Xuất khẩu từ Australia sang Trung Quốc tăng
Giá trị xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã tăng 24% so với năm 2020, đạt hơn 180 tỷ AUD (135 tỷ USD), theo dữ liệu mới nhất vào tháng 8 của công ty nghiên cứu Oxford Economics. Dữ liệu hàng tháng cho thấy hàng hoá đến Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục là 19,4 tỷ AUD trong tháng 7, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Reuters.
Mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi từ năm 2020, sau khi Australia ủng hộ lời kêu gọi toàn cầu điều tra về việc Trung Quốc xử lý đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên.
Kể từ đó, những căng thẳng đã chuyển thành các lệnh trừng phạt vào hàng hoá của Australia. Lệnh trừng phạt bao gồm từ việc áp dụng thuế quan đến áp đặt các lệnh cấm và hạn chế khác, làm ảnh hưởng đến các mặt hàng của Australia như lúa mạch, rượu vang, thịt bò, bông và than đá.
Nhà kinh tế học Sean Langcake tại Oxford Economics cho biết: "Mối quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng của Australia với Trung Quốc là rủi ro chính đối với triển vọng của một năm qua. Các rào cản thương mại với một số sản phẩm từ Australia đã được áp đặt và liên tục leo thang khi căng thẳng ngoại giao gia tăng".
Oxford Economics ngày 22/10 lưu ý rằng mặc dù tồn tại những căng thẳng, nhìn chung, xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã tăng đáng kể. Australia là một trong số ít quốc gia phát triển có thể đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Quặng sắt thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
Khi những số liệu quan trọng cho thấy xuất khẩu tăng vọt, phần lớn đóng góp cho sự gia tăng đó chính là quặng sắt, một mặt hàng mà Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Australia.
Theo phân tích của nhà chiến lược đầu tư Neil Newman trên SCMP, hoạt động khai thác của Australia không được thúc đẩy bởi tiêu thụ trong nước mà là xuất khẩu ra nước ngoài, với khoảng 2/3 tổng doanh thu xuất khẩu của Australia trong năm 2020 đến từ khoáng sản được vận chuyến ra nước ngoài. Năm 2020, chỉ riêng quặng sắt đã chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu với trị giá khoảng 149 tỷ AUD.
Langcake nói rằng: "Giá quặng sắt cao kỷ lục và nhu cầu mạnh mẽ đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất thép ở Trung Quốc chiếm phần lớn sự gia tăng này".
Tuy nhiên, theo ông Neil Newman, năm 2021 đã chứng kiến những sự thay đổi lớn, khi Trung Quốc không còn mấy mặn mà đến việc nhập khẩu quặng sắt, đồng và than từ Australia. Một phần là do nguy cơ vỡ nợ của các ông lớn bất động sản Trung Quốc như Evergrande, Sinic và Fantasia khiến những thành phố ma bắt đầu bị dỡ bỏ, giải phóng lượng lớn sắt thép sẽ được tái chế. Mặt khác, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội mới nơi các nguồn cung dồi dào như Trung và Tây Phi.
Quặng sắt từ Trung Quốc tại một cảng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm, một số sản phẩm đi ngược lại xu hướng này. Ông Langcake cho biết thịt và sản phẩm động vật sống vẫn giữ ổn định và được xuất sang Trung Quốc bất chấp những lệnh hạn chế. Theo Oxford Economics, những loại hàng hoá bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm gỗ, hải sản, đồ uống, dầu ăn, than đá, vải, giày dép, ngũ cốc và đường.
Các quan chức Australia đã chỉ trích Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt thương mại. Trong một tuyên bố với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tuần trước, Australia nói rằng: "Trung Quốc nói những hành động này phản ánh lo ngại thương mại một cách hợp pháp, nhưng ngày càng có nhiều thông tin bổ sung chứng minh rằng động thái của Trung Quốc được thúc đẩy bởi lý do chính trị".
Theo Reuters, trong ngày 27/10, WTO nói rằng họ đã đồng ý thành lập một ban hội thẩm để xem xét mức thuế của Trung Quốc đối với rượu vang nhập khẩu của Australia.
Australia tìm hướng đi mới
Chuyên gia Neil Newman cho rằng việc dựa vào một khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh hoặc tài chính là quá nguy hiểm. Ông cho rằng Australia cần tìm một lối đi, bằng cách xây dựng lại ngành công nghiệp sản xuất, tạo ra chất bán dẫn hay chiến lược mới, thay thế những nguồn thu biến mất khi xuất khẩu chững lại.
Bất chấp lệnh trừng phạt, Australia đang cố gắng để chuyển hướng xuất khẩu hàng hoá bị cấm sang các nước khác, theo Oxford Economics.
Langcake nói rằng: "Nếu chạm trán với những rào cản khi xuất khẩu sang Trung Quốc, câu hỏi quan trọng xuyên suốt giai đoạn này đối với các nhà xuất khẩu là khả năng chuyển hướng sang các địa điểm xuất khẩu thay thế. Đáng mừng là chúng tôi tìm thấy những bằng chứng của sự phân tán trong hoạt động thương mại, chứ không phải sự sụp đổ trong hoạt động xuất khẩu".
Một ví dụ đó là than đá. Mặc dù cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất của Trung Quốc trong nhiều năm là do thiếu hụt than, Trung Quốc vẫn duy trì lệnh hạn chế với than đá của Australia. Australia đã tăng cường xuất khẩu than sang Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tham khảo CNBC, SCMP