Liên tục thời gian qua, dư luận hết sức bức xúc trước việc hàng loạt các mặt hàng, ấn phẩm từ sách, bản đồ, phim ảnh, ứng dụng điều hướng trên ô tô... bị Trung Quốc cài cắm "đường lưỡi bò" (đường chín đoạn hay đường chữ U). Đây là thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của Trung Quốc để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Biển Đông.
Nhận định về chiến dịch tuyên truyền này của Trung Quốc, chuyên gia Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Trường Đại học Quốc gia Australia cho rằng chính phủ Trung Quốc luôn đưa ra các tuyên bố chủ quyền theo cách mà Bắc Kinh cho là có thể chấp nhận được, bao gồm các vấn đề liên quan tới việc cài cắm đường lưỡi bò vào các loại hàng hóa, dịch vụ và các sản phẩm kỹ thuật số.
Chuyên gia Adam Ni. (Ảnh: Twitter)
"Đây không phải là điều gì đó mới mẻ. Đó là điều mà Bắc Kinh luôn muốn thúc đấy vì theo quan điểm của họ, tất cả phải truyền đi cùng một thông điệp, kể cả khi đó là một chiếc áo phông hay tấm bản đồ trong một bộ phim", ông Ni khẳng định.
Theo ông Ni, sự khăng khăng của Bắc Kinh đối với đường chín đoạn cũng tương tự cách Bắc Kinh yêu cầu các công ty, tổ chức không được phép coi Đài Loan là phần lãnh thổ tách biệt với Trung Quốc.
"Có một mô hình trong hành vi của Trung Quốc. Trong trường hợp đường lưỡi bò và yêu sách của Trung Quốc ở vấn đề Biển Đông, việc tuyên truyền sẽ trở thành trọng tâm trong chiến lược của Bắc Kinh. Họ sẽ cố truyền đi một thông điệp sai lệch thông qua các sản phẩm và dịch vụ giải trí", chuyên gia phân tích.
Chuyên gia này nhấn mạnh những gì mà thế giới cần nhận ra là Bắc Kinh đang từng bước thực thi chiến lược của mình hay thậm chí còn đi xa tới mức áp đặt trừng phạt đối với các công ty không tuân thủ.
Thông thường, vì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và tầm quan trọng của thị trường đại chúng đối với công ty nước ngoài, các công ty này sẽ tự điều chỉnh để phù hợp với các đòi hỏi của Bắc Kinh. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc sẽ tận dụng chủ nghĩa dân tộc để gây áp lực với các công ty này.
"Cũng cần phải nhấn mạnh rằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang hỗ trợ cho việc lôi kéo các công ty nước ngoài thuận theo quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông và các vấn đề khác mà Trung Quốc theo đuổi quan điểm khác biệt với các nước khác.
Tôi nghĩ rằng nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cài cắm quan điểm của họ sẽ chỉ tăng lên trên quy mô toàn cầu khi mà họ đang gia tăng ảnh hưởng và đặt dấu chân ở khắp nơi trên thế giới. Đồng thời chúng ta cũng thấy rõ ràng rằng các hoạt động sẽ ít được chấp nhận trên phạm vi quốc tế", ông Ni nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore) nhận định Bắc Kinh tận dụng thực tế họ là công xưởng của thế giới để tìm cách cài cắm các tuyên bố chủ quyền và các yêu sách đối với Biển Đông vào các sản phẩm của họ.