Trang cá nhân của nhà báo Trương Anh Ngọc từ chiều qua (7/3) đã trở nên "rôm rả" hơn bao giờ hết với những tranh luận từ nhẹ nhàng tới gay gắt để bảo vệ ý kiến, quan điểm về cái đẹp những người đàn ông.
Cái sự bỗng nhiên rôm rả ấy xuất phát từ quan điểm mà nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ thế này trên facebook: "Chúng ta sống trong một đất nước mà rất nhiều người trong cánh đàn ông mê mẩn thân hình của Ngọc Trinh, nhưng lại chỉ chờ Ngọc Trinh mở mồm ra là nói cô thiếu não, bất kể cô nói gì.
Trong khi đó, rất nhiều lời của Trang Hạ về cách sống không ổn của cánh đàn ông trong gia đình là đúng, thì cánh mày râu lại chỉ tìm cách đập lại nữ văn sĩ bằng việc chê nhan sắc của cô...".
Các chị em phụ nữ đọc hẳn nhiên sẽ thích thú, gật đầu đồng ý còn các anh thì cảm thấy tức anh ách, thế là đôi bên cứ nhất quyết phải nói cho bằng được, bảo vệ cho bằng được quan điểm của mình.
Liên hệ với người "quăng quả bom" này gần kề ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi đã có cuộc trao đổi ngắn đầy thú vị với anh. Anh sẵn sàng đưa ra quan điểm, chỉ ra cái xấu và cả thực trạng đáng buồn của đàn ông Việt, ai "ném đá" thì cứ việc, anh xin nhận.
Đàn ông Việt đã quen với việc lên mạng xã hội nói xấu phụ nữ?
"Ngọc Trinh và Trang Hạ chỉ là hai trong số rất nhiều người phụ nữ bị đưa ra làm trò cười, chế giễu, chỉ trích, chê bai, thậm chí là lăng nhục trên các mạng xã hội và diễn đàn. Họ cung cấp cho cái gọi là cộng đồng mạng một nguồn cảm hứng vô tận để ném đá trong mọi trường hợp, dù đúng hay sai.
Những người của công chúng như họ trở thành mục tiêu tấn công bởi rất nhiều lí do khác nhau, trong một môi trường văn hoá thấp và đặc biệt là văn hoá tranh luận và sự tôn trọng lẫn nhau không tồn tại.
Họ bị cả hai giới tấn công bởi sự ghen ghét, đố kị, hoặc nhiều khi bị "ném đá" chẳng vì cái gì cả, đơn thuần chỉ là để xả stress. Họ là một thứ món ăn tinh thần của một cộng đồng cư dân mạng quá rảnh, thích thể hiện mình bằng cách giẫm lên người khác.
Nhà báo Trương Anh Ngọc.
Tôi theo dõi các mạng xã hội và sau đó Facebook đã lâu, và nhận ra một điều là phụ nữ, dù đẹp hay xấu, đều dễ trở thành một đối tượng để bàn tán của một số rất đông người dùng mạng, nhiều trong số đó là trí thức hẳn hoi.
Việc này trên thực tế cũng xảy ra ở nhiều nước, chẳng hạn ở Mỹ, không ít người trong cánh đàn ông vẫn chế giễu cô Kim Kardashian có vòng ba siêu hạng là không có não, trong khi ở Ý, dù rất mê body (thân hình -pv) của showgirl Belen Rodriguez, cánh đàn ông vẫn chế giễu cô này là "dốt".
Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi tranh cử cũng không thiếu những câu khiếm nhã về phụ nữ, gây bất bình trong xã hội.
Người phụ nữ trong xã hội hiện đại luôn chịu sự bất công và áp lực trong rất nhiều vấn đề của công việc, gia đình của cuộc sống, trong một sự phân biệt trên cơ sở giới tính rất rõ ràng mà ở đó, người đàn ông tự cho mình quyền được phán xét và đem họ ra làm trò vui trên không gian mạng.
Và trong nhiều trường hợp "ném đá tập thể", việc họ làm giống như là lập dàn thiêu của toà án Dị giáo để xử tử những người phụ nữ bị họ cho là phù thủy. Họ coi đấy là một trò vui, một cuộc giải trí và họ không bao giờ nghĩ đến hậu quả đối với các nạn nhân.
Thường thì những gì liên quan đến phụ nữ đẹp hoặc xấu, theo chuẩn thẩm mĩ của mỗi người, đều thu hút rất nhiều sự quan tâm bình luận, nhận xét và "ném đá" của cả hai giới, nhưng hướng tiêu cực và dung tục là phần nhiều.
Facebook không ngày nào không có chuyện một người phụ nữ nào đó bị đưa ra chê bai, chế giễu, chế ảnh, chịu những lời lẽ nhục mạ và thậm chí vô văn hoá. Có không ít trường hợp họ không hề biết mình rơi vào hoàn cảnh như vậy cho đến khi được ai đó thông báo.
Những ai không đủ bản lĩnh rất dễ rơi vào trầm cảm và xấu hổ. Có những trường hợp đã tự tử vì không chịu nổi sự ê chề khi bị đưa ra làm trò cười hoặc bị nhục mạ quá đáng. Về điều này, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã viết rất chi tiết trong cuốn sách mới xuất bản "Thiện, Ác và smarthphone" của anh."
Người ta sẵn sàng chia sẻ ảnh của một cô gái rồi tự cho mình quyền phán xét, chỉ trích thoải mái. (Ảnh chụp màn hình)
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu xã hội, nhưng tôi cho rằng, con người ta ai cũng có trong mình phần xấu, phần con, và những phần ấy sẽ bộc lộ một cách vô tình hoặc cố ý khi có sự tương tác với phần xấu của rất nhiều những người khác.
Mạng xã hội, ngoài những điều tích cực của nó khi kết nối mọi người, thì cũng rất tiêu cực khi các cá nhân có phần xấu cùng nhau lan toả trong không gian chung, tác động lên không ít người, kích hoạt phần xấu ở nhiều người ban đầu không hề nằm trong ảnh hưởng của họ trên mạng.
Bây giờ, xấu quá cũng có thể là một tội. Đẹp quá cũng thế. Mà không đẹp không xấu cũng chẳng được buông tha. Việc người ta sử dụng những từ ngữ lỗ mãng về về nhan sắc hay cuộc sống riêng của phụ nữ đã cho thấy người đàn ông ấy là ai rồi.
Có lần một cô bạn tôi post ảnh nude của cô ấy trên mạng, một bức ảnh mà cô ấy coi như là một tác phẩm nghệ thuật. Cô ấy không thể hình dung nổi một làn sóng comment hết sức tiêu cực nhắm vào cô ấy từ cả hai giới, đa phần đều là nhục mạ, trong đó có cả những lời rất khả ố từ những người hiểu cao học rộng.
Chuyện cô gái bán trà đá ngoài cổng trường ĐH Kiến Trúc là một câu chuyện khác về việc người ta có thể sử dụng mạng xã hội để tác động một cách tiêu cực lên một cá nhân trong xã hội. Một người phụ nữ bị chú ý và đưa lên Facebook cũng chẳng khác gì lên đoạn đầu đài.
Một người phụ nữ bị bới lên quá khứ trong những câu chuyện chẳng hề liên quan cũng hệt như thế. Nhưng cô ấy vẫn còn may mắn hơn nhiều người phụ nữ khác. Có không ít người bị tung ảnh ghép, clip sex ghép hoặc các clip đánh ghen lên mạng và được một cộng đồng share điên đảo, nhiều trong số đó có cả phụ nữ.
Tôi không hiểu nổi tại sao người ta có thể tàn nhẫn đến thế với người khác. Vì cái ác đã ẩn nấp sẵn trong tâm hồn họ, vì những lỗ hổng trong ý thức của họ, vì một trình độ văn hoá và giải trí quá thấp, vì những định kiến với phụ nữ hay vì những điều tiêu cực khác chỉ chờ nhảy ra mỗi khi có cơ hội?
Chỉ bằng 1 khoảnh khắc trông hộ hàng trà đá, cô gái đã trở thành tâm điểm của mạng xã hội. Khen thì ít mà chê thì nhiều, thậm chí ảnh thời chưa thẩm mỹ của cô còn bị người ta tung lên, nói xấu.
Đàn ông luôn nói "Phụ nữ thì biết cái gì"!
Nói chung, đàn ông có rất nhiều điều bất mãn với phụ nữ, dù rằng, không phải lúc nào họ cũng đúng. Bạo lực ngôn từ và bạo lực bằng thân thể có thể là điều xảy đến khi sự bất mãn không thể kìm hãm được nữa.
Điều này thực ra đã tồn tại từ lâu trong lịch sử loài người, khi đàn ông được cho là phái mạnh, phụ nữ là phái yếu, thậm chí bị cho là nguồn gốc gây ra đủ mọi phiền toái cho đàn ông.
Ngay cả Kinh Thánh cũng cho rằng, đàn bà sinh ra từ cái xương sườn của đàn ông và sự ngây thơ dẫn đến việc đàn bà bị con rắn lừa dối đã khiến cả đàn ông lẫn đàn bà bị Thượng đế đuổi khỏi vườn Địa đàng.
Nhiều người đàn ông vẫn luôn mang một định kiến xấu về phụ nữ, và việc họ làm, điều họ nghĩ, họ nói, đều ám chỉ rằng phụ nữ thấp kém hơn họ, trong khi họ chưa chắc đã văn minh.
Đàn ông Việt có thể ngồi tụm 5, 7 nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng cùng bạn bè mà chẳng cần lo lắng vợ con ở nhà thế nào?
Tôi có quen không ít người như thế. Họ mặc định rằng việc lớn - có cả việc nhậu nhẹt với đủ loại lí do này kia, trong đó có nhiều lí do tụ tập rất vớ vẩn của cánh đàn ông - là của đàn ông, còn đàn bà là phải vào bếp, nấu ăn, chăm con, rửa bát, giặt giũ.
Tư duy và cách sinh hoạt ấy đã tồn tại từ khá lâu và ăn sâu bén rễ trong lòng nhiều gia đình thị dân, và sự phản kháng của người phụ nữ thường dễ dàng bị dập tắt.
Sau một số post tôi viết về chuyện đàn ông nhậu nhẹt và kiếm cớ để ngồi hàng quán, tôi nhận được khá nhiều message của các bà vợ than vãn về chuyện này của các ông chồng.
Họ nhận ra rằng, họ đã để việc ấy trở thành cố tật của các ông và giờ không có cách nào thay đổi được nữa. Vấn đề của các ông thực ra các bà vợ cũng có lỗi trong nỗi khổ của họ: hoặc họ chiều chồng, hoặc họ đơn giản nghĩ rằng mình cần phải đảm đang và vào bếp, việc nhà là của họ, hoặc họ đã thoả hiệp với lối sống ấy ngay từ khi lập gia đình.
Những người đàn ông văn minh và những người vợ văn minh của họ chắc chắn sẽ không thế.
Đàn ông tìm đủ mọi lý do để đi nhậu cùng bạn bè. (Ảnh minh họa)
Còn chia sẻ riêng về ngày 8/3, đối với chúng tôi đó là một ngày bình thường trên tờ lịch như bao ngày khác. Vợ chồng tôi cùng làm việc nhà, cùng làm bếp, cùng dọn dẹp và cùng lên các kế hoạch cho gia đình.
Những việc này được thực hiện hoàn toàn dân chủ chứ chẳng có chuyện ai tặng quà ai cả. Thế nên, với chúng tôi, ngày nào cũng là 8/3. Nếu chúng ta thực sự sống vì gia đình, chúng ta sẽ có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu và sự gắn bó bằng hành động, chứ không cần phải làm một việc gì đó mang tính biểu tượng, vì ngày đó có ý nghĩa gì đó, như ngày Phụ nữ chẳng hạn, nên phụ nữ được nghỉ việc mà hơn 300 ngày trong năm, người đó luôn phải làm!