Trung Quốc sở hữu 'cỗ máy thần kỳ': Thay cầu chỉ trong 4 tiếng với công nghệ độc nhất vô nhị không nơi nào có, lập kỷ lục thế giới về tốc độ

Vu Lam |

Cỗ máy này có tên Thái Hằng, được dùng để sửa chữa đường sắt mà không gây gián đoạn cho tuyến đường đó. Theo SCMP, máy có thể thu gọn, vận chuyển bằng đường sắt và thực hiện nhiệm vụ ngay tại chỗ.

Trung Quốc sở hữu cỗ máy thần kỳ: Thay cầu chỉ trong 4 tiếng với công nghệ độc nhất vô nhị không nơi nào có, lập kỷ lục thế giới về tốc độ - Ảnh 1.

Theo SCMP, các kỹ sư Trung Quốc cho biết họ đã lập kỷ lục thế giới khi thay thế một đoạn cầu đường sắt chỉ trong 4 giờ, mà không làm gián đoạn hoạt động bình thường của tuyến đường này.

Nhóm kỹ sư cho biết thêm, kỳ tích về hiệu quả sửa chữa này được ghi nhận vào hôm 20/6. Họ sử dụng một cỗ máy thông minh cho phép quá trình bảo trì quy mô lớn được thực hiện một cách nhanh chóng và an toàn.

Chia sẻ trên mạng xã hội WeChat, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) cho biết cỗ máy này là Taihang (Thái Hằng), chuyên sử dụng để thay thế cầu đường sắt đầu tiên trên thế giới. Máy đã được sử dụng để thay thế một đoạn cầu cũ trên tuyến đường sắt Shouhang thuộc tỉnh Hà Bắc.

Tuyến đường sắt này dài 500 km, đã vận chuyển hơn 4,4 tỷ tấn than - tương đương 1 nửa sản lượng than toàn cầu hàng năm, trong suốt 2 thập kỷ hoạt động. Đây là một trong những tuyến vận tải bận rộn nhất Trung Quốc, kết nối khu vực sản xuất than ở phía tây tỉnh Thiểm Tây với cảng xuất khẩu than Huanghua ở tỉnh Hà Bắc.

Máy Thái Hằng được đặt tên theo dãy núi ngăn cách miền bắc và miền Trung Trung Quốc. Theo SCMP, cỗ máy này có thể thu gọn, vận chuyển bằng đường sắt và thực hiện “nhiệm vụ” ngay tại chỗ. Máy cũng được trang bị công nghệ và thiết bị hiện đại như cơ chế định vị và điều chỉnh chính xác. Theo đó, máy có thể xử lý các nhiệm vụ thay thế cầu khác nhau, ngay cả ở địa hình phức tạp hay trên các trụ cầu cao.

Trung Quốc sở hữu cỗ máy thần kỳ: Thay cầu chỉ trong 4 tiếng với công nghệ độc nhất vô nhị không nơi nào có, lập kỷ lục thế giới về tốc độ - Ảnh 2.

Máy Thái Hằng đang thực hiện "nhiệm vụ" ở 1 đoạn đường sắt thuộc tỉnh Hà Bắc.

Trước đây, việc sửa chữa cầu như vậy thường nhanh nhất là 12 giờ, theo CRCC. Công ty cho biết trên thế giới chưa có ai thực hiện nhiệm vụ tương tự với “tốc độ như vậy”. Tốc độ “thần tốc” của quá trình sửa cầu có thể cho phép các nhóm kỹ sư hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian cực kỳ ngắn, khi không có tàu nào đi qua, tránh là gián đoạn hoạt động bình thường hay ảnh hưởng đến lịch trình của tàu.

Theo CRCC, quá trình này bắt đầu với công việc chuẩn bị phần cầu mới với đá dằn và đường ray tại một khu vực nhà ga gần đó. Phần cầu mới sẽ được chất lên máy Thái Hằng, sau đó vận chuyển đến đoạn cầu cần thay thế. Tại đây, cỗ máy sẽ được điều chỉnh thay đổi để chuẩn bị cho quá trình thay thế, bao gồm nâng đoạn cầu cũ, đặt lên một phương tiện và sau đó lắp đặt đoạn cầu mới vào đúng vị trí.

Trong quá trình này, máy sẽ đảm bảo vị trí chính xác của đoạn cầu cần sửa chữa và điều chỉnh đoạn cầu mới thẳng hàng, ổn định. Sau khi phần cầu mới được lắp đặt, máy nhanh chóng đưa tuyến đường sắt về trạng thái đang hoạt động bằng cách nén chặt đường ray bằng những chiếc búa lớn. Đoạn cầu cũ sẽ được vận chuyển khỏi công trường bằng máy Thái Hằng và quá trình thay thế đã hoàn tất.

Trung Quốc sở hữu cỗ máy thần kỳ: Thay cầu chỉ trong 4 tiếng với công nghệ độc nhất vô nhị không nơi nào có, lập kỷ lục thế giới về tốc độ - Ảnh 3.

Máy Thái Hằng thay thế 1 đoạn cầu nhanh đến mức không làm gián đoạn hoạt động trên đường sắt.

Việc hoàn thành nhiệm vụ thay thế cầu bằng máy Thái Hằng thể hiện bước tiến công nghệ quan trọng trong hoạt động bảo trì cơ sở hạ tầng đường sắt của Trung Quốc.

Một số kỹ sư đường sắt cho biết thành tựu này thể hiện cam kết đổi mới và dẫn đầu công nghệ của nước này trong ngành đường sắt.

Wu Jingpeng, một kỹ sư cấp cao phụ trách dự án thay thế cầu tại Viện thiết kế và khảo sát đường sắt Trung Quốc số 5, cho biết, các phương pháp thay thế cầu đường sắt hiện tại trên thế giới chỉ giới hạn trong những phương pháp cụ thể, bao gồm di chuyển ngang và thay thế bằng cần cẩu giàn. Theo ông, cả 2 cách này đều cần tuyến đường sắt phải ngừng hoạt động tạm thời, hoặc chuyển hướng sang một tuyến thay thế trong quá trình sửa chữa.

Các tuyến đường sắt hiện tại của Trung Quốc đều đã hoạt động trong nhiều năm, một số tuyến có “tuổi đời” hơn 1 thế kỷ. Nhiều cầu hoạt động hơn 50 năm và hơn 40% cầu đường sắt đã được sử dụng suốt hơn 3 thập kỷ, theo CRCC.

Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc có độ dài tương đương với chặng đường đi vòng quanh Trái đất. Tuy nhiên, để duy trì tính hiệu quả và an toàn của tàu cao tốc, điều quan trọng nhất là phải kịp thời bảo trì và sửa chữa, để giảm thiểu sự gián đoạn và đảm bảo các tuyến đường hoạt động thông suốt.

Tham khảo SCMP 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại