyết khác. Thứ nhất là Đại thư viện Alexandria chỉ bị vùi lấp ở đâu đó, chưa được phát hiện và khai quật. Thứ 2 là ngay từ đầu đã không tồn tại thư viện này. Sự có mặt của nó chỉ là lời bịa đặt của ai đó và, vô tình, lời bịa đặt này được người khác tin tưởng rồi thổi phồng lên, khiến người đời sau cứ ngỡ là thật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại