Trung Quốc và Ấn Độ rút quân khỏi biên giới, nhưng căng thẳng chưa hề biến mất

Anh Minh |

Sau 9 tháng đối đầu quân sự căng thẳng, bao gồm cuộc đụng độ chết người đầu tiên trong nhiều thập kỷ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới tranh chấp, hai bên bắt đầu rút khỏi các vị trí cắm chốt ở bờ phía nam và phía bắc của hồ Pangong như một phần của thỏa thuận rút quân “đồng bộ, chia theo giai đoạn”.

Trẻ em chơi cricket bên hồ Pangong, gần biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở Ladakh, Ấn Độ, ngày 22 tháng 7 năm 2011.

Trẻ em chơi cricket bên hồ Pangong, gần biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở Ladakh, Ấn Độ, ngày 22 tháng 7 năm 2011.

Dọc theo mặt nước của Hồ Pangong, ở trên khu vực dãy Himalaya, có tiếng vỗ vai và những tiếng thở phào nhẹ nhõm hôm 11 tháng 2.

Bằng cách giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc giao tranh, động thái này đã đưa Bắc Kinh và New Delhi lùi khỏi bờ vực trong thế đối đầu bế tắc ở biên giới. Việc rút quân được tiếp nối vào ngày 20 tháng 2 sau vòng đàm phán thứ 10 giữa các chỉ huy Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực.

Năm ngày sau, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, khẳng định việc rút quân là "bước đầu tiên quan trọng", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Hai bên cũng công bố kế hoạch thiết lập đường dây nóng ngoại giao để hỗ trợ quản lý khủng hoảng trong tương lai.

Mặc dù tích cực, nhưng theo WPR, các bước giảm leo thang này không đảm bảo hòa bình, chưa thể giúp đôi bên quay trở lại quan hệ hòa giải.

Shivshankar Menon, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với The Wire, một hãng thông tấn Ấn Độ: “Đây là một cuộc rút quân chiến thuật và nó chỉ là tạm thời cho cả hai bên. Một thỏa thuận chính trị về cách giải quyết tranh chấp biên giới lớn hơn vẫn còn thiếu và có rất ít niềm tin giữa New Delhi và Bắc Kinh, khiến con đường phía trước vẫn rất nguy hiểm.

Hai đối thủ tiếp tục đổ lỗi cho nhau về cuộc ẩu đả chết người vào tháng 6 năm ngoái ở Thung lũng Galwan, đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn về những gì đã xảy ra. Một số thông tin báo chí nói bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã tiến vào lãnh thổ do Ấn Độ tuần tra trước đó và bắt đầu xây dựng các công sự, dẫn đến tình trạng bế tắc.

Nhưng cả hai bên đều khẳng định rằng chính việc bên kia tiến ra ngoài khu vực tuần tra đã thỏa thuận trước đó đã dẫn đến cuộc đụng độ. Vào thời điểm đó, Ấn Độ nói rằng 20 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tay đôi, trong khi Trung Quốc thông báo muộn màng vào tháng trước rằng 4 binh sĩ của họ thiệt mạng.

Giờ đây, các quan chức Ấn Độ đang nhấn mạnh sự cần thiết phải xác minh rằng tất cả các thỏa thuận đang được "tuân thủ bằng văn bản và tinh thần", như tướng Manoj Naravane, Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ, phát biểu công khai gần đây. Cả hai quân đội sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo bên kia không từ bỏ các cam kết của mình.

Tướng Naravane thừa nhận vẫn còn "một chặng đường dài phía trước" và cả hai bên hiện phải tập trung vào việc giảm leo thang và rút quân khỏi các khu vực khác dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), ranh giới trên thực tế phân chia phần lãnh thổ Ấn Độ và Trung Quốc.

Quân đội đôi bên đã không rút lui khỏi các điểm nóng khác dọc theo biên giới ở khu vực phía đông Ladakh, bao gồm Gogra, Hot Springs, Demchok và Depsang. Cả hai bên vẫn bố trí nhiều quân hơn ở khu vực gần LAC so với trước mùa xuân năm ngoái.

Ấn Độ cũng lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở khu vực biên giới đang tranh chấp phía đông, phía bên kia cao nguyên Tây Tạng, xung quanh các bang Sikkim và Arunachal Pradesh. Tại đây, Trung Quốc đã nâng cấp đáng kể sự hiện diện quân sự và cơ sở hạ tầng trong năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại