Vũ khí tiến công bất đối xứng
Đêm giao thừa năm 2018, máy bay không người lái (UAV) của phiến quân Syria đã thành công trong cuộc tập kích vào căn cứ Khmeimim khiến 2 quân nhân Nga thiệt mạng, 4 máy bay chiến đấu trị giá hàng trăm triệu USD bị phá hủy.
Điều đáng nói là số UAV được chỉ có giá trị vài nghìn USD.
Tháng 9/2019, các cơ sở dầu mỏ ở Arab Saudi đã bị lực lượng Houthi ở Yemen vô hiệu hóa chỉ với 9 UAV và một số tên lửa hành trình. Các loại vũ khí này đã dễ dàng "qua mặt" các hệ thống phòng không trị giá hàng trăm tỷ USD và đã gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho Saudi.
Việc đưa UAV cỡ nhỏ với chi phí cực thấp vào các hoạt động quân sự nói trên đã chứng minh được tính hiệu quả.
UAV cỡ nhỏ đã trở thành mối đe dọa ngay cả đối với các quốc gia có lực lượng phòng không tiên tiến. Phát hiện các cuộc tập kích bằng UAV là "bài toán khó" cho các hệ thống radar do kích thước của các mục tiêu này thường rất nhỏ và bay với tốc độ chậm và độ cao rất thấp.
UAV có vỏ bằng composite trong các cuộc tập kích ở Arab Saudi và UAV bằng gỗ dán và nhựa ở Syria là những vũ khí rẻ tiền nhưng có khả năng vô hiệu hóa radar của đối phương.
Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov của Nga giải thích với tờ Tầm nhìn (VZGLYAD): "Các hệ thống phòng không được phát triển để đối phó với các loại máy bay cũng như tên lửa có tốc độ và kích thước lớn và đây cũng chính là "lỗ hổng" của các hệ thống radar".
Việc phát hiện các mục tiêu như vậy trên radar phòng không ngày càng phức tạp và khó khăn, bởi công nghệ chế tạo UAV gần đây với các loại vật liệu bằng composite và động cơ điện.
Các công nghệ này đã làm giảm khối lượng kim loại trên những chiếc UAV cũng như tên lửa hành trình (thân vỏ phần lớn bằng composite) và hầu như “tàng hình” (giảm hoặc triệt tiêu tín hiệu phản xạ radar)".
Năm 2016, các chuyên gia của tổ chức Conflict Armament Research của Anh đưa ra phân tích đáng ngạc nhiên về một UAV được chế tạo thủ công ở Iraq.
Ngoài khung gỗ dán và động cơ là máy cắt cỏ, UAV này mang theo một đầu đạn được lấy ra từ tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Strela-2M và các thiết bị điều khiển vô tuyến của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoại trừ đầu đạn, tất cả các thành phần khác của UAV đều có thể đặt mua với số lượng không hạn chế thông qua mạng Internet và như vậy các nhóm vũ trang có thể chế tạo một UAV tấn công cực kỳ nguy hiểm.
Nhưng các tay súng phiến quân không phải lúc nào cũng phải học cách tự lắp ráp một UAV như ví dụ trên, họ có thể mua các UAV do Trung Quốc chế tạo thông qua các cửa hàng trực tuyến và đây cũng là lý do khiến các UAV này thường được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc xung đột.
Mối đe dọa khó lường từ các cuộc tấn công bằng UAV vào căn cứ Khmeimim của Nga.
"Thuốc kháng sinh" chống UAV giá rẻ
Để đối phó với những cuộc tập kích bằng UAV là điều không dễ dàng. Nhưng người Nga có khả năng đối phó có hiệu quả với những vật thể bay thấp bằng hệ thống phòng không tự hành tầm thấp Pantsir-S1M.
Mới đây, tại trường bắn gần thành phố Novosibirsk của Nga đã diễn ra cuộc thử nghiệm chống UAV của hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1M.
Theo kịch bản, một nhóm UAV sẽ tập kích một căn cứ quân sự, tình huống đặt ra là nhiều UAV từ các hướng khác nhau tiến hành xâm nhập mục tiêu. Tuy nhiên với hệ thống Pantsir-S1M, các UAV đều bị phát hiện ở cách mục tiêu 20 km và bị bắn rơi ở khoảng cách an toàn.
Ông Valery Slugin, nhà thiết kế chính của các hệ thống phòng không, thuộc Công ty sản xuất dụng cụ Tula, Cục thiết kế chế tạo thiết bị Shipunov (KBP - nơi sản xuất hệ thống Pantsir-S1M) bình luận với TASS:
"ngoài trang bị đạn tên lửa như hiện nay cho của hệ thống Pantsir-S1M, chúng tôi sẽ phát triển loại tên lửa nhỏ hơn, giá thành rẻ hơn và các hệ thống có thể mang nhiều tên lửa hơn, nhằm "đặc trị" UAV nhỏ và bay chậm trong bán kính từ 5 đến 7 km.
Việc phát triển, sản xuất và thử nghiệm loại tên lửa mới sẽ mất từ 3 đến 4 năm".
Ông Valery Slugin và một số nguyên mẫu tên lửa của hệ thống Pantsir-S1M.
Theo ông Slugin, sau quá trình nghiên cứu phát triển, số tên lửa trên một hệ thống Pantsir-S1 sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay (48 tên lửa) và làm tăng hiệu suất chiến đấu, tăng số lượng mục tiêu có thể tiêu diệt.
"Hệ thống phòng không Pantsir-S1 ban đầu được thiết kế để đánh chặn vũ khí dẫn đường chính xác bay với tốc độ cao, mục tiêu chủ yếu là bom thông minh loại GBU và tên lửa AGM-88.
Nhưng trên thực tế, hệ thống Pantsir-S1 đã tỏ ra khá ấn tượng khi đánh chặn các mục tiêu nhỏ, có tốc độ bay chậm và ở độ cao thấp.
Số lượng UAV bị bắn hạ bởi Pantsir-S1 ở Syria đã vượt quá 100 - điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống đã chứng minh được hiệu quả.
Hệ thống phòng không tầm thấp của Nga không chỉ có Pantsir-S1, các doanh nghiệp quốc phòng Nga đã đầu tư vào những hệ thống phòng không tiên tiến có thể chống lại các cuộc tập kích kiểu “bầy đàn” như trên.
Có thể kể tới hệ thống Tor-M2MKM, radar của hệ thống này có thể phát hiện mục tiêu với diện tích phản xạ radar chỉ hơn 0,1 m2 ở khoảng cách 32 km và các mục tiêu nhỏ hơn ở khoảng cách 10-15 km.
Nhưng hệ thống phòng không "đặc trị" UAV cỡ nhỏ chỉ có Pantsir-S1M, ngoài chế độ dẫn đường bằng radar, Pantsir-S1M còn có thể theo dõi và dẫn đường tên lửa bằng hệ thống quang điện tử, cho dù mục tiêu có thể bay sát mặt đất và hoặc khi bay với tốc độ bằng 0 (trạng thái treo)".
Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 của Nga.